Thị trường vốn vẫn còn nhiều dư địa mới

06/07/2015 08:04

(Baonghean) - Như Báo Nghệ An đã đưa tin, từ ngày 1 đến 6/7, tại trung tâm tài chính lớn nhất thế giới - Thành phố New York (Hoa Kỳ) đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ. Việc hơn 160 nhà đầu tư quốc tế có mặt tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư “Việt Nam của tôi - điểm đến đầu tư của bạn” cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam - một thị trường thân thiện và đầy tiềm năng. Đồng thời, cũng mở ra một giai đoạn mới trong thúc đẩy phát triển KT-XH tại Việt Nam.

Vào những ngày này cách đây 20 năm, Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, mở ra một giai đoạn mới vì hợp tác, phát triển giữa 2 nước. Từ đó, quá trình trao đổi đối ngoại song phương trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, những năm gần đây, phát triển mạnh mẽ, không ngừng. Năm 2013, trong chuyến thăm Hoa Kỳ cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm quan hệ đối tác toàn diện. Đây là một sự khởi đầu tiếp nối quan trọng, làm sâu sắc, mở rộng các mối quan hệ trên cơ sở kết quả hợp tác sẵn có giữa hai nước.

Trên thị trường vốn, nhiều tập đoàn tài chính lớn của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam. Tổng số nhà đầu tư Hoa Kỳ ghi nhận đến thời điểm hiện tại là 995 nhà đầu tư (trong đó tổ chức đầu tư là 565 và cá nhân đầu tư là 430) chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng số các nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp mã số giao dịch. Về khối lượng, các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiện đang nắm giữ hơn 5 triệu trái phiếu, hơn 8.500 chứng chỉ quỹ và hơn 1 tỷ cổ phiếu với tổng giá trị hơn 12 nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Công ty địa ốc Hoàng Quân (TP. Hồ Chí Minh) ký được hợp đồng kinh tế trị giá 20 triệu đô la Mỹ  ngay tại bàn Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ.
Công ty địa ốc Hoàng Quân (TP. Hồ Chí Minh) ký được hợp đồng kinh tế trị giá 20 triệu đô la Mỹ ngay tại bàn Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ.

Những sự kiện và con số nói trên cho thấy các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã rất quan tâm, đóng góp và có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế và tài chính Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò và sự hiện diện của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư gián tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Hoa Kỳ và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Như vậy, mảng thị trường vốn vẫn còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước và còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Chỉ với 729 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng nguồn vốn đầu tư đã vào khoảng 11 tỷ USD là những con số ấn tượng trong thực tế đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, so với những tiềm năng vốn có thì những con số này chưa phản ánh hết tiềm năng hợp tác và đầu tư thương mại giữa hai quốc gia vốn đang ngày càng tăng cường hợp tác toàn diện theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước. Trong đó, nguồn vốn đầu tư gián tiếp còn rất hạn chế, cần được khơi thông ở cấp chính phủ.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, đầu tư gián tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng như khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy mảng thị trường vốn còn rất nhiều dư địa mới cho hợp tác hai nước và còn nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư Hoa Kỳ. Với mức tăng trưởng thuộc nhóm 3 nước có mức tăng trưởng đứng đầu châu Á trong 10 năm qua (6,4%/năm), sự kiên định phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, đồng thời hướng tới một chính phủ hiện đại qua việc cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và cam kết đẩy mạnh hội nhập quốc tế đã giúp Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước và khu vực lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và tới đây là Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).. đã mở ra cơ hội rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam và các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam.

Đứng trước hơn 160 nhà đầu tư Hoa Kỳ, tỷ phú Hoa Kỳ Wilbur L. Ross với khối tài sản trên 3 tỷ đô-la, xếp thứ 200 của Mỹ, thứ 600 trên toàn cầu cho biết, trong góc nhìn của ông, Việt Nam là quốc gia an toàn nhất thế giới, đã và sẽ tiếp tục tăng trưởng cao và Việt Nam là điểm đến đáng quan tâm của dòng tiền đầu tư từ Mỹ. Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ về sở hữu DNNN giữa Chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân. Đây là cơ hội hiếm có và thú vị cho những người biết nắm bắt nó” – tỷ phú Wilbur nói.

Chào đón dòng vốn đầu tư từ Mỹ

Hội nghị mang tên “My Vietnam – Your investment Destination” – Việt Nam của tôi – điểm đến đầu tư của bạn” được tổ chức tại New York đã truyền đi thông điệp về một nền kinh tế năng động và đổi mới, mong muốn và sẵn sàng đón dòng vốn từ nước ngoài, nhất là dòng vốn từ Mỹ vào đầu tư. Đặc biệt, “món quà” quan trọng mà Bộ Tài chính Việt Nam mang đến hội nghị lần này chính là Chính phủ Việt Nam đã quyết định nới “room” đầu tư tài chính trên thị trường chứng khoán và tham gia sâu rộng hơn vào tiến trình cổ phần hóa DNNN. Đây cũng là 2 nội dung cụ thể được nhà đầu tư Mỹ quan tâm nhiều nhất tại hội nghị. Chỉ 3 ngày trước ngày tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Mỹ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, trong đó có việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng, ngoại trừ những lĩnh vực hạn chế, kinh doanh có điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không hạn chế theo cam kết WTO.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, diễn biến này một mặt cho thấy, Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao nhà đầu tư Hoa Kỳ, mặt khác đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đổi mới và hội nhập quốc tế, trong đó có việc chào đón dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam một cách mạnh mẽ từ chính sách này. Bên cạnh việc nới room, một trong những yêu cầu để một thị trường “sơ khai” như VN nâng hạng trở thành một thị trường mới nổi cần là sự thuận tiện trong việc tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài. Để giúp các nhà đầu tư tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, như thủ tục mở tài khoản giao dịch, thiết lập các công cụ phái sinh… thì UBCKNN cũng đưa ra những giải pháp khác như ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 213/2012/TT-BTC hướng dẫn hoạt động của nhà đầu nước ngoài trên TTCK. Theo đó, sẽ cắt giảm những TTHC, nghiên cứu sửa đổi Thông tư 74/2012/TT-BTC hướng dẫn tháo gỡ một số vướng mắc cho NĐTNN khi tham gia trên TTCK hướng tới cho phép NĐTNN mua và bán cùng 1 loại chứng khoán trong cùng 1 ngày giao dịch.

Ngoài ra, Bộ Tài chính, UBCKNN đã nghiên cứu rà soát lại các chính sách thuế, phí, lệ phí nhằm khuyến khích thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, như các sản phẩm quỹ hưu trí; tổ chức lại các thị trường (thị trường giao dịch cổ phiếu công ty lớn; thị trường giao dịch cổ phiếu công ty vừa và nhỏ; nâng cấp thị trường Upcom dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết) - Chủ tịch Vũ Bằng nói.

Đẩy nhanh tiến trình CPH, đón vốn đầu tư

Liên quan đến cơ hội cụ thể từ quá trình CPH, thoái vốn Nhà nước và tái cấu trúc của các DN tại Việt Nam, chia sẻ với các nhà đầu tư Mỹ, Tổng Giám đốc SCIC Lại Văn Đạo cho biết, SCIC hiện có gần 300 DN cần thoái phần vốn Nhà nước, cùng với đó Thủ tướng Chính phủ vừa bàn giao 20 tập đoàn, tổng công ty cho SCIC quản lý phần vốn Nhà nước, trong đó có các tập đoàn lớn như Vinatex, cũng sẽ được SCIC thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn mạnh mẽ. ”Với quyết sách mở room đến 100% tại Nghị định 60 mà Chính phủ vừa ban hành, tôi rất mong các nhà đầu tư Mỹ sẽ quan tâm, mua lại phần vốn Nhà nước trong các DN mà SCIC đang quản lý vốn, đồng thời nhà đầu tư Mỹ có thể cùng SCIC tham gia các dự án đầu tư khác tại Việt Nam – Tổng Giám đốc Lại Văn Đạo nói.

Với các nhà đầu tư Mỹ, hiện đang có một số cơ hội đáng xem xét như SCIC đang muốn thoái vốn tại Tổng công ty xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Đây là tổng công ty thuộc loại lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, với lượng vốn dự kiến bán ra khoảng trên 3.000 tỷ đồng. Cùng với quyết sách nới room, SCIC sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc bán lượng lớn phần vốn Nhà nước tại nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn. Khi Thủ tướng cho phép, chúng tôi sẽ thông tin tiếp đến nhà đầu tư Mỹ để thu hút sự quan tâm của dòng vốn tại đây – Tổng giám đốc Lại Văn Đạo khẳng định.

Cũng chia sẻ với nhà đầu tư Mỹ, Tổng Giám đốc Tổng công ty Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Đặng Thanh Hải cho biết, Vinacomin có quy mô khá lớn, chỉ đứng sau Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực. Vốn chủ sở hữu của Vinacomin khoảng 2 tỷ USD, xứng đáng là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn - Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải phát biểu.

Cởi mở, chân thành, quyết tâm và cầu thị là động thái quan trọng của Chính phủ Việt Nam gửi đến các nhà đầu tư Mỹ tại hội nghị. Được biết, ngay trong thời gian tiến hành xúc tiến đầu tư tại hội nghị, đã có nhiều hợp đồng được ký kết, nhiều biên bản ghi nhớ đã được xác lập giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Sông Hồng

Mới nhất
x
Thị trường vốn vẫn còn nhiều dư địa mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO