Thị trường ô-tô 2013: Doanh số tăng cùng nỗi lo "lộ trình"

29/01/2014 18:01

Cho dù được cho là năm kinh tế khó khăn, tuy nhiên “khóa sổ” năm 2013, thị trường ô-tô Việt Nam lại có mức tăng trưởng hơn cả mong đợi - tăng 19% so với năm 2012, đạt hơn 110.519 xe, trong đó có chín tháng liên tiếp tăng so với cùng kỳ năm 2012.

Chiếm tỷ lệ tương đối thấp nhưng xe ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc đang có tốc-độ-tăng-cao hơn xe ô-tô lắp ráp trong nước.
Chiếm tỷ lệ tương đối thấp nhưng xe ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc đang có tốc-độ-tăng-cao hơn xe ô-tô lắp ráp trong nước.

Ô-tô nhập khẩu có xu hướng tăng cao

Theo số liệu thống kê vừa được Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) công bố, tháng 12 vừa qua, thị trường ô-tô Việt Nam có sự bứt phá với mức tăng 30 đến 32% so với cả tháng 11 và đạt 13.205 xe so cùng kỳ năm 2012. Cũng trong tháng 12 vừa qua, 19 thành viên của VAMA đã bán được 11.631 xe, tăng 34% so với cùng kỳ, trong đó riêng hãng Toyota Việt Nam (TMV) bán 3.996 xe, tăng 36,5% và cả năm 2013 đạt 96.692 xe, tăng 20% so với năm 2012.

Tuy nhiên, trong năm 2013 chứng kiến sự vượt trội doanh số bán hàng của xe ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) với mức tăng 23% trong khi xe ô-tô lắp ráp trong nước (CKD) tăng 18%.

Riêng trong tháng 12 doanh số bán của xe CKD đạt 10.317 xe, tăng 24% so với tháng trước, trong khi số lượng xe CBU đạt 2.888 xe, tăng 57% so với tháng trước. Như vậy, số lượng xe CBU vẫn đang chiếm tỷ lệ tương đối thấp nhưng nhìn vào những con số trên thì không thể không bất ngờ với tốc độ tăng và xu hướng đang tăng cao hơn xe CKD; cho dù ngày 1-1-2014 vừa qua chúng ta mới bắt đầu áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ở mức 50% của ASEAN theo lộ trình đã cam kết.

Thời gian tới, tiếp tục lộ trình ra nhập AFTA thì thuế suất thuế nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 còn 10% và năm 2018 còn 0%.

Trong năm qua, cũng vì “lo lắng” cho ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam phát triển đúng lộ trình, Bộ Công thương đã bàn thảo cùng các DN sản xuất ô-tô với mong muốn xây dựng một lộ trình giảm thuế khác. Theo đó, đề nghị Bộ Tài chính “giữ nhịp” đến năm 2017, cụ thể năm 2014 giảm còn 50%, năm 2015 giữ 50%, năm 2016 giảm còn 40%, năm 2017 giảm còn 30% và năm 2018 giảm về 0%.

Kể từ ngày 1-1-2014, chúng ta đã bắt đầu áp dụng mức thuế nhập khẩu xe CBU từ khu vực ASEAN vào Việt Nam là 50% và giá nhiều mẫu xe ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ giảm, khả năng sẽ bằng giá của xe CKD. Như vậy những mẫu xe đang được lắp ráp trong nước với sản lượng thấp có chi phí cao khó có lợi thế để cạnh tranh với các mẫu xe nhập khẩu tương ứng. Bên cạnh đó, đối với các mẫu xe CKD đang có sản lượng lớn cũng sẽ bị sức ép cạnh tranh về giá cả, chất lượng, đòi hỏi các DN lắp ráp phải tìm cách giảm giá thành, nâng chất lượng sản phẩm nếu không muốn sớm “đóng” dây chuyền sản xuất lắp ráp.

Đợi thuế giảm và phí…

Trong năm 2013 các cơ quan chức năng đã đưa ra hàng loạt chính sách nhằm điều chỉnh phí và lệ phí với mong muốn kích cầu thị trường ô-tô. Năm qua, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng một loạt các chính sách ưu đãi, đặc biệt là về các mức thuế đối với ngành đặc thù này. Theo đó, Bộ Công thương đã đề nghị giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% lệ phí trước bạ cho dòng xe có dung tích xi-lanh dưới 2.0L, hoặc giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe dưới 2.0L; giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe chiến lược. Bên cạnh đó, đề nghị áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% hoặc mức sàn với các linh kiện trong nước chưa sản xuất được, đồng thời đề nghị giữ mức thuế nhập khẩu cao với xe CBU cho tới năm 2018 mới hạ về 0%. Tuy nhiên, con số “chốt” cuối cùng vẫn còn phải chờ đến quyết định tại kỳ họp tới khi Quốc hội bàn sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo ông ông Jesus Metolo Arias - Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, Chủ tịch VAMA, hiện nay chi phí sản xuất ô-tô tại Việt Nam đang cao hơn các quốc gia trong khu vực khoảng 20 đến 25% - “Làm thế nào để có thể giảm được sự chênh lệch này!” – ông Jesus băn khoăn.

Ngoài ra, liên quan đến lộ trình giảm thuế của AFTA, hiện mới có lộ trình đến 2014, vị Chủ tịch VAMA mong muốn Việt Nam có chính sách hỗ trợ và chính sách thuế thấp hoặc bằng các nước trong khu vực.

Theo quy định hiện hành về thuế và phí chung thì đều chịu thuế giá trị gia tăng, riêng ô-tô chịu phí đặc biệt. Từ khâu nhập khẩu, sản xuất, đăng ký, lưu hành thì có đến tám loại thuế và phí. Như vậy các loại thuế sẽ có tác động đến giá thành của xe và xe có dung tích càng lớn, số lượng ít thì thuế cao hơn.

Chung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, mặt hàng ô-tô nằm trong nhóm hàng không khuyến khích tiêu dùng, vì vậy việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ mang tính chất giai đoạn lịch sử, cụ thể như thời điểm hiện tại hạ tầng giao thông Việt Nam còn hạn chế, mức sống người dân chưa cao nên mặt hàng ô-tô không nằm trong nhóm khuyến khích, tuy nhiên sau này sẽ có sự thay đổi.

Riêng đối với ô-tô sản xuất lắp ráp trong nước, thì không bị ảnh hưởng nhiều đến thuế nhập khẩu, song vẫn chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và được phân theo tiêu thực số lượng chỗ ngồi và dung tích xi-lanh theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt – bà Cúc cho biết.

Khi gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã cam kết theo lộ trình không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu nên việc bảo hộ lớn các DN sản xuất trong nước là không thể tồn tại. Đối với ô-tô thì mức thuế suất theo cam kết WTO sẽ được giảm dần xuống các mức 70%, 52% và 47% trong khoảng thời gian từ bảy đến 12 năm và Nhà nước đã chủ động điều hành trong phạm vi cho phép của cam kết.

Những chiếc ô-tô mang nhãn hiệu “Made in Vietnam” chỉ còn khoảng bốn năm nữa để được hưởng những ưu đãi. Và từ năm 2018 khi thuế nhập khẩu từ các nước khu vực ASEAN được dỡ bỏ, đến lúc đó giá những chiếc ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc giảm sẽ cạnh tranh với xe được lắp ráp trong nước...

Không còn những ưu đãi, tất cả sẽ là một sân chơi “sòng phẳng”, được-mất phụ thuộc vào bản lĩnh và sự “trưởng thành” của các DN sản xuất lắp ráp. Hiện tại các DN sản xuất lắp ráp ô-tô trong nước cũng đang lên kế hoạch, theo đó hướng chủ yếu tập trung vào sản xuất lắp ráp những mẫu xe có sản lượng lớn, có lợi thế cạnh tranh cao

Theo.baonhandan

Mới nhất

x
Thị trường ô-tô 2013: Doanh số tăng cùng nỗi lo "lộ trình"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO