Theo chân người lính quân hàm xanh

12/02/2009 18:52

(Baonghean) - Chỉ một chuyến đi cùng những người lính quân hàm xanh trong những ngày đầu Xuân Kỷ Sửu chúng tôi đã có cái nhìn cận cảnh hơn về người lính trên các nẻo đường biên. Trên các tuyến đường biển, đường sông, ngày và đêm không bao giờ vắng bóng họ.


Trên đường tuần tra.


Chúng tôi khởi hành từ cửa biển Lạch Cờn (xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào một ngày tương đối đẹp trời. Trung uý Hoàng Quốc Sáu, trạm kiểm soát biên phòng (KSBP) Lạch Cờn của đồn Biên phòng 144 vừa điều khiển chiếc ca nô tuần tra vừa nói với chúng tôi, át hẳn tiếng máy ầm ầm: “Hiện tại đồn chúng tôi quản lý gần 1.000 phương tiện, trong đó có khoảng 500 tàu đánh bắt xa bờ (riêng 14 tàu được cấp giấy phép đánh bắt trên vùng biển chung là loại tàu được cấp mã số riêng để đánh bắt trên cả ngư trường Việt Nam lẫn Trung Quốc). Vì vậy, công việc tuần tra, kiểm soát của chúng tôi không thể nói là nhẹ nhàng”.

Quả vậy, trên chiếc ca nô tuần tra nhỏ bé đang gắng hết công suất, chở gần 10 người chúng tôi, len lách giữa tàu bè san sát ngược xuôi, dài dằng dặc, giăng giăng đi lại . Trung uý Sáu đột ngột giảm tốc, cặp vào mạn tàu mang số hiệu NA 4945-TS. Sau khi kiểm tra giấy tờ đầy đủ, ông chủ tàu tên Tuấn, ngư dân Quỳnh Phương gãi đầu gãi tai: “Nhiều khi vội tàu chạy thẳng, không vào trình báo được bởi phải cố gắng chạy nhanh về không chết hết ghẹ chứ không phải chống lệnh các anh mô”.

Tàu của ông Tuấn là tàu chuyên đi “bóng” ghẹ (một kiểu bắt ghẹ bằng lồng), mỗi đợt đi kéo dài chừng 7 ngày, ra đến ngư trường cách bờ chừng 100 hải lý. Trên tàu chất cao ngất ngưởng hàng trăm chiếc lồng bắt ghẹ, nhìn xa giống như một chiếc lồng khổng lồ. Đầu tư tiền “bóng” (lồng) và dây mỗi tàu trung bình chừng hơn 20 triệu đồng.

Anh Nguyễn Bùi Huấn chủ tàu NA 94016 cho chúng tôi biết thêm, mỗi chuyến đi bóng ghẹ kéo dài chừng một tháng, được khoảng 6-8 tạ ghẹ, thời giá hiện tại chừng 50-70 triệu, trừ chi phí mỗi “bạn” tàu được chia 2-3 triệu/tháng. Đó không phải là mức thu nhập đủ sống với người dân miền biển nên họ nghĩ ra đủ cách để kiếm thêm, kể cả dùng thuốc nổ.ẢTung uý Sáu nói với chúng tôi: “Anh xem, quản lý tàu thuyền ở đây phức tạp lắm, họ là người dân cần mưu sinh mà ”.


Ngư dân vào trình báo giấy tờ tại trạm KSBP Lạch Cờn.


Trạm KSBP Lạch Cờn nằm cheo leo trên một vách đá sát biển, xung quanh san sát nhà cửa cũng nằm cheo leo bên biển và tàu thuyền dày đặc. Chúng tôi phải xuống canô, lội bì bũm gần 100 mét mới vào đến nơi. Trạm hiện có 4 cán bộ chiến sỹ chốt giữ, kiểm soát toàn bộ khu vực cửa biển sôi động này. Trung uý Nguyễn Trung Thành (người đã có mặt tại đây hơn 5 năm) cho biết: "Khó khăn của Trạm thì nhiều, nhưng vấn đề làm chúng tôi rất băn khoăn là bến bãi kiểm soát chưa có, tàu phải đậu giữa dòng đề ngư dân bơi vào trình giấy tờ cho Trạm kiểm soát, có người bơi vào đến nơi thì giấy tờ đã ướt hết, vất vả cho bà con mà khó cho chúng tôi".

Trước đây, ngư dân vùng này thường lén lút sử dụng thuốc nổ và xung điện để đánh bắt cá. Cho đến khi có Chỉ thị số 01 và 22 của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm sử dụng xung điện, thuốc nổ trong đánh bắt hải sản, lực lượng biên phòng Nghệ An đã thường xuyên kiểm soát, ngăn chặn, đồng thời tích cực tuyên truyền vận động nên đã giảm được rất nhiều.

Tuy nhiên không phải là đã hết. Công việc của các CBCS ở trạm rất vất vả bởi lượng tàu ra vào thường xuyên với số lượng lớn. Mỗi chuyến đi tuần trong khu vực quản lý cũng đến 10 hải lý, có khi ban đêm cũng phải lên đường. Cách đây 2 năm (21/3/2007), trong một chuyến tuần tra, trạm đã phát hiện bắt giữ 2 đối tượng xóm Đồng Tâm (xã Nghi Phương) vận chuyển 25 kg thuốc nổ, đã giao cơ quan chức năng khởi tố.

Chúng tôi lên tàu ông Bùi Thái Thuỷ (xã Quỳnh Phương, số hiệu NA 4340-TS), ông đang thử lại hệ thống bộ đàm Galaxy 6 băng chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Đây là thiết bị liên lạc bắt buộc cho tất cả tàu thuyền trên vùng biển Quỳnh Phương nhằm thông suốt thông tin giữa các tàu thuyền trong quá trình hoạt động tại ngư trường, đặc biệt để liên lạc khẩn cấp mỗi khi biển động.

Theo chuyến tuần tra, chúng tôi trở về vùng biển Diễn Châu, vùng biển không kém phần sôi động bởi lượng tàu thuyền đánh bắt không hề nhỏ. Riêng xã Diễn Ngọc có trên 300 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, chủ yếu vẫn hoạt động cầm chừng bởi thu không đủ chi. Anh Trần Văn Thuận (xóm Đồng Thuận, xã Diễn Ngọc, chủ tàu NA 2281) cho biết mỗi đôi tàu (đánh bắt xa bờ thường phải đi 2 chiếc với nhau) thu nhập 1,5 triệu đồng/ngày mới đủ chi phí dầu, đá lạnh, ăn uống. Trong khi riêng trang bị bộ đàm Halico (tầm xa 150 hải lý) cũng đã ngót nghét 20 triệu đồng/bộ.


Ngư dân Bùi Thái Thuỷ (xã Quỳnh Phương - Quỳnh Lưu) chủ tàu “bóng ghẹ” số hiệu NA.4340-TS đang thử lại hệ thống bộ đàm Galaxy trước lúc ra khơi.


80% ngư dân đi biển không đầy đủ giấy tờ, bằng cấp, thông tin đó đã được chúng tôi “ mục sở thị”. Kiểm tra đôi tàu đánh bắt xa bờ số hiệu V0304-V0305 (xã Diễn Bích), đây là loại tàu được cấp phép đánh bắt trên vùng biển chung Việt Nam-Trung Quốc, mỗi chuyến đi xa đến 70-80 hải lý gần vùng phân định đường biển chung. Thuyền viên Trần Văn Tuyên (khi kiểm tra không đủ giấy tờ) đã trả lời :”Em mới tập việc được 1 năm, chưa mua bảo hiểm, phao cứu sinh đang cất (?). An toàn hàng hải em không biết được vì không ai cho học. Chứng minh thư thì chỉ đi xa mới mang theo”. Trên 2 tàu này, mỗi chuyến đi có 18 thuyền viên, ý thức của ngư dân như vậy, lực lượng BP phải vất vả như thế nào để tuyên truyền, vận động và ngăn ngừa họ?

Trung uý Hồ Văn Thịnh, Trạm trưởng BP Lạch Vạn cho biết :”Thực hiện quyết định của Nhà nước, chỉ đạo của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, trạm thường xuyên kiểm tra kiểm soát người và phương tiện ra vào lạch, tuần tra suốt tuyến, bến đậu nhằm quản lý tốt phương tiện trên địa bàn. Đó là những nỗ lực rất lớn của chúng tôi”.

Chiếc ca nô số hiệu BP.06.10.04 đột ngột giảm tốc độ, quay mũi hú còi đuổi theo một chiếc tàu đang ra cửa lạch. Thấy chúng tôi ngơ ngác, anh Thịnh giải thích: ”Tàu phía trước chắc chắn có vi phạm”. Tàu đánh cá NA-2467 bắt đầu tăng tốc, chỉ chịu dừng khi có tiếng loa yêu cầu dừng lại. Các chiến sỹ BP nhanh nhẹn nhảy lên kiểm tra. Chủ tàu Nguyễn Văn Khải (đội 1 xã Diễn Thành) lúng túng: ”Nói thật với mấy anh, giấy tờ để ở nhà cả vì sợ... bão gió làm ướt (?)”. Nhưng từ một xó xỉnh trên tàu, tổ KSBP đã lôi ra 3 cốt mìn và ngòi nổ. Ông Khải đành lặng im. Biên bản tang vật được lập, giấy tờ về nhà lấy. Trạm trưởng Thịnh cho biết, lỗi này bị phạt khoảng từ 5-10 triệu đồng.


Kiểm tra thuyền ngư dân Phạm Văn Chất đánh bắt hải sản bằng xung điện tại Lạch Vạn.


Canô chúng tôi bắt đầu chạy sâu vào Lạch Vạn, một chiếc thuyền cá chạy ngược chiều ra hiệu gì đó, ngay lập tức canô chuyển làn, đi nép sát vào bờ với tốc độ cao hơn.” Họ ra hiệu gì với anh vậy?”. Tôi hỏi.” À! Dân họ ra hiệu rằng phía trước ta đang có đối tượng dùng xung điện”. Đây rồi, canô ép sát vào một chiếc thuyền nhỏ nhoi, trông rất “hoàn cảnh”. Các chiến sỹ BP nhanh nhẹn nhảy lên thuyền và nhanh chóng lục trong đống lưới ra một bộ “đồ nghề” xung điện vừa mới dấu vội.

Chủ thuyền vi phạm là ông Phạm Văn Chất ở Vạn Nam (Diễn Vạn). Cả hai cha con trông thật nghèo khổ, đi suốt cả sáng đến non trưa mới được một dúm cá, tép con. Trong trường hợp đó, tổ tuần tra chỉ biết tạm thu chiếc ắcquy 12 vôn với lời cảnh cáo, hẹn về đồn BP 152 sẽ trả lại. “Dân Vạn Nam nghèo lắm, cũng rất thương họ nên chỉ có cảnh cáo, giáo dục nhắc nhở để họ không tái phạm”. Trung uý Hồ Văn Thịnh nói chậm rãi.

Những ngày đầu năm, sắc Xuân Kỷ Sửu còn háo hức theo các giai nhân tài tử đi du xuân, lộng lẫy trên những lá cờ hội và nhộn nhịp trước những sân đình chùa... thì các chiến sỹ biên phòng lại bộn bề bao công việc cho sự bình yên mỗi chuyến tàu ra khơi và trở về trĩu nặng cá tôm. Trong cái xôn xao cảng cá mỗi chiều về đều có hình bóng của những người lính mang quân hàm xanh.

Bài, ảnh: Trần Hải

Mới nhất
x
Theo chân người lính quân hàm xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO