Thị trường hàng may mặc dịp Tết: "Thoái trào" hàng bán sỉ?

18/01/2015 09:11

(Baonghean) - Thời điểm trước thềm Tết Nguyên đán, thị trường mua bán sôi động nhất trong năm, cùng với các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm khô, hàng gia dụng,… nhu cầu về hàng may mặc cũng tăng lên rõ rệt. Thực tế những năm gần đây, tư duy và thị hiếu của người tiêu dùng thời trang có sự thay đổi đáng kể, đòi hỏi người bán hàng phải linh hoạt, nhạy bén để không bị “chìm xuồng” giữa thị trường có phần bão hoà cung - cầu này.

Sức mua giảm và thách thức mới

Tầng 2, đình chính chợ Vinh vào tầm 9 giờ sáng tấp nập người qua lại. Các chủ quầy hàng chăm chú kiểm kê hàng mới “đổ” về, hướng dẫn nhân viên gấp, bọc bao bì, xếp thành từng loại hàng theo kích cỡ. Từng nhóm khách rảo bước giữa các gian hàng, chốc chốc dừng chân xem một món đồ vừa mắt. Có những người đến từ các tỉnh, huyện, thị lân cận hẳn là đi từ sớm, đã thấy trên tay khệ nệ đồ vừa mua được. Nhưng giữa khung cảnh buôn bán tấp nập đó, cũng có những góc chợ đìu hiu, những người chủ quầy ngồi lần giở từng trang sổ sách, tính toán tìm cách thu tiền khách nợ cuối năm hay trang trải cho những chuyến hàng sắp tới. Trò chuyện với một số hộ kinh doanh hàng may mặc sẵn tại chợ Vinh, được biết, phần lớn các quầy hàng ở đây phục vụ khách mua sỉ. Đối tượng khách hàng có thể là chủ các cửa hàng quần áo bán lẻ trong và lân cận địa bàn thành phố, hoặc cũng có thể là người phân phối tại các huyện trên toàn tỉnh. Như vậy, mặt hàng chủ yếu kinh doanh tại chợ Vinh là hàng may mặc sẵn mang tính đại trà, phục vụ đối tượng khách hàng không có nhu cầu quá cao. Lượng khách vãng lai đến mua hàng may mặc tại chợ Vinh không quá nhiều, phần lớn đặt hàng qua điện thoại.

Khách hàng mua sắm Tết tại một quầy hàng may mặc sẵn ở chợ Vinh.
Khách hàng mua sắm Tết tại một quầy hàng may mặc sẵn ở chợ Vinh.

Hiểu được đặc điểm hàng hoá và đối tượng mua hàng, từ đó tìm ra lời giải đáp cho tình trạng buôn bán ế ẩm, sa sút rõ rệt so với những năm về trước. Bà Lê Thị Kim Dung - chủ quầy kinh doanh hàng may mặc sẵn cho trẻ em tại chợ Vinh lâu năm cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu cung cấp hàng may sẵn cho thị trường bán lẻ ở các huyện miền núi như Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong. Thời điểm đó, giao thông đi lại còn khó khăn, người mua chưa có điều kiện tiếp xúc với thị trường bên ngoài nên hình thức bán hàng như trên rất hiệu quả. Nhưng nay đường sá đi vào tận bản, nhiều nhà buôn đánh hàng về tận xã, từ xã đi xe máy đưa hàng vào mọi ngóc ngách, đến tận người mua. Các đại lý bán lẻ tại địa phương không cạnh tranh được, mà họ không tiêu thụ được hàng tức là cũng không có ai lấy hàng của mình”.

Một chủ shop thời trang trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh) tư vấn cho khách chọn quần áo.
Một chủ shop thời trang trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh) tư vấn cho khách chọn quần áo.

Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều chủ quầy kinh doanh hàng may mặc sẵn tại chợ Vinh. Được biết, nếu những năm trước, thời điểm này hàng bán ra rất chạy, lấy hàng về nhiều bao nhiêu cũng không lo ế, lo lỗ, thì bây giờ, mức tiêu thụ không khác ngày thường là bao. Theo ước tính của người bán thì lượng tiêu thụ năm 2014 giảm xuống chỉ bằng khoảng 1/3 mức tiêu thụ năm 2013. Nguyên nhân chính thì như đã nêu trên, và bản thân người bán cũng đã hiểu rõ, nhưng giải pháp là gì? “Vẫn biết bây giờ phải thay đổi hướng kinh doanh, đa dạng các sản phẩm và đối tượng khách hàng, nhưng thay đổi đâu có dễ. Các mặt hàng đòi hỏi phải theo xu hướng thời trang, hợp mốt đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, phải kỳ công hơn trong khâu lấy hàng. Có những người đã trực tiếp đi lấy hàng ở Móng Cái, thậm chí sang Trung Quốc, nhưng đa phần là thanh niên, hoặc phải đảm bảo lượng khách hàng ổn định thì mới dám bỏ vốn để đi như thế” - Đinh Thị Chung, chủ cửa hàng bán sỉ ở chợ Vinh chia sẻ.

Sở dĩ, người kinh doanh hàng may mặc sẵn ở chợ Vinh còn lưỡng lự, e ngại chưa chuyển hướng kinh doanh có nhiều rủi ro như vậy, một phần vì đặc điểm cố hữu của hình thức bán sỉ trước đây. Trên thực tế, đa số các giao dịch mua bán giữa chủ quầy và khách hàng mua sỉ được thực hiện dưới hình thức ghi nợ. Do khoảng cách địa lý nên thường thì chủ quầy chỉ đi thu nợ 1 đến 2 lần trong năm, và không phải bao giờ cũng thu được hết số tiền ghi nợ. Dùng dằng, phức tạp là thế nhưng ai cũng ngầm chấp nhận thực tế này, bởi bây giờ thị trường đã bão hoà, cung vượt cầu nên người bán đôi khi phải chấp nhận ở “thế dưới” trong các giao dịch buôn bán với hy vọng giữ mối khách. Đổi lại, chính người kinh doanh cũng mua nợ các chủ hàng đầu mối ngoại tỉnh. Mối quan hệ phức tạp này cứ “quay vòng” như thế, tạo cho người kinh doanh lối mòn trong tư duy, đó là suy nghĩ lo ngại về sự không chắc chắn, thiếu ổn định và thiệt hại lớn nếu xảy ra sự cố trong quan hệ giao dịch.

Cần thay đổi nhận thức kinh doanh

Trên thực tế, theo quan sát ở chợ Vinh, đa số những quầy có lượng khách hàng tương đối nhiều như quầy Lâm Mai, Quang Thắng, Vinh Hồng,…đều đi theo hướng kinh doanh hàng thời trang, tập trung nhắm vào đối tượng khách mua hàng trẻ tuổi. Để thấy, sự thay đổi là cần thiết và cũng hoàn toàn khả thi, trong thời buổi thị trường hàng đại trà bão hoà và nhu cầu, yêu cầu cũng như thị hiếu thời trang của người tiêu dùng ngày một phát triển. Hệ quả dễ thấy nhất là mật độ cửa hàng quần áo thời trang trên thành phố, đặc biệt tập trung dọc theo những trục đường như Nguyễn Văn Cừ, Đặng Thái Thân, Lê Hồng Phong,… Liệu hướng đi này có dễ dàng hơn so với việc kinh doanh ở chợ?

Có lẽ cũng không hẳn, bởi dạo qua những con đường “thời trang” nói trên, dễ nhận thấy có nhiều cửa hàng luôn trong tình trạng đóng cửa, vắng khách. Tại một shop quần áo nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ được nhiều bạn trẻ hiện nay biết đến và chọn làm điểm đến thường xuyên, chị Hoàng Thị Thu Huyền - chủ shop cho biết: “Tôi bắt đầu kinh doanh từ tháng 10/2013, đến nay mọi việc vẫn thuận lợi. Tất nhiên, buôn bán còn có cái duyên, nhưng tôi nghĩ cửa hàng của tôi làm ăn tương đối suôn sẻ vì mấy lý do: Trước khi mở cửa hàng, tôi từng kinh doanh mỹ phẩm trên mạng nên cũng xây dựng được mạng lưới quan hệ tương đối. Cũng qua mạng xã hội mà tôi nhận thấy “gu” ăn mặc của bản thân khá phù hợp với thị hiếu của giới trẻ, được nhiều người ủng hộ, nên mạnh dạn mở cửa hàng kinh doanh. Thứ hai là cửa hàng của tôi chăm chút nhiều về mặt trang trí, nội thất, nên tuy nhỏ nhưng “hút” mắt các bạn trẻ mua hàng. Thứ ba là, tất cả hàng đều do tôi trực tiếp lựa chọn sau khi đã tìm hiểu kỹ các mặt hàng ở thị trường ngoại tỉnh, tránh tình trạng trùng lặp mẫu mã. Đã là thời trang thì ai cũng muốn mình đẹp và không đụng hàng, thể hiện cá tính của bản thân!”.

Quan sát, chúng tôi nhận thấy mật độ khách vào cửa hàng này khá đông. Có người đến để xem, thử một món đồ đã “tăm tia” trên trang mạng xã hội của cô chủ trẻ tuổi từ trước, có người ghé vào xem vì tò mò khi đi qua cửa hàng nhỏ xinh, trưng những mẫu áo khoác với các màu sắc rất đúng “mốt” năm nay. Lại cũng có khách hàng đến nhận đồ đã mua nhưng gửi ở cửa hàng để sửa lại cho phù hợp với vóc dáng… Mỗi người có một nhu cầu khác nhau, nhưng ai cũng được đón tiếp nhiệt tình, được tư vấn một cách hết sức cởi mở, tận tình về phong cách ăn mặc. Người ta có cảm giác như người đang trò chuyện với mình không phải là người bán hàng, mà là một cô bạn gái thân thiết, hiểu mình cùng đi mua sắm. Và có lẽ đây cũng chính là một trong những điều khiến khách hàng tìm đến với cửa hàng của chị Huyền.

Hỏi về nhu cầu tiêu thụ của thị trường hàng thời trang tại Vinh và các vùng lân cận, chị Huyền cho rằng: “Yêu cầu của khách, đặc biệt là giới trẻ bây giờ tương đối cao. Tiêu chí về giá cả đôi khi chỉ là thứ yếu, vì dù có hơi đắt một chút, thì mua một bộ quần áo không giống như sắm một chiếc ti vi, tủ lạnh,…giá cả vẫn nằm trong mức có thể chấp nhận được. Nhất là vào những thời điểm chuẩn bị lễ, Tết như thế này, khách sẵn sàng chi nhiều tiền hơn một chút, miễn là đồ phải đẹp. Thế nên tôi cho rằng, kinh doanh hàng thời trang không nên ngại bỏ vốn, bỏ công hay ngại rủi ro. Hãy bán cho khách hàng món đồ mà chính bản thân mình cũng muốn khoác lên người!”. Chị Huyền cũng cho biết, sắp tới có thể sẽ mở rộng việc kinh doanh, phân tầng hàng hoá để phục vụ cho đối tượng khách hàng đa dạng hơn nữa. Để thấy, đối với kinh doanh thời trang nói riêng và kinh doanh nói chung, luôn cần nhạy bén xác định rõ đối tượng khách hàng mình hướng tới là ai, họ cần gì thì mới có thể đáp ứng, đưa mối quan hệ cung - cầu về vị trí thăng bằng cả về chất và lượng.

Thay đổi trong nhận thức, thị hiếu hay mức sống sẽ dẫn đến thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng, và nhu cầu về thời trang đối với hàng may mặc không phải là ngoại lệ. Ngoài nhiều nguyên nhân dẫn đến thị trường có phần ế ẩm dịp cận Tết Nguyên đán so với trước ở chợ Vinh như đã nói trên, thì vấn đề muốn nói là người kinh doanh cần đổi mới tư duy, ý thức về việc tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của khách hàng thể hiện cho sự tôn trọng đối với các “thượng đế” là rất cần thiết trong thời buổi này; hay nói cách khác, sự hài lòng của khách hàng chính là nền tảng vững chắc nhất cho việc giao dịch, buôn bán.

Bài, ảnh: Thục Anh

Mới nhất

x
Thị trường hàng may mặc dịp Tết: "Thoái trào" hàng bán sỉ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO