Thí điểm xây dựng cơ sở chăm sóc người già cô đơn

14/11/2013 17:51

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt “Đề án thí điểm xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa”. Có 10 tỉnh được đề xuất thí điểm mô hình mới này.

100 nghìn người già không nơi nương tựa

Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất ở châu Á. Năm 2011, cả nước có khoảng 8,7 triệu người cao tuổi, chiếm 9,8% dân số. Trong đó, số người cao tuổi đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng khoảng trên 1,4 triệu người (chiếm 17% tổng số người cao tuổi).

Các chương trình xóa đói, giảm nghèo cùng với việc hỗ trợ nhà ở cũng đã giảm thiểu rõ rệt tỉ lệ người cao tuổi sống trong nhà tạm. Tuy nhiên, người cao tuổi cô đơn khó được hưởng lợi từ các chính sách vì các Chương trình hỗ trợ về nhà ở đều phải thực hiện với phương thức có sự đóng góp của đối tượng có nhu cầu.

Ước tính cả nước hiện có khoảng 100 nghìn người già không nơi nương tựa (ảnh minh họa)
Ước tính cả nước hiện có khoảng 100 nghìn người già không nơi nương tựa (ảnh minh họa)

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện số người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa cả nước khoảng 100.000 người (chiếm khoảng 1,15% tổng số người cao tuổi nhưng số người đã được tiếp nhận vào sống trong các cơ sở Bảo trợ xã hội mới chỉ đạt khoảng 3.500 người (chiếm 6,4 %).

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 432 cơ sở bảo trợ xã hội nhưng chỉ khoảng 180 cơ sở có chăm sóc người cao tuổi (trong đó có 79 cơ sở công lập). Phần lớn các cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc người cao tuổi hiện nay đều đang nhận nuôi dưỡng người tàn tật, trẻ mồ côi, bị bỏ rơi; chỉ có khoảng 15 cơ sở chăm sóc dành riêng cho người cao tuổi (chiếm 8,3% tổng số cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc người cao tuổi).

Các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập chủ yếu do các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng tại địa phương thành lập, số lượng cơ sở tư nhân thành lập để tiếp nhận, nuôi dưỡng người cao tuổi hiện chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 3,5% số cơ sở có chăm sóc người cao tuổi).

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, hệ thống mạng lưới chăm sóc người cao tuổi ở nước ta hiện còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, chưa đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu. Các cơ sở chăm sóc hiện nay chỉ mới chăm lo được khía cạnh về đời sống; còn các hoạt động văn hóa, tinh thần và quan trọng nhất là việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thì gần như chưa có.

Đề xuất 10 tỉnh thí điểm cơ sở chăm sóc

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đề trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt “Đề án thí điểm xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa”. Theo đó, có 3 mô hình chăm sóc người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa được đề xuất.

Một là mô hình cơ sở chăm sóc người cao tuổi công lập dành cho người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa thuộc diện chính sách, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mất khả năng tự chăm sóc do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động.

Hai là mô hình cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập dành cho người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa có điều kiện kinh tế, có nhu cầu được trông nom, giúp đỡ trong sinh hoạt và khám chữa bệnh tự nguyện đóng góp các khoản phí để được hưởng các dịch vụ chăm sóc thường xuyên.

Loại hình cơ sở này cũng đón nhận người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa thuộc diện chính sách, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mất khả năng tự mình chăm sóc được nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân nhận nuôi dưỡng và chi trả các khoản phí theo dịch vụ chăm sóc. Mô hình này do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và được hưởng các chính sách ưu đãi về đất, vốn cũng như các loại thuế…

Và thứ ba là mô hình nhà chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Theo đó, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa tự nguyện tìm đến với nhau để cùng chung sống, sinh hoạt hoặc do các tổ chức, cá nhân vận động để thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung gắn với cộng đồng.

Mô hình này được thành lập và hoạt động theo hình thức tự quản có sự quản lý, hỗ trợ của nhà nước. Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa cải tạo nhà ở, các hạng mục công trình phục vụ cho sinh hoạt (nếu có yêu cầu) và vận hành nhà chăm sóc theo nhóm tại cộng đồng.

Trước mắt, Bộ Xây dựng dự kiến đề xuất thí điểm xây dựng cơ sở chăm sóc tại những địa phương đại diện cho từng khu vực, có số lượng người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa có nhu cầu chăm sóc lớn. Đó là: Cao Bằng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Lâm Đồng, Kon Tum, Trà Vinh, Đồng Tháp (mỗi tỉnh chọn 01 cơ sở với quy mô chăm sóc khoảng 50 người do địa phương lựa chọn).

Tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ đồng/cơ sở lấy từ ngân sách và kinh phí các tổ chức, cá nhân khác. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp các hạng mục công trình khoảng 10 tỷ đồng, 2 tỷ còn lại dành đầu tư trang thiết bị làm việc, phòng ở, khu khám chữa bệnh và trang thiết bị phục vụ khác. Kế hoạch đặt ra là đến trước quý III/2015 sẽ đưa vào sử dụng các cơ sở này, từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.

Theo Dân trí

Mới nhất

x
Thí điểm xây dựng cơ sở chăm sóc người già cô đơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO