Thiếu phối hợp khi xử lý hàng giả, hàng nhái
(Baonghean) - Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không rõ nguồn gốc xuất xứ đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đe dọa đến nhà sản xuất chân chính. Đây là vấn nạn cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và người tiêu dùng.
Muôn cách… nhái
Tại chợ Diễn Thành (Diễn Châu), một ngày cuối năm, hàng hóa được bày bán phong phú. Vào một ốt bán mỹ phẩm, chúng tôi được giới thiệu những mẫu nước hoa có thương hiệu nổi tiếng của thế giới nhưng giá chỉ 200.000 - 300.000 đồng/lọ.
Chủ cửa hàng thừa nhận: “Ở đây không lấy hàng xịn vì hàng xịn giá cao, tiền triệu rất khó bán, không mấy người có tiền để mua”. Qua một ốt bán hàng tiêu dùng, đồ điện, chúng tôi thấy một số nồi cơm có dán nhãn Cuckoo với các phím chức năng ghi tiếng Việt nhưng sai chính tả. Chị chủ cửa hàng đon đả: “Em mua nồi đi, giá 900.000 đồng nhưng chị lấy 700.000 đồng thôi. Hỏi phiếu bảo hành, chị chủ nói ngay: Em cứ mang về nấu, có vấn đề chi đưa ra chị bảo hành cho, yên tâm đi (?!)”.
Nước hoa nhái thương hiệu nước ngoài bày bán ở chợ Diễn Thành, Diễn Châu. Ảnh: Thu Huyền |
Lên các huyện miền núi Tương Dương, Kỳ Sơn, hay Quỳ Hợp, việc tìm kiếm hàng nhái thương hiệu không khó. Chị Hà Thị Long ở xã Môn Sơn, Con Cuông chia sẻ: Mặc dù biết việc mua các sản phẩm trên là tiếp tay cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái nhưng không còn cách nào khác. Bởi lẽ nhiều sản phẩm chị em ở đây không rành hàng thật và nhiều khi biết hàng thật, chính hãng thì giá cả quá cao so với mức sống của bà con...
Ở thành phố Vinh, vào một cửa hàng điện tử ở đường Quang Trung, không khó để chúng tôi phát hiện chiếc máy xay hoa quả nhái thương hiệu nổi tiếng, chị chủ cửa hàng không giấu giếm: Hàng nhái này chỉ 170.000 đồng, còn hàng thật hơn 300.000 đồng.
Theo cơ quan chức năng, các phương thức thủ đoạn buôn bán hàng giả chủ yếu là chia nhỏ, vận chuyển vào thời gian cao điểm hoặc vào ban đêm, sáng sớm nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Hợp thức hóa hàng lậu bằng các hóa đơn bán hàng không đúng thực tế (các đối tượng thường sử dụng các hóa đơn bán hàng ghi đủ chủng loại, số lượng hàng hóa nhưng giá trị hàng hóa thường thấp so với giá thực tế); sử dụng hóa đơn khống, quay vòng hóa đơn cho nhiều lô hàng. Các loại hàng hóa giả mác xuất hiện nhiều nhất đối với các mặt hàng mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm, thiết bị vệ sinh, đồ điện gia dụng, hàng thời trang...
Mỹ phẩm giả nhái thương hiệu được cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Thu Huyền |
Rất nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả đối với nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đó là trường hợp 1 cơ sở kinh doanh nước đóng chai ở thành phố Vinh giả nhãn mác nước đóng chai. Vụ việc đã được đoàn thanh tra do Sở KHCN chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường phanh phui vào tháng 4/2019.
Trước đó, ngày 7/1, Đội Cảnh sát kinh tế -ma túy, Công an huyện Diễn Châu đã phát hiện bà Phạm Thị Thủy trú tại xóm Xuân Châu, xã Diễn Kim đang thực hiện hành vi đóng gói 260kg bột giặt giả nhãn hiệu; ngày 23/4/2019, Đội QLTT số 11 kiểm tra cơ sở kinh doanh gạch men thuộc Công ty TNHH BH Nghệ An tại đường Hồ Xuân Hương, TP. Vinh. Qua kiểm tra phát hiện tại cửa hàng có kinh doanh 1920 hộp gạch men xâm phạm quyền nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Rất nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Ngoài ra, không ít vụ việc sản xuất hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng như đã đăng ký. Đó là vụ kiểm tra hơn 3.000 chai nước mắm của Công ty Long Hải tại một ki-ốt ở phường Đông Vĩnh, TP. Vinh, không đạt chỉ tiêu chất lượng như đã công bố. Ngày 18/11/2019, cơ quan QLTT đã hoàn tất hồ sơ, lập biên bản vi phạm hành chính chuyển giao cho Cục QLTT Nghệ An ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả, không có giá trị sử dụng, công dụng theo đúng quy định của pháp luật, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng bánh kẹo ở chợ Vinh. Ảnh: Thu Huyền |
Tổng hợp của Ban chỉ đạo 389, 10 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn Nghệ An phát hiện 7.720 vụ với hơn 8.000 đối tượng, trong đó xử lý vi phạm hành chính 7.382 vụ, khởi tố 338 vụ, tổng giá trị thu phạt 212,541 tỷ đồng (giảm hơn 24 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018). Riêng Sở Khoa học và Công nghệ, trong năm 2019 qua thanh tra, phát hiện 30 mẫu không đạt chất lượng, bao gồm: 13 mẫu nước uống đóng chai, 5 mẫu xăng, 1 mẫu dầu diesel, 2 mẫu dây điện bọc nhựa, 9 mẫu vàng trang sức; đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 500 triệu đồng…
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp luôn là đề tài nóng được dư luận quan tâm nhưng việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Theo cán bộ phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh cho biết: Khó khăn là không ít doanh nghiệp bị làm giả làm nhái không dám lên tiếng vì sợ người tiêu dùng phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả sẽ tẩy chay, quay sang sử dụng thương hiệu khác. Doanh nghiệp bị vi phạm không hợp tác, rồi công tác giám định chất lượng hàng hóa gặp nhiều khó khăn… chính là cơ sở để cho hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền, gian lận thương mại có đất sống.
Hàng nhái bày bán trên thị trường và một số giày nhái nhãn hiệu BQ được cơ quan quản lý thị trường thu giữ, tiêu hủy. Ảnh: Thu Huyền |
Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả quy mô và tính chất, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, gây thất thu ngân sách, thiệt hại đối với doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng.
Cơ quan QLTT thừa nhận, công tác quản lý địa bàn, quản lý các đối tượng kinh doanh chưa được chặt chẽ và toàn diện; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật kinh doanh thương mại, công nghiệp, dịch vụ chưa thường xuyên, liên tục, nội dung còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Công tác quản lý chợ, quản lý các nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch, lễ hội, đền chùa về giá, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa chưa chặt chẽ.
Tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Ảnh: Thu Huyền |
Trước thực tế đó, đại diện các sở ngành liên quan lên tiếng kêu gọi “sự thông thái của người tiêu dùng”, rằng: Phòng, chống hàng giả, hàng nhái cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội; Người tiêu dùng cần phát hiện, tố giác sản xuất, buôn bán hàng giả để cơ quan chức năng vào cuộc. Người dân cũng cần nâng cao ý thức tiêu dùng của mình, không sử dụng hàng không rõ xuất xứ, trôi nổi...
Ở một khía cạnh khác, phải nói rằng tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp còn có trách nhiệm của cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ, của Ban Chỉ đạo 389. Theo đánh giá, ban này hoạt động chưa thực sự hiệu quả; các lực lượng gần như mạnh ai nấy làm, thiếu sự phối hợp trong thanh tra, xử lý. Khi có vụ việc xảy ra trên địa bàn thì đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm, chỉ người tiêu dùng là chịu thiệt.
Ban chỉ đạo 389 tỉnh hàng năm cần có kế hoạch điều tra, khảo sát thường xuyên tình hình, diễn biến các hành vi xâm phạm quyền trong thực tế bằng việc tổ chức, bố trí cho cán bộ thâm nhập vào thị trường các địa bàn cụ thể, nhằm có được phương án đấu tranh chủ động. Bên cạnh đó, yêu cầu phải có các quy định về phương thức phối hợp và phương thức này phải được triển khai có hiệu quả trong thực tế nhằm đảm bảo tính thống nhất, tính trách nhiệm và tính hiệu quả của các lực lượng thực thi, tránh hiện tượng chồng chéo, đùn đẩy, chờ đợi, giẫm chân lên nhau hoặc mạnh ai nấy làm.