Theo gương Mùa Bá Chư
(Baonghean) - Bản Lữ Thành, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) nằm chênh vênh trên một ngọn núi cao quanh năm mây giăng, sương phủ. Đây là nơi cư trú của hơn 50 hộ đồng bào Mông, cuộc sống đang có những bước đổi thay đi lên nhờ sự mạnh dạn, quyết tâm của những người trẻ…
Con đường từ Thị trấn Mường Xén vào trung tâm xã Tây Sơn (bản Huồi Giảng 3) khoảng hơn 10km chạy vòng vèo bên những sườn núi quanh co. Tuyến đường này đã được rải nhựa nên việc đi lại khá dễ dàng, thuận lợi, chỉ cần độ 20 phút chạy xe máy đã tới nơi. Đang chiều cuối tuần, anh bạn Mùa Bá Chư, Bí thư Đoàn xã rủ: “Bây giờ em về nhà ở bản Lữ Thành, mời các anh về cùng để biết thêm cuộc sống của người Mông ở Tây Sơn”. Không ngần ngại, chúng tôi nhận lời…
Mùa Bá Chư (phải) thăm trang trại của Mùa Nỏ Súa. |
Ngược trở ra bản Sơn Hà (Tà Cạ), rồi rẽ theo một con đường nhỏ, Mùa Bá Chư đi trước dẫn khách về nhà. Bản làng Kỳ Sơn mùa này như được ủ trong mây. Cùng với đó là cái rét đến tái tê, buốt giá, như vàn mũi kim đang đâm vào da thịt. Chiếc xe máy hiệu YAMAHA cài số 1, lên dốc kéo ga hết nấc nhưng có lúc vẫn “đuối”. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu, có những đoạn mặt đường chỉ rộng chừng 40 cm, sẽ vô vùng gian nan nếu gặp xe máy ngược chiều. Có đoạn phía dưới là nương rẫy, ở đó có nhiều gốc cây bị đốn hạ chĩa lên tua tủa, lại có đoạn phải qua chiếc cầu nhỏ chênh vênh bắc qua 2 bờ suối. Chúng tôi vừa lái xe, vừa dò dẫm, chống chân xuống đất để tăng độ an toàn.
Qua một con suối lớn, Chư dừng xe và nói: “Chúng ta đi chưa được nửa đường, từ đây về bản còn rất nhiều dốc cao nên phải nghỉ để xe đỡ nóng máy”. Thú thật, nếu từ đầu biết đường xa, gập ghềnh thế này chắc chúng tôi đã đổi ý. Cũng theo lời Chư, con đường này trước đây chỉ là một lối mòn để người Lữ Thành đi bộ ra trung tâm xã hoặc gùi các loại sản vật ra bán tại chợ Mường Xén. Khi xe máy thịnh hành, nhiều hộ ở đây có đủ tiền sắm xe, bản huy động nhân lực san lối mòn rộng và phẳng hơn để xe máy đi lại. Nhưng để chạy được trên đường này phải là người thông thạo, nắm rõ đặc tính từng đoạn một, người ở xa đến tay lái phải thật vững và phải luôn cẩn thận trong khi điều khiển.
Gần 2 tiếng đồng hồ “vật lộn” cùng chiếc xe máy, bản Lữ Thành hiện ra với những ngôi nhà lợp ngói pờ-rô-xi-măng nằm thấp thoáng giữa đại ngàn. Cùng với đó là tiếng rì rào của dòng Huồi Cốc và Huồi Nhăn. Bản Lữ Thành khá vắng lặng, hầu hết các ngôi nhà đều đóng cửa, bà con đang lên rẫy hoặc ở trang trại chưa về...
Đường về bản Lữ Thành (Tây Sơn - Kỳ Sơn). |
Nhà của Mùa Bá Chư nằm ở cuối bản, phải leo một con dốc cao. Vợ con Chư đang ở trang trại, trời đã sắp tối vẫn chưa thấy về. Chư vào lấy ngô cho đàn gà ăn, rồi dọn dẹp nhà cửa. Một lúc sau vợ và con gái của Chư về đến nhà. Chư ân cần đỡ chiếc gùi nặng trĩu từ lưng vợ. Mỗi tuần họ mới gặp nhau một lần, vì ngày thường Chư làm việc ở ngoài xã, đường sá xa xôi, cách trở không thể đi về trong ngày, cuối tuần mới về với vợ con, gia đình. Sau bữa cơm tối, con gái của Chư tự giác ngồi vào bàn học. Mùa Bá Chư ngồi bên cạnh, hướng dẫn con gái làm bài tập. Ánh đèn điện quá mờ vì ở đây chưa có điện lưới, phải dùng thủy điện mi ni. Đêm ở Lữ Thành thật tĩnh lặng, nghe rõ tiếng vỗ cánh của con chim đi ăn đêm, tiếng gió của đại ngàn và cả tiếng suối chảy...
Đêm lạnh cóng, Mùa Bá Chư dậy nhóm lửa nướng mấy bắp ngô vợ gùi về từ hồi chiều và gọi khách lại vừa ăn vừa trò chuyện. Chư kể nhiều về cuộc sống của mình và của dân bản Lữ Thành. Sinh năm 1981, học hết THPT, anh lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và đóng quân ở đảo Mắt 3 năm. Những năm tháng quân ngũ đã cho anh sự trải nghiệm về cuộc sống. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, bạn bè của Chư mỗi người chọn một con đường lập nghiệp. Có người vào miền Nam làm công nhân, có người tìm cách bám trụ ở các thành phố lớn để tìm cơ hội. Với Chư, ngay từ đầu anh quyết định trở về gắn bó với bản làng, quê hương, nơi mình được sinh ra và lớn lên, nơi cuộc sống còn gian nan, vất vả.
Tuổi trẻ vốn nhiều ước mơ và hoài bão, Mùa Bá Chư cũng vậy, anh luôn mong được góp một phần nhỏ bé để đưa bản làng thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, lạc hậu. Vì thế, khi được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã, anh hăm hở bắt tay vào công việc. Chàng trai người Mông này nhận thức được rằng đây chính là cơ hội để được mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức... Từ năm 2013, Mùa Bá Chư được bầu làm Bí thư Đoàn xã. Giữ trách nhiệm cao hơn nghĩa là phải tiếp tục nâng cao kiến thức, không ngừng học hỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chư đăng ký tham gia lớp tại chức Đại học Luật tổ chức vào ngày nghỉ hàng tuần ở Thị trấn Mường Xén. Chỉ còn gần 1 năm nữa, anh sẽ có trong tay tấm bằng đại học, niềm mơ ước bao đời của bà con người Mông bản Lữ Thành.
Được đi tham quan nhiều nơi, tham gia các lớp tập huấn, lại hay đọc báo và xem truyền hình, Mùa Bá Chư nhận thấy ở Lữ Thành có nhiều thuận lợi cho việc phát triển kinh tế trang trại. Bởi núi đồi bao la, các loài gia súc, gia cầm tha hồ mà phát triển. Vấn đề là nguồn vốn, kỹ thuật và sự cần cù, chăm chỉ. Nguồn vốn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo nhà nước luôn sẵn sàng hỗ trợ. Kỹ thuật thì có trong sách báo, bây giờ có rất nhiều sách báo hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, rồi cán bộ khuyến nông cũng sẵn sàng giúp đỡ. Còn sự cần cù, chăm chỉ thì người Mông có thừa. Là một người con của đồng bào Mông, anh hiểu hơn ai hết đặc tính của đồng bào mình, đó là luôn xem trọng những cái “cho thấy” hơn là “cho nghe”. Vì thế, anh quyết định làm trước để bà con thấy và làm theo. Việc trước tiên là lên rừng chặt nứa làm hàng rào vây một vùng rộng lớn bên khe Huồi Nhăn, rồi vay mượn bạn bè một ít vốn để mua bò, lợn đen, gà đen về chăn thả. Mấy tháng sau, trang trại đã cho thấy hiệu quả khi đàn gà lớn nhanh và bán được hàng triệu đồng. Đàn lợn cũng phát triển tốt, có người từ Mường Xén vào hỏi mua nhưng chờ nó lớn hơn mới bán. Mấy chú bò cũng khá béo tốt, có người trả đến hàng chục triệu đồng. Đến đây, Chư quyết tâm vận động bà con, trước hết là các đoàn viên, thanh niên khoanh nuôi phát triển kinh tế trang trại. Rất nhiều người quyết định học theo Mùa Bá Chư.
Sáng hôm sau, Chư dẫn chúng tôi đi thăm một số trang trại của các đoàn viên, thanh niên trong bản. Đầu tiên là trang trại của Mùa Nỏ Súa, một dải sườn đồi được rào kín, phía trong đàn lợn, đàn gà vịt đang kiếm thức ăn, mấy con bò đang thong dong gặm cỏ. Súa chia sẻ: “Học theo cách làm của anh Chư, em mạnh dạn phát triển trang trại. So với làm rẫy, làm trang trại khỏe hơn, hiệu quả lại cao hơn. Chắc sang năm em sẽ trả hết nợ ngân hàng, khi đó sẽ làm nhà mới và mua sắm đồ đạc”. Hiện Mùa Nỏ Súa có hơn 10 con bò, 20 con lợn, hàng trăm con gà, vịt, mỗi năm thu lợi từ 70 - 80 triệu đồng. Chưa nhiều bằng Mùa Nỏ Súa, Mùa Bá Là mỗi năm cũng thu lợi hơn 50 triệu đồng từ kinh tế trang trại.
Sau Mùa Nỏ Súa và Mùa Bá Là, các đoàn viên khác cũng mạnh dạn làm kinh tế trang trại để xóa đói, giảm nghèo. Mùa Bá Chư vui lắm, anh tận tình hướng dẫn cách làm, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và kiến thức cơ bản về trang trại cho tất cả mọi người. Không chỉ đoàn viên, thanh niên mà gần như toàn bộ bà con Lữ Thành đều học theo cách làm trang trại của Chư, cả bản thi nhau vào dọc khe Huồi Nhăn khoanh vùng phát triển chăn nuôi, làm kinh tế trang trại. Tính đến nay, Lữ Thành đã có hơn 40 trang trại chăn nuôi với quy mô lớn nhỏ khác nhau, hầu hết đã mang lại hiệu quả, góp phần đổi thay cuộc sống ở chốn cheo leo, heo hút này.
Theo chân Mùa Bá Chư, chúng tôi đến thăm già làng Mùa Chông Pó và Trưởng bản Mùa Xái Cở. Hai bậc “thủ chỉ” của bản Lữ Thành nói nhiều về cuộc sống của người Mông quanh dãy Pù Lon này. Đặc biệt, từ khi làm kinh tế trang trại, cuộc sống thay đổi, không còn tình trạng di dịch cư tự do. Năm 2013 còn 1 hộ di cư sang Lào, năm 2014 không còn hộ nào, và từ nay chắc hẳn sẽ không ai có ý định ấy nữa. Già Pó nói thật tình: “Bản ta được nhờ thằng Chư lắm, nó làm cán bộ, đi nhiều, học nhiều nên cái bụng sáng hẳn, nó về giúp nhiều cho dân bản. Người Lữ Thành ta tự hào về nó lắm!”.
Rời Lữ Thành, chúng tôi luôn tin tưởng rằng cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây sẽ tiếp tục đổi thay, khởi sắc. Bởi lẽ, ở đây có những thanh niên năng động, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm như Mùa Bá Chư.
Bài, ảnh: Tường Anh