Thị trường xe sang Việt, bánh ngon nhưng khó nuốt
Việt Nam đang là điểm đến đầy tiềm năng của các đại gia xe sang thế giới. Với mức tăng trưởng bình quân 40 đến 100%/năm.
Bùng nổ doanh số
Những con số thống kê toàn thị trường 2014 và 6 tháng đầu 2015 vẽ ra bức tranh khá sáng cho các đại gia ôtô hạng sang với mức tăng trưởng dương tới hai con số.
Cách đây không lâu, báo giới nước ngoài thậm chí còn đánh giá nhu cầu mua xe hơi cao cấp của Việt Nam sẽ sớm vượt Singapore nhờ việc nới lỏng tín dụng cùng những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.
Cụ thể, khi dẫn báo cáo về số liệu tăng trưởng ngành công nghiệp ôtô ở khu vực Đông Nam Á, tờ Straits Times nhận định doanh số bán hàng của các dòng xe cao cấp ở Việt Nam trong năm 2014 là 37,6% và dự báo đạt 19,9% trong năm nay. Các hãng xe lớn cũng đua nhau công bố các con số tươi sáng trong những tháng đầu năm 2015.
Chẳng hạn, trong một cuộc họp báo ra mắt xe mới, đại diện Audi Việt Nam lạc quan chia sẻ mức tăng trưởng doanh số của 2014 đạt 30% và tự tin kỳ vọng mức hai con số sẽ tiếp diễn trong 2015.
Tương tự, Mercedes-Benz toàn cầu cũng xác nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất châu Á và nhanh thứ hai toàn thế giới của thương hiệu “ngôi sao ba cánh”.
Dù mới gia nhập thị trường, Land Rover - Jaguar cũng công bố những con số bán hàng ấn tượng như kỳ vọng bán 400 xe trong 2015, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ các nhà phân phối chính hãng, một số đơn vị nhập khẩu xe hạng sang cũng đang đánh dấu sự trở lại sau một thời gian vắng bóng vì thông tư 20. Sự tái xuất này được thể hiện thông qua việc hàng loạt siêu xe và xe độc như Ferrari F12 Berlinetta, BMW i8,... liên tục được đưa về nước trong thời gian qua.
Lượng xe nhập nguyên chiếc cùng kim ngạch nhập khẩu đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lượng xe nhập khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng mạnh, với 57 nghìn chiếc cùng giá trị kim ngạch đạt 1,55 tỷ USD, tăng 121,6% về lượng và tăng 186% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc chiến ngày càng khốc liệt
Tuy nhiên, dù toàn thị trường bùng nổ về doanh số nhưng song song với đó là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các đại gia xe sang.
Nếu như cách đây 4-5 năm, nói tới xe sang, người ta chỉ nhắc tới một vài thương hiệu xe Đức như Mercedes-Benz, BMW hay Audi thì nay cuộc chiến đã được “quốc tế hóa” với nhiều lựa chọn hơn về giá cũng như thương hiệu.
Thị trường xe sang cũng bắt đầu có sự phân hóa về đẳng cấp rõ hơn khi lần lượt các thương hiệu như Rolls-Royce, Bentley, Lamborghini rồi Jaguar, Infiniti chính thức tham gia thị trường Việt Nam.
Để gia tăng doanh số, ranh giới về giá và phân khúc cũng được nới rộng. Ba đại gia xe Đức gồm Mercedes-Benz, BMW và Audi lần lượt đưa về nước những mẫu xe có giá “mềm” hơn để lấn sân sang thị phần của các thương hiệu cấp thấp hơn.
Chính vì thế, những dòng xe phổ thông như Toyota Camry, Honda Accord hay Mazda6 giờ không chỉ phải “đấu” với nhau mà còn bị “đe dọa” thị phần từ những dòng xe cao cấp hơn như BMW 3 Series, Mercedes-Benz C-Class hay Audi A3,...
Những dòng xe đẳng cấp hơn như Mercedes-Benz S-CLass, BMW 7 Series cũng lần lượt phải có động thái điều chỉnh giá để tăng khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, các phân khúc mới như xe thể thao đa dụng (SUV) hạng sang cỡ nhỏ, sedan và hatchback (5 cửa) hạng sang cỡ nhỏ với những cái tên như Lexus NX 200t, Mercedes CLA, BMW i218 hay Audi A3 cũng lần lượt được đưa về nước.
Trên phía “thượng tầng”, cuộc chiến về đẳng cấp giữa Rolls-Royce và Bentley cũng diễn ra quyết liệt.
Sự xuất hiện của nhiều cái tên mới giúp giới nhà giàu Việt có thêm lựa chọn nhưng cũng khiến các hãng xe đau đầu hơn trong cuộc chiến thu hút người tiêu dùng. Ngoài các yếu tố giá, hàng loạt các vấn đề chăm sóc khách hàng, tạo sự khác biệt về đẳng cấp đều được huy động để tăng sự cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc “nới cửa” cho xe nhập không chính hãng cũng khiến cuộc đua xe tiền tỷ ngày càng trở nên khốc liệt.
Trên thực tế, lãi trên mỗi chiếc xe hạng sang là rất lớn, có thể lên tới 20-25% giá trị xe, tương ứng vài trăm triệu tới hàng tỷ đồng, nên miếng bánh đến từ phân khúc này vô cùng hấp dẫn.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu từ nhà xưởng, trang thiết bị tới những cam kết với tập đoàn mẹ của hầu hết các thương hiệu xe sang đều rất “khủng”. Bên cạnh đó, do nhắm tới một nhóm khách hàng nhỏ và khá chuyên biệt nên thị trường này rất nhạy cảm với các biến động về kinh tế cũng như chính sách.
Hiện nay, những thông tin về khả năng điều chỉnh thuế, phí đặc biệt là thuế TTĐB cho các dòng xe hạng sang dung tích lớn đang khiến không ít thương hiệu xe hạng sang lo ngại bởi việc điều chỉnh này sẽ đẩy giá xe, đặc biệt là xe siêu sang vốn đã ở mức ngất ngưởng tăng cao.
Theo Lao động