Thiền sư Pháp Thuận với bài thơ "Quốc Tộ"
Theo sách Thiền Uyển Tập Anh, Thiền sư Pháp Thuận ở chùa Cổ Sơn, quận Ải, không rõ quê. Sư họ Đỗ, học rộng, thơ...
Theo sách Thiền Uyển Tập Anh, Thiền sư Pháp Thuận ở chùa Cổ Sơn, quận Ải, không rõ quê. Sư họ Đỗ, học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, rõ việc đương thời. Từ nhỏ đã xuất gia thờ sư Phù Trì chùa Long Thọ. Khi đã đắc pháp, nói ra lời nào cũng hợp với sấm ngữ. Thời bấy giờ nhà Tiền Lê mới dựng nghiệp, sư tham gia đắc lực việc trù định kế sách. Khi thiên hạ thái bình sư không nhận phong thưởng. Hoàng đế Lê Đại Hành kính trọng sư, thường đem việc văn thư giao phó.
Năm Thiên Phúc thứ 7 (986), người Tống là Lý Giác sang sứ, vua sai sư cải trang làm quan coi bến để theo dõi hành động của y. Gặp lúc có hai con ngỗng bơi trên sông, Giác ngâm rằng:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện huống thiên nha.
(Nga nga một cắp nga
Ngước mắt ngó chân trời).
Sư đang cầm chèo ngâm theo cho đủ bài thơ tứ tuyệt:
Bạch mao phô lục thuỷ
Hồng trạo bãi Thanh Ba.
(Lông trắng phơi nước biếc
Sóng xanh chân hồng bơi).
Giác vô cùng thán phục, về sứ quán làm thơ gửi tặng sư. Thuở đó vua thường đem vận nước ngắn dài hỏi sư. Sư đáp bằng bài thơ "Quốc Tộ" (Vận nước).
Quốc Tộ như đằng lạc,
Nam Thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tắt đao binh.
Nghĩa là:
Vận nước như dây quấn,
Trời Nam mở thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ hết đao binh.
Về với cội nguồn. Ảnh: Tư liệu |
Theo các sử gia thì bài kệ thơ này được làm sau biến cố Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết vào năm 979, tiếp đến là biến cố nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo mang quân tiến vào nước ta năm 981. Rõ ràng vận nước lúc bấy giờ rất rối ren. Nhưng với cái nhìn sắc sảo về nhân quả của một vị Thiền sư lỗi lạc, Pháp Thuận đã gợi ý cho nhà vua một phương sách ổn định nhân tâm và quốc độ.
Ta có thể đi sâu để hiểu nghĩa, những từ khó trong bài kệ thơ. "Dây quấn" (đằng lạc) vừa nói về tình hình rối ren như dây leo quấn chằng chịt không tìm ra đầu mối của nhân quả tương quan, vừa gợi ý sự đoàn kết của toàn dân, vua quan từ hình ảnh một bó cây bền chắc trước hiểm hoạ ngoại xâm.
"Vô vi cư điện các", chữ vô vi này rõ ràng không còn mang ngữ nghĩa vô vi của Lão Tử mà cũng không là hoàn toàn thuật ngữ Phật học với ý nghĩa rỗng rang, giải thoát. Vô vi ở đây đã trở thành một khái niệm tổng hợp cả ba nền tư tưởng Nho-Phật-Lão. Nhà sư khuyên vua và Triều đình phải sống đời trung chính, đạo đức hiền thiện, thuận theo lẽ tự nhiên, đừng nhũng nhiễu, hao phí tài lực của lê dân... để noi gương cho bá tính. Khi triều đình sống được như vậy và nhân dân một lòng đoàn kết thì xứ xứ sẽ không còn đao binh và trời Nam sẽ thái bình thịnh trị.
Chỉ với mấy câu kệ thơ, Pháp Thuận đã để lại cho nền văn học nước nhà một tác phẩm mang nhiều giá trị tư tưởng học thuật, tư tưởng chính trị, cùng thái độ hành xử của tu sỹ; vừa không đánh mất phẩm cách của sa môn, vừa giúp được vua, giúp được nước. Là một người đã cống hiến nhiều cho đất nước, nhưng về già, nhà sư đã từ chối lộc hàm, tìm chỗ sơn thuỷ để tĩnh cư.
Từ những bài thơ còn lại ít ỏi của một thời, ta cũng có thể hình dung được diện mạo văn học thời Đinh - Lê, tuy mới lập quốc, nhưng đâu phải vì vậy mà văn hoá, văn phong, tư tưởng không nội hàm một sinh lực với giá trị tâm linh lâu đời. Và nếu, giả sử không có Phật giáo, không có các nhà sư trí thức với tâm hồn lớn rộng, với cái trí thấy xa ngàn dặm, với cái biết ưu thời mẫn thế như Khuông Việt, như Pháp Thuận thì các triều đại này biết nương tựa vào ai?
Kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long-Hà Nội, là kỷ niệm sự kiện dời đô có một không hai về tính hoành tráng của văn hoá Việt Nam, nhắc lại sự kiện thời nước nhà mới lập quốc, thời mà quốc gia phong kiến còn trứng nước, với sự hết mình vì quốc gia, vì dân tộc của các thiền sư lỗi lạc, dày tính tuệ giác một thời, cũng là một cách nhìn có tầm văn hoá của một nền tảng cốt tuỷ, tinh tuý của dân tộc ta, được cô đúc từ hàng ngàn năm trước!
Trần Anh Thuận