Thiếu nhà cung cấp đủ điều kiện
(Baonghean) - Đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, nước sạch và đúng quy trình bếp một chiều là những quy định quan trọng đối với các bếp ăn tập thể. Ở các trường học, công tác này càng được chú trọng… Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn hiện nay là nguồn thực phẩm “đầu vào” cho bếp ăn bán trú tại các trường chủ yếu do tư nhân cung cấp, do đó, khó kiểm soát chất lượng và các tiêu chí về đảm bảo VSATTP…
Vì điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên bếp ăn của Trường Mầm non Hồng Sơn (TP. Vinh) là căn phòng tạm. Để đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà trường cố gắng sắp xếp bếp theo đúng quy trình vận hành 1 chiều với 3 khu riêng biệt là khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn chín. Trang bị đầy đủ bếp gas công nghiệp, tủ cơm, tủ lưu mẫu thực phẩm… được sắp xếp ngăn nắp, thuận tiện. Hàng năm, nhân viên nhà bếp thực hiện đúng quy định về khám sức khoẻ và tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, nhà trường đặc biệt chú ý đến khâu lựa chọn thực phẩm theo đúng “ba bước”: Kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu. Ban thanh tra nhân dân sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất bếp ăn, bao gồm cả vấn đề nguyên liệu, quy trình chế biến, liều lượng khẩu phần ăn cho các bé và chất lượng các món ăn.
Cô Lê Thị Hồng Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với bậc giáo dục mầm non, việc chăm sóc trẻ là một trong những nhiệm vụ chính, trong đó phải đảm bảo làm sao bé được ăn uống đầy đủ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối…
Điều mà ban giám hiệu nhà trường băn khoăn, đó là nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm. Hiện nhà trường ký hợp đồng thường xuyên với các đơn vị cung cấp nhưng tất cả vẫn chỉ là các nhà cung cấp tư nhân. Do đó, ngoài thịt gà, thịt lợn, trứng, gạo… có thể dựa vào dấu kiểm dịch để xác định hàng đảm bảo đúng nguồn gốc. Còn rau, cá, lươn… thì dựa vào cam kết của nhà cung cấp, việc kiểm định bằng mắt thường và kinh nghiệm của người nội trợ…
Giờ ăn của các cháu Trường Mầm non Kim Liên (Nam Đàn). |
Ông Hồ Văn Nam, Trưởng phòng Y tế Thành phố Vinh cho biết thêm: Hiện 100% bếp ăn tại các trường học trên địa bàn thành phố đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế là dù các trường đều đã có hợp đồng với các cơ sở cung cấp nguồn thực phẩm nhưng chủ yếu là các cơ sở tư nhân, không có tư cách pháp nhân, không có đăng ký kinh doanh thực phẩm. Vì vậy, việc quản lý an toàn thực phẩm cũng chủ yếu dựa trên uy tín của đơn vị cung cấp.
Giờ ăn của các cháu Trường Tiểu học Nguyễn Trãi |
Ở thành phố là thế, vấn đề đảm bảo đúng nguồn gốc thực phẩm ở các trường thuộc vùng nông thôn, miền núi còn khó hơn. Ở Trường THCS Môn Sơn (Con Cuông), trên 50 học trò, ngoài gạo là thực phẩm được cấp theo chế độ của Nhà nước còn thức ăn hàng ngày là do đầu bếp tự đi chợ mua, không có người cung cấp thực phẩm cố định.
Thầy Trần Văn Hào - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhà trường cũng muốn xây dựng một bếp ăn tập thể đúng quy trình cho học sinh nhưng vì thiếu kinh phí nên chưa thực hiện được. Hơn nữa, vì hiện tại trường chưa được công nhận là trường bán trú nên không có cơ chế chi trả lương cho nhân viên nấu ăn. Do đó, muốn tuyển nhân viên nấu ăn được đào tạo, có tay nghề, có chứng chỉ đúng quy định cũng khó…
Trường THCS Hội Nga (Quỳ Châu), với trên 100 học sinh ở bán trú, trường đã xây dựng được khu nhà nội trú khá sạch sẽ, khang trang. Học sinh có nơi ăn uống tập trung riêng. Tuy nhiên, khu vực bếp ăn vẫn đang phải xây dựng tạm bợ, thực phẩm hàng ngày được lấy từ một người cung cấp thực phẩm trong xã… Trước đó, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm ở các trường, nguyên nhân được xác định là do thực phẩm. Tuy nhiên, nguồn gốc thực phẩm lại không thể xác định được vì không có tủ lưu trữ và không có một đơn vị đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thái, Phó Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện các trường học đang lấy thức ăn qua 4 nguồn chính: Ký hợp đồng cung cấp với các đơn vị tư nhân, qua các nhà cung cấp địa phương, tự mua ở chợ hoặc một số trường có thể tự cung cấp rau sạch. Hiện nay, nhiều trường cơ sở vật chất chưa đảm bảo, điều kiện đi lại khó khăn nên chưa được quan tâm đầy đủ. Các điều kiện về bếp ăn tập thể nhiều nơi cũng chưa đạt, ví như quy trình bếp một chiều, chưa có tủ lưu mẫu, nhân viên nấu ăn chưa được tập huấn về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, vấn đề nước sạch cũng là một điều đáng lưu tâm, hiện tại chỉ 40% trường học được sử dụng nước máy, còn gần 30% trường học có công trình nước sạch không đạt yêu cầu. Nhiều trường vẫn phải dùng hệ thống nước sông, nước suối để nấu ăn cho học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu tất cả các trường chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học, thực hiện có hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm. Kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm và nhận biết, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bị ôi thiu, mốc, hỏng để chế biến thức ăn trong các cơ sở giáo dục. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; cung cấp đủ nước uống, nước sạch đảm bảo vệ sinh cho trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ và nhân viên nhà trường. Kiên quyết không để các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thực phẩm, chế biến thức ăn sẵn không chấp hành đầy đủ các quy định về ATTP cung cấp thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở có đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các cơ sở giáo dục.
Mỹ Hà