Thị trường hàng tiêu dùng: Nguồn cung dồi dào, giá bình ổn
(Baonghean) - 9 tháng đầu năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Có nhiều nguyên nhân khiến chỉ số này thấp, nhưng chủ yếu là do mức tăng giá của nhiều nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không đáng kể, giá cả thị trường trong những tháng qua khá ổn định.
Dạo quanh một số chợ trung tâm trên địa bàn TP Vinh - dễ nhận thấy nguồn cung cấp cho hàng tiêu dùng khá dồi dào, nhịp độ giao thương cơ bản ổn định, ít có sự biến động về giá cả. Hiện giá bán buôn, bán lẻ các loại rau, củ, quả đang giảm so với đầu tháng 9; hàng lương thực, thực phẩm tươi sống cũng không thay đổi so với thời điểm đầu năm. Theo Ban quản lý chợ Vinh, từ đầu năm đến nay lượng hàng các tỉnh, thành đổ về chợ vẫn đều và không bị “đứt đoạn” nên giá cả không bị lên xuống thất thường như các năm trước. Đặc biệt, các đợt tăng giá những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, điện ở thời điểm đầu năm cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá cả, tình hình kinh doanh của tiểu thương. Ở hệ thống siêu thị, ngoài việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng với giá trị hàng trăm triệu đồng. Như với 3 chương trình khuyến mại cùng lúc trong tháng 9 là “Gia đình yêu thương”, “Niềm vui vào bếp”, “Trung thu ấm áp”, Siêu thị Big C Nghệ An hút khách tất cả các thời gian trong ngày với lượng lớn sản phẩm khuyến mại giá rẻ, tích điểm trên thẻ mua hàng.
Khách mua hàng tại siêu thị BigC Vinh. Ảnh: Thanh Lê |
Để khơi thông thị trường, thúc đẩy sức mua, hàng may mặc thời trang cũng đang đồng loạt trưng biển quảng cáo giảm giá để xả hàng. Đối với dòng sản phẩm công nghệ, các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà được “chạy” thường xuyên, không cần phải đợi dịp lễ, tết, khai trương hay phải chờ thời điểm giao mùa. Các ngành hàng dịch vụ cũng rộn rã với nhiều hoạt động tri ân khách hàng. Anh Lê Xuân Thắng, phụ trách kinh doanh tại FPT shop cho biết: “Với những sản phẩm nhập về quá 3 tháng, cửa hàng chúng tôi sẽ tiến hành giảm giá 10% trên mỗi sản phẩm”… Qua số liệu thống kê của phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương, từ đầu năm 2014 đến nay phòng đã chấp thuận cho 32 chương trình khuyến mãi may rủi, bốc thăm trúng thưởng (tăng 30% chương trình so với năm 2013), trị giá giải thưởng hơn 1,8 tỷ đồng; tiếp nhận trên 3.700 thông báo thực hiện khuyến mại, tổng giá trị giải thưởng là trên 30 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để kích thích tiêu dùng, nhiều phương án kinh doanh được các ngành chức năng và doanh nghiệp triển khai. Bà Nguyễn Hồng Lam - chủ DNTN Huy Lam chuyên phân phối dầu ăn, mì ăn liền, gia vị nước giải khát, sữa trên địa bàn TP Vinh, Cửa Lò cho hay: “Để tăng doanh thu, tăng lợi nhuận và không bị tồn đọng, chúng tôi chọn cách cho đội ngũ nhân viên “đánh xe” đi đưa hàng lưu động trực tiếp đến các quầy hàng nhỏ lẻ. Với cách bán hàng này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nắm bắt được nhu cầu thực tế về từng loại sản phẩm để điều chỉnh cung cách phục vụ hợp lý hơn”.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nghệ An đã tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong và Thanh Chương với hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia; mỗi phiên chợ có khoảng trên 30 gian hàng với đa dạng chủng loại hàng hóa; như gian hàng đồ gia dụng HacoPro, hàng điện máy siêu thị An Thịnh, nước mắm Cương Ngần, rượu Nghi Đức…; ước tính thu hút khoảng 5.000 - 7.000 lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày. Ngoài ra, ở thời điểm đầu tháng 9, phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương cũng đã tổ chức 1 chuyến đưa hàng Việt về Thị xã Thái Hòa với 6 doanh nghiệp tham gia...
Ông Nguyễn Trọng Hùng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại cho biết: “Các phiên chợ được tổ chức hàng nhằm mục đích hưởng ứng việc thực hiện cuộc vận động “người Việt dùng hàng Việt”; hỗ trợ người dân được tiếp cận với nguồn hàng hóa, dịch vụ Việt giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo và được tư vấn một cách cụ thể về các thông tin sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp, khi tham gia phiên chợ là cơ hội để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm đến người tiêu dùng, đồng thời tìm hiểu được thói quen mua sắm loại sản phẩm ưa thích mà người dân địa phương sử dụng, từ đó đánh giá đầy đủ và tốt nhất về lợi thế của từng vùng, địa phương để đưa ra những kế hoạch phù hợp cho sự phát triển mạng lưới phân phối của doanh nghiệp mình. Ngoài ra, qua các phiên chợ, doanh nghiệp cũng tiêu thụ được một số lượng hàng hóa lớn vì nhu cầu mua sắm ở các vùng nông thôn, miền núi là rất lớn”.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, thị trường giá cả hàng hóa 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ta tương đối ổn định. Nguồn cung luôn dồi dào, nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn chưa cao, sức mua thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 25.742,2 tỷ đồng, tăng 11,32% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo nhóm hàng bán lẻ thì nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với doanh thu trong kỳ ước đạt 7.683 tỷ đồng (chiếm 29,85% tổng số), tăng 12,92% so với cùng kỳ năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 3.511,1 tỷ đồng, tăng 11,68%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 2939,7 tỷ đồng, tăng 21,17%; phương tiện đi lại là 3467,9 tỷ đồng, tăng 13,84%....
Theo quy luật, những tháng cuối năm và trước Tết Nguyên đán, nhu cầu hàng hóa cho sản xuất, tiêu dùng tăng mạnh. Nhiều dự án, công trình đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thi công. Người dân có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mua sắm cao. Tình hình thời tiết, dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp… Những vấn đề nêu trên sẽ tác động mạnh đến quan hệ cung - cầu hàng hóa, làm tăng “cầu” trên tổng thể và cục bộ của thị trường, nếu không đáp ứng cung kịp thời giá cả sẽ bị đẩy lên tự phát khó kiểm soát, gây bất ổn thị trường. Để đảm bảo thị trường hàng hóa những tháng cuối năm không bị biến động, sức mua trên thị trường được cải thiện theo hướng bền vững, ngoài những giải pháp mang tính định hướng của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp phải tự nhận thức vai trò, trách nhiệm, đạo đức trong sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, tích cực tham gia các hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm đảo cân đối cung - cầu hàng hóa. Song song với đó là sự quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, cải tiến mẫu mã để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thiết lập hệ thống phân phối nhằm mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Các ngành, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gian lận thương mại. Quản lý việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa.
Ngọc Anh