Thêm sân chơi cho những người yêu môn thể thao "vua"

15/03/2015 09:36

(Baonghean) - Năm 2009, Nguyễn Thế Anh - cựu thủ môn CLB SLNA đang khoác áo Becamex Bình Dương, về TP. Vinh đầu tư xây dựng cụm 2 sân cỏ nhân tạo đầu tiên của tỉnh trong khuôn viên Nhà Văn hóa lao động Nghệ An. Điều này đã mở đầu cho phong trào xây dựng sân cỏ nhân tạo trên địa bàn TP. Vinh góp phần tạo thêm sân chơi cho những người yêu bóng đá.

Một trận cầu trên sân cỏ nhân tạo Trang Bùi ở phường Hà Huy Tập (TP Vinh).
Một trận cầu trên sân cỏ nhân tạo Trang Bùi ở phường Hà Huy Tập (TP Vinh).

Đến nay, toàn Thành phố Vinh có khoảng 40 cụm sân bóng với 78 sân đang hoạt động. Một sân cỏ nhân tạo có diện tích từ 800 - 1.000m2, theo tiêu chuẩn sân bóng đá 5 - 7 người (thường được gọi là sân bóng mi ni). Xung quanh sân có lưới cao khoảng 7-8m và hệ thống đèn chiếu sáng. Kinh phí xây dựng từ 500- 800 triệu đồng/sân. Ưu điểm của loại sân bóng này là hạn chế được những rủi ro, va chạm trong thi đấu và giúp cho thanh- thiếu niên có thể luyện tập được bất cứ thời gian nào trong này, cả buổi trưa và buổi tối.

Anh Cao Đức Sơn - thành viên CLB Thành Cổ - một trong những CLB bóng đá phong trào đầu tiên ở TP Vinh, chia sẻ: “Mặc dù yêu thích bóng đá nhưng do trước đây điều kiện sân bãi còn ít nên chúng tôi không có nhiều cơ hội để luyện tập. Việc tập bóng trên những sân cỏ tự nhiên tiềm ẩn nhiều rủi ro như mặt sân gồ ghề, cỏ không đều, không những ảnh hưởng đến chất lượng trận đấu mà còn dễ dẫn đến chấn thương, rồi nguy cơ dẫm phải các vật sắc nhọn như kim tiêm, mảnh chai... Nhờ có các sân cỏ nhân tạo, tôi và bạn bè được chơi môn thể thao yêu thích trên mặt sân an toàn hơn, theo khung thời gian phù hợp với toàn đội. Với giá thuê sân trung bình từ 150 đến 250 nghìn đồng mỗi giờ (tùy theo khung giờ) và tần suất tập luyện khoảng 2 buổi/tuần, mỗi thành viên trong CLB của tôi chỉ mất khoảng 100 nghìn đồng/tháng”.

Việc ra đời các sân cỏ nhân tạo không chỉ giải quyết nhu cầu tập luyện thể dục thể thao mà còn góp phần giảm bớt tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên ở địa phương. Thay vào những trò chơi vô bổ, tụ tập, giới trẻ chuyển sang chơi bóng đá nhiều hơn. Hằng ngày, sân cỏ luôn tràn ngập không khí sôi nổi, hào hứng qua các trận đấu của những cầu thủ “nghiệp dư” đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Đặc biệt, các ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật, các sân đều có lịch đăng ký chật kín cả ngày lẫn buổi tối. Anh Nguyễn Nam Thắng – một kỹ sư cầu đường trú ở phường Hưng Bình cho biết: “Hết giờ, chiều nào chúng tôi cũng phải ra sân tập luyện, giao lưu để tăng cường sức khỏe, nhưng cũng phải liên hệ đăng ký trước với quản lý sân để xếp lịch, nếu không thì khó có thể chen vào”.

Đến với cụm sân bóng đá mini cỏ nhân tạo Trang Bùi (phường Hà Huy Tập), chúng tôi cảm nhận được không khí luyện tập sôi nổi, hào hứng từ những cầu thủ “nghiệp dư”. Anh Trần Đức Mạnh – nhân viên quản lý sân cho biết: “CLB thu hút trung bình trên 4.000 lượt người tham gia mỗi tháng. Vào thời gian cao điểm như mùa hè, hệ thống sân thu hút gần 6.000 lượt người chơi/tháng, trong đó có gần 500 người tham gia luyện tập thường xuyên. Cụm còn là địa điểm được các cơ quan, đơn vị tại địa phương thường xuyên chọn để tổ chức các giải bóng đá nội bộ, giao hữu. Trong giờ vắng khách, chúng tôi thường mở cửa cho các em nhỏ vào đá bóng miễn phí để khuyến khích các em chơi bóng”.

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Thành phố Vinh cho biết: “Mô hình sân cỏ nhân tạo phát triển đã mở ra một sân chơi mới cho những người yêu thích môn thể thao “vua”, đồng thời tạo cơ sở vật chất giúp cho phong trào luyện tập TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Kể từ khi xuất hiện các sân cỏ nhân tạo, các CLB bóng đá cũng được thành lập nhiều hơn. Nếu như năm 2009, toàn thành phố chỉ có khoảng vài chục CLB bóng đá thì đến nay đã có hơn 200 CLB, thu hút hàng nghìn lượt vận động viên thường xuyên luyện tập. Từ khi các sân cỏ nhân tạo được xây dựng, các giải bóng đá phong trào của các cơ quan, đơn vị cũng được tổ chức thường xuyên hơn”.

Từ việc phát triển hệ thống sân cỏ nhân tạo và các CLB bóng đá phong trào, các giải đấu bóng đá phong trào cũng được tổ chức thường xuyên và có quy mô hơn. Năm 2011, Giải Bóng đá các CLB sân cỏ nhân tạo TP Vinh ra đời, mở ra một sân chơi mới cho các CLB bóng đá. Tiếp đó là các giải đấu như Vinh League, Cúp Bia Larue, Cúp Bia Sài Gòn,… Các trận đấu ở các giải đấu này diễn ra rất sôi nổi, thu hút hàng vạn lượt khán giả đến cổ vũ. Và từ các giải đấu này, tên tuổi của các CLB bóng đá phong trào đã được người dân TP Vinh biết đến nhiều hơn như FC Văn Minh, FC Hùng Lĩnh, FC Ý Lan, FC Công ty Môi trường Việt, CLB U38, FC Free, FC Fire, FC BMQ, FC Hiếu Giang, Net Việt…

Tuy nhiên, xung quanh việc phát triển hệ thống sân cỏ nhân tạo ở TP Vinh cũng tồn tại những bất cập. Trước hết, các sân cỏ nhân tạo ở TP Vinh được xây dựng mới chỉ đảm bảo tiêu chuẩn về kích thước, còn về chất lượng mặt sân, hiện chưa có một quy định nào liên quan đến vấn đề này. Trong lúc đó, nếu mặt sân xấu có thể dẫn đến chấn thương cho các cầu thủ. Bên cạnh đó, các sân cỏ nhân tạo kéo theo sự ra đời của các CLB bóng đá phong trào, nhưng cho đến nay, Sở VHTT&DL vẫn chưa có chế tài quản lý và giám sát để giúp các CLB đi vào hoạt động quy củ. Do vậy, đã xuất hiện một số trận đấu cá cược giữa các CLB, rồi một số vụ xô xát giữa cầu thủ hai CLB cũng đã xảy ra. Thực tế này đòi hỏi các nhà quản lý thể thao cần có chế tài quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng và hoạt động của các sân cỏ nhân tạo, để đây thực sự là một mô hình xã hội hóa thể thao lành mạnh, thúc đẩy hơn nữa phong trào thể thao phát triển.

Minh Quân

Mới nhất

x
Thêm sân chơi cho những người yêu môn thể thao "vua"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO