Thi đua giành nhiều thành tích, tạo động lực phát triển
(Baonghean) - Thi đua được xác định là nhân tố cần thiết, là động lực của sự phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. 5 năm qua, các phong trào thi đua ở Nghệ An tiếp tục lan tỏa rộng khắp trong mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển khối đại đoàn kết toàn dân. Sự thống nhất, đồng lòng của chính quyền và nhân dân Nghệ An đã mang lại nhiều thành tựu to lớn, làm đổi thay diện mạo địa phương, trong đó nổi bật với những điểm sáng như sau:
Thứ nhất, trong lĩnh vực kinh tế, nhiều phong trào thi đua được triển khai hiệu quả, tiêu biểu như : “Thu đúng, thu đủ, thu kịp thời” giúp hoàn thành vượt mức dự toán ngân sách, góp phần tăng thu ngân sách hàng năm cho tỉnh. Các phong trào thi đua: “Chất lượng, tiến độ, an toàn, tiết kiệm” của ngành Giao thông Vận tải, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” giành danh hiệu Bàn tay vàng trong xây dựng, phong trào thi đua “Đổi mới quản lý, công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”… được phát động thường xuyên, liên tục trong các cấp, ngành, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đã góp phần mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là phong trào hiến đất - điểm sáng tạo nên thành công trong xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại tặng Bằng khen cho tập thể đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến được ghi nhận, khẳng định với nhiều giải thưởng như: Giải thưởng chất lượng khu vực châu Á, Sao Vàng đất Việt, Cúp Bông hồng vàng,… Những đóng góp ấy tạo nên diện mạo kinh tế Nghệ An không ngừng khởi sắc. GDP bình quân toàn tỉnh giai đoạn 5 năm (2010 - 2015) đạt 7,89%; GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 29 triệu đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thu ngân sách tăng nhanh so với bình quân giai đoạn 5 năm trước, năm 2015 dự kiến đạt 10.034 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010.
Thứ hai, trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào thi đua được triển khai sâu, rộng và đạt được nhiều thành tích cao. Phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” trong giáo dục đã thực sự mang lại nhiều kết quả đáng trân trọng. Hàng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp, thi đậu cao đẳng, đại học, số học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế tăng dần và nhiều năm liền đứng tốp đầu cả nước. Các phong trào thi đua “khuyến học, khuyến tài” gắn với cuộc vận động xã hội hóa giáo dục, xây dựng “xã hội học tập”, “gia đình hiếu học” được triển khai rộng khắp.
Dây chuyền đóng bao bì sản phẩm tại Nhà máy Royal Foods. Ảnh: Lâm Tùng |
Ngành Y tế tiếp tục phát huy phong trào thi đua ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; phong trào “bát cháo tình thương”, “suất ăn tình thương” dành cho người nghèo. Đặc biệt, phong trào thi đua “gương sáng y đức” trong nhiều năm qua đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y, bác sỹ.
Các phong trào thi đua “xóa đói, giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”,... ngay từ khi mới được phát động đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Đến nay đã có 107 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 110 xã nghèo miền Tây bằng những việc làm thiết thực như làm đường giao thông; cải thiện điều kiện học tập của học sinh; hướng dẫn cách thức sản xuất giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo.
Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã triển khai có hiệu quả các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các cấp công đoàn chủ động tổ chức triển khai phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”,… Hội Phụ nữ đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”,… Hội Cựu chiến binh đồng loạt triển khai thực hiện phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ”,… góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống của cựu chiến binh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Các phong trào thi đua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng quê hương, làng bản văn hóa, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, xây dựng cơ quan, đơn vị, các tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Thứ ba, trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Chỉ thị số 17 - CT/TU ngày 3/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thu hút sự quan tâm và học tập, làm theo của mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực triển khai tốt các phong trào thi đua như: “Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh”, “Xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa”,…
Thứ tư, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, lực lượng vũ trang tỉnh nhà đã tích cực đẩy mạnh phong trào “Thi đua Quyết thắng”, “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Công an nhân dân thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”,… Các phong trào thi đua đã thực sự góp phần hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, sẵn sàng chiến đấu.
Để phong trào thi đua thực sự lan tỏa, những mô hình mới, cách làm hay, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngày càng được phổ biến, áp dụng, nhân rộng thì công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng đóng vai trò hết sức quan trọng. Hằng năm, UBND tỉnh tổ chức nhiều hội nghị biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, đa dạng các lĩnh vực, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong 5 năm qua, có 1.449 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, 958 trường hợp được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 128 Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh,…
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hành động cách mạng của các cấp, các ngành, thôi thúc ý chí và niềm tin trong mọi cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sỹ và nhân dân cả nước, tạo không khí hăng hái, hồ hởi, phấn đấu thi đua lao động, học tập và cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Nghệ An đang trên đường đổi mới, hòa vào xu thế hội nhập chung của đất nước. Năm 2015 có nhiều dấu mốc quan trọng: 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 85 năm Xô viết Nghệ Tĩnh, 985 năm danh xưng tỉnh Nghệ An, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Những thành tựu tỉnh nhà đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 nói riêng và bề dày lịch sử, truyền thống của con người xứ Nghệ nói chung là tiền đề, bệ phóng vững chắc để chính quyền và nhân dân Nghệ An tiếp tục thi đua giành nhiều thành tích, đẩy nhanh, mạnh và toàn diện kinh tế - xã hội địa phương, đưa Nghệ An sớm trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ.v
Nguyễn Thanh Nhàn
(Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh)