Thí sinh có thể thay đổi hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ
Thí sinh có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 1 trường ĐH, CĐ và có thể thay đổi hồ sơ trong đợt xét tuyển thứ nhất.
Chỉ còn 3 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, từ ngày 1-30/4/2015, thí sinh cả nước chính thức tiến hành nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Từ ngày 1/4/2015 đến 30/5/2015, các đơn vị đăng ký thu phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT và hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT kèm theo.
Nhằm giúp thí sinh hiểu rõ hơn về những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT).
PGS.TS Mai Văn Trinh
PV: Thưa ông, đây là năm đầu tiên nước ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Xin ông cho biết điểm mới căn bản của kỳ thi này?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, năm 2015, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia. Kỳ thi này vừa để xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thực hiện công tác tuyển sinh. Trong kỳ thi này, Bộ GD-ĐT tổ chức nhiều cụm thi. Đối với các thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT và xét vào các trường ĐH, CĐ sẽ thi ở các cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH, CĐ chủ trì phối hợp với các Sở GD-ĐT tổ chức. Còn thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT thì sẽ dự thi ở cụm thi trường hoặc liên trường THPT do Sở GD-ĐT chủ trì phối hợp với trường ĐH, CĐ tổ chức.
Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, các thí sinh sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả để đăng ký vào các ngành của các trường ĐH, CĐ phù hợp với số điểm hoặc nguyện vọng của cá nhân. Trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh sử dụng giấy báo kết quả thứ nhất để đăng ký vào ngành, nhóm ngành của 1 trường ĐH, CĐ. Với mỗi giấy chứng nhận kết quả thi như vậy, các em có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 1 trường. Trong thời gian xét tuyển của đợt thứ nhất, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Đây là một điểm mới căn bản mà trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước chưa thực hiện.
Ngoài ra, trong quá trình xét tuyển, cứ 3 ngày/lần, các trường ĐH, CĐ phải thông báo công khai lên trang điện tử của trường tình hình đăng ký xét tuyển theo danh sách thí sinh đăng ký có điểm từ cao xuống thấp để làm căn cứ cho các em có sự lựa chọn đúng đắn cho mình.
Sau khi kết thúc đợt xét tuyển thứ nhất, các thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 không được tham gia xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Ba giấy chứng nhận còn lại, các em sẽ được sử dụng để đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1.
PV: Đề thi THPT quốc gia năm nay dự kiến sẽ được ra như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Để thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng đánh giá năng lực tiếp cận của thí sinh. Cụ thể, đề thi sẽ gồm những câu hỏi ở mức độ cơ bản phù hợp với cả học sinh hệ giáo dục THPT và giáo dục thường xuyên. Các em có thể trả lởi được các câu hỏi này là có thể đáp ứng được yêu cầu tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, đề thi sẽ gồm những câu ở mức độ khó hơn để phân hóa trình độ của thí sinh, phục vụ cho mục đích xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Đề thi sẽ theo hướng tăng các câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở chứ không đặt nặng việc ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hoặc trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn.
PV: Với cách thi này, thí sinh cần chú ý những gì để hoàn thành tốt bài thi, thưa ông?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Về mặt hình thức tổ chức thi, nội dung đề thi không thay đổi nhiều so với năm 2014. Vì vậy, thí sinh cần học tập đồng đều các môn theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của bậc THPT để đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp cho tốt. Ngoài ra, các em cần tập trung thêm vào một số môn mà sẽ lựa chọn để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2015, các thí sinh cứ ôn tập kiến thức cho tốt, bình tĩnh, tự tin khi làm bài thi.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo VOV.VN