(Baonghean) Và khi mặt đất này đã im tiếng súng. Những cánh rừng từng bị cày xới bởi đạn bom, lá rụng tơi bời bởi chất độc hóa học đã xanh lên màu lá bình yên. Những người lính trong đoàn quân chiến thắng trở về, giản dị với cuộc sống mưu sinh. Dưới mái nhà ấy có người vợ tảo tần đã đợi họ suốt một tuổi thanh xuân, có người mẹ già chờ mong lắm tiếng cười con trẻ... Chiến tranh đã là quá khứ, hận thù được khép lại khi dân tộc ta đã chạm tới khao khát hòa bình. Nhưng, có nỗi đau vẫn còn tiếp diễn, có sự tàn khốc vẫn đang hiện hữu, dù đã qua rồi hơn 50 năm...
Ở nơi nào trên mảnh đất quê ta, lại không từng có những con người bước ra từ cuộc chiến và chịu nỗi đau ấy từ cuộc chiến, nỗi đau mang tên Chất Độc Da Cam? Những "cơn mưa chất độc" do quân đội Mỹ rải xuống miền Trung và miền Nam trong vòng 10 năm (1961-1971) đã khiến gần 5 triệu người dân trên cả nước bị nhiễm chất độc dioxin mà Nghệ An có gần 40.000 nạn nhân, trong đó có 6.750 người trở về từ chiến trận, còn lại là thế hệ con, cháu bị ảnh hưởng. Chúng ta có thể thống kê được những con số ấy, nhưng không thể thống kê được bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu tiếng than thở của những kiếp người đang chìm trong bệnh tật, đói nghèo và đôi khi, còn đâu đó cả sự kỳ thị. Có ai đau bằng nỗi đau của những bà mẹ sinh con ra, không thể cho con trọn vẹn một hình hài? Có ai bất hạnh hơn những con người, dù có ý thức được hay không, khi thời gian thì cứ trôi mà họ thì mãi trong một vóc dáng không hài hoà, một trí óc thiếu minh tuệ và một tâm hồn non nớt? Và không ít con người, đã đến với cuộc đời vô chừng ngắn ngủi, giống như chiếc lá mong manh, như viên sỏi nhỏ chênh vênh bên bờ vực thẳm.
![]() |
Bức ảnh "Em bé da cam" Việt Nam của nhiếp ảnh gia người Mỹ Ed Kashi đoạt giải "Ảnh của năm 2010" do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) bình chọn.
Có bao nhiêu gương mặt đã lướt qua ta trong nhộn nhịp đời thường: Một người mẹ trong tiết Thanh minh, lặng đứng trước nghĩa địa đầy cát lần lượt thắp những nén hương lên 5 ngôi mộ những đứa con mình. Một thanh niên trong hình hài đứa trẻ phải nhốt lại phòng khi quậy phá. Một nữ TNXP trở về sau cuộc chiến còn lắm vất vả, gian nan. Một người cha tật bệnh gượng đút từng thìa cháo cho đứa con tật nguyền. Một đám cưới chú rể ngồi trên xe lăn, và cô dâu đứng trên đôi nạng gỗ...
Bao nhiêu người chỉ khát khao một cuộc sống bình thường ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa. Hận thù sẽ nguôi quên, nhưng chúng ta cần Công lý. Những thông điệp, những dòng tên đã được gửi tới nước Mỹ xa xôi không gì nhiều hơn là mong muốn trả lại vẹn nguyên một nụ cười, một dáng đứng thẳng, một giấc mơ bình yên. Trong hành trình đòi Công lý không ít gian nan này cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, chúng ta đã nhận được sự sẻ chia thầm lặng và tận tụy của nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Tỉnh ta đã có nhiều nạn nhân được chữa trị, hàng trăm ngôi nhà được trao tặng, hàng ngàn gia đình được giúp vốn làm ăn thoát nghèo. Và điều quan trọng, những hình ảnh của họ đã đến cùng thế giới. Nước mắt đã rơi và hàng triệu triệu người trên trái đất này đã chung một nhịp đập, chung một tiếng nói: Không chiến tranh!