Thiếu lao động nghề biển

10/03/2015 09:52

(Baonghean) - Nghề đi biển giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho nhiều huyện ven biển tỉnh ta. Tuy nhiên, bên cạnh việc dư thừa lao động nữ vùng biển thì việc thiếu hụt lao động đi biển và lao động có tay nghề đánh bắt làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác nguồn tài nguyên biển.

Gần nửa tháng sau Tết Ất Mùi đến nay, chủ tàu Hoàng Văn Hoa, khối 10, phường Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò) ra khơi 3 chuyến biển. Với 2 con tàu đánh bắt công suất lớn 470 CV và 1 tàu vận chuyển, anh Hoa thu về sản lượng trên 10 tấn cá gồm cá cơm, cá nhỏ, tôm, mực các loại; trừ chi phí lãi ròng hơn 80 triệu đồng. Chuyến biển đầu năm như vậy là “đỏ” vì chi phí dầu máy, ăn uống giảm nhiều so với những chuyến trước. Tuy nhiên, điều anh lo lắng nhất là tìm lao động đi biển rất khó. Để đáp ứng 16 - 18 lao động cho chuyến ra khơi, anh phải thuê thêm 7 - 10 lao động tự do.

Ra Tết năm nào cũng vậy, lao động phân tán, họ chơi Xuân hoặc số khác tìm cơ hội việc làm khác hoặc đi xuất khẩu lao động, dịch vụ xe điện, xe lai… Các chủ tàu phải thuê lao động từ trước Tết, kể cả những lao động chưa có kinh nghiệm đi biển cũng phải thu nhận. Đó là chưa kể đến chuyến biển thắng lợi thì lao động đi tiếp chuyến sau, không “thắng” thì họ sẵn sàng “nhảy cóc” sang tàu khác…

Tàu thuyền neo đậu ở Lạch Vạn (Diễn Châu)
Tàu thuyền neo đậu ở Lạch Vạn (Diễn Châu)

Chúng tôi gặp anh Phạm Văn Bằng và Vũ Duy Cường - xóm Yên Quang, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) đang tập trung sửa chữa con tàu công suất 450CV. Anh Bằng cho biết: Một chuyến ra khơi kéo dài khoảng 1 tuần, cần 16 lao động/chuyến. Từ năm 2014 đến nay, chúng tôi phải lặn lội thuê cho được người đi biển tại nhiều xã Diễn Kim, Diễn Trung, Diễn Thịnh. Hiện nay, không thuê được lao động từ các xã trên, nên chúng tôi phải nâng lương cho lao động trong xã từ 4 - 5 triệu đồng/lao động/tháng họ mới chấp nhận đi nghề cho mình, vậy mà số lượng vẫn chưa đủ. Nhiều đơn đặt hàng của các cơ sở sản xuất nhưng tàu vẫn đang phải chờ lao động.

Anh Nguyễn Văn Thành, xóm Rồng, xã Quỳnh Lập (Thị xã Hoàng Mai) cũng trăn trở trước thực trạng lao động trên các tàu không ổn định, thường xuyên chuyển từ tàu này sang tàu khác, nhất là khi họ có góp vốn ở nhiều tàu đánh bắt hải sản.

Bên cạnh thiếu hụt lao động đi nghề sử dụng phương thức đánh bắt thủ công (dùng la bàn) trên biển, thì lực lượng lao động biết sử dụng các phương tiện máy móc trên tàu như máy dò ngang, định vị hải độ, thông tin liên lạc xa bờ, đòi hỏi kỹ năng đi nghề thành thạo càng hiếm. Xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) hiện có trên 65% dân số gắn bó với nghề khai thác và chế biến hải sản. Toàn xã có 398 tàu đánh bắt trên biển, trong đó 16 tàu công suất 450 CV trở lên, có 650 chủ tàu, 1.400 lao động trên biển; mỗi năm bà con Diễn Ngọc sản xuất trên 13 ngàn tấn sản phẩm, doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc, cho biết: Lao động nghề biển lâu nay chủ yếu làm việc thủ công, dựa vào kinh nghiệm. Toàn xã hiện chỉ có 60% số lượng lao động trong nghề biển được tập huấn các khóa học ngắn ngày, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, thuyền máy, thuyền viên; 40% lao động còn lại chưa qua đào tạo về kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc mở lớp đào tạo nguồn nhân lực đi biển đủ kiến thức, yêu cầu kỹ thuật cao dường như chưa được chính các lao động quan tâm đúng mức. Đây đang là trở ngại lớn cho việc khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, góp phần thúc đẩy kinh tế.

Không chỉ thiếu lao động đánh bắt, tại các cơ sở, các làng nghề đóng tàu truyền thống, nhiều nơi rất khó tuyển được lao động để học việc và sản xuất đáp ứng cho các đơn hàng. Chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên - Nghi Thiết (Nghi Lộc) lo lắng: HTX có rất nhiều đơn hàng đóng tàu công suất lớn, song nhiều khi không đủ thợ đóng tàu và đặc biệt rất ít thanh niên học nghề mộc để đóng tàu bởi công việc vất vả. Mặc dù HTX đã trả công rất cao, có thời điểm lên đến 300.000 đồng/ ngày công nhưng thợ đóng tàu vẫn luôn thiếu. Thanh niên hiện nay cũng ít gắn bó với nghề truyền thống.

Do tính rủi ro, thu nhập bấp bênh, hợp đồng thuê lao động tự do khai thác hải sản thiếu cơ sở pháp lý ràng buộc dẫn đến tình trạng lao động nghề biển tự ý bỏ việc... Một yếu tố nữa là đánh bắt hải sản có thời gian dài ngày trên biển, nên nhiều lao động “ngại” và đã chọn nghề nhàn hạ hơn. Ngoài ra, hiện nay, nhiều chủ tàu bỏ vốn, hợp tác đầu tư mua phương tiện tàu thuyền đánh bắt cá công suất lớn từ 90CV trở lên, đòi hỏi về kỹ thuật và hiểu biết về Luật Biển nhưng các lao động chưa nắm bắt được, xảy ra những sự việc ảnh hưởng đến tính mạng người đánh bắt.

Thiếu lao động đi biển, đặc biệt người có kỹ thuật đi biển là thực trạng khá phổ biến xẩy ra từ nhiều năm nay tại TX.Cửa Lò, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu.

Ông Chu Quốc Nam, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An, cho biết: Mấy năm gần đây, nghề khai thác, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản cung cấp cho nội địa và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ta trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 3.900 tàu thuyền khai thác thủy sản, trong đó có trên 1.200 tàu công suất từ 90CV trở lên. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là thực trạng thiếu lao động đi biển, đặc biệt trình độ kỹ thuật lao động đi biển còn thấp, nhất là vùng TX.Hoàng Mai, Quỳnh Lưu. Từ năm 2013 đến nay, thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về cơ chế,chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thủy sản, mỗi năm, Chi cục phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ cho trên 300 thuyền trưởng hạng 4, hạng 5, máy trưởng 140 chứng chỉ và 118 chứng chỉ thuyền viên. Số lượng đào tạo này so với nhu cầu là chưa đáp ứng, đồng thời việc đào tạo lao động hành nghề đi biển rất khó...

Một vấn đề nữa là các chủ tàu khó thu hút được lực lượng đi biển từ các huyện không có biển do lao động chưa được trang bị những kỹ năng, kiến thức về đánh bắt, đó là chưa nói tới những hạn chế trong việc nắm rõ những quy định trên biển. Về lâu dài các địa phương và các chủ tàu và hiệp hội nghề cá ở vùng ven biển cần có chiến lược đào tạo lao động nghề biển một cách bài bản để chủ động đánh bắt và phát triển nghề truyền thống, nhất là các kỹ thuật đánh bắt tiên tiến đang áp dụng trong hiện đại hóa đội tàu và các quy định của Nhà nước, quốc tế về đánh bắt, khai thác nguồn lợi trên biển…

Lương Mai

Mới nhất

x
Thiếu lao động nghề biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO