Thiếu vài chục triệu đồng, nhiều thanh niên Nghệ An lỡ cơ hội đổi đời nhờ xuất khẩu lao động

Thanh Nga 02/08/2019 09:24

(Baonghean) - Đẩy mạnh XKLĐ để giải quyết việc làm, đang là hướng đi đúng ở nhiều địa phương và trên thực tế, nhiều vùng quê đang khởi sắc nhờ XKLĐ. Tuy nhiên, để giải quyết được một phần kinh phí hỗ trợ XKLĐ cho các lao động nghèo đang là bài toán khó.

Vận dụng nhiều chính sách

Xã Văn Lợi (Quỳ Hợp) là vùng đất bán sơn địa đất cằn sỏi đá, cách nay vài năm tỷ lệ hộ nghèo của xã lên tới 35%. Trước thực trạng tỷ lệ lao động không có việc làm cao, kéo theo cái đói cái nghèo quanh năm đeo bám, xã đã liên kết với nhiều trung tâm môi giới việc làm và XKLĐ tìm hướng giải quyết việc làm.

Bắt đầu là liên kết để có được nguồn vốn cho các hộ nghèo vay, thế nhưng chỉ với số tiền tối đa 50 triệu đồng cho mỗi hộ từ chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế cho hộ nghèo thì không thể đủ kinh phí tham gia vào các thị trường XKLĐ có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, vì thế xã đã hướng dẫn cho các hộ tiếp cận nhiều nguồn vốn khác.

“Ngoài nguồn vay phát triển kinh tế cho hộ nghèo, mỗi hộ nghèo có con là sinh viên nay muốn XKLĐ theo chương trình du học sinh sẽ được vay thêm 30 triệu đồng từ NHCS, cộng với số tiền mà NHCS có thể cho hộ nghèo có nhu cầu XKLĐ thông qua đơn vị môi giới khoảng từ 30 triệu đồng nữa, thì tối đa một lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài có thể vay tới 110 triệu đồng”

Ông Hoàng Văn Thái - Phó Chủ tịch xã Văn Lợi


Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH kiểm tra các gian hàng tại hội chợ việc làm XKLĐ tại huyện Nghĩa Đàn được tổ chức vào tháng 2/2019. Ảnh: Thanh Nga
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH kiểm tra các gian hàng tại hội chợ việc làm XKLĐ tại huyện Nghĩa Đàn được tổ chức vào tháng 2/2019. Ảnh: Thanh Nga

Gia đình bà Nguyễn Thị Xuân xóm Xuân Lợi, xã Văn Lợi trước đây thuộc diện hộ nghèo vì bà đau ốm liên miên, các con còn đi học nên chưa thể đỡ đần được bố mẹ. Từ năm 2017, người con đầu có ý định đăng ký đi du học ở Nhật Bản để có tiền nuôi em ăn học, gia đình đã làm đơn lên NHCS và nhận được số tiền hỗ trợ vay XKLĐ tổng cộng lên tới gần 110 triệu đồng. Sau khi vay mượn thêm xóm giềng anh em, cháu đã có đủ kinh phí để xuất cảnh, sau 3 năm đã có tiền để trả nợ và nuôi em ăn học.

Giờ đây trong căn nhà khang trang vừa được xây cất, bà Xuân vui vẻ cho biết: “Nếu không có nguồn từ XKLĐ của em nó gửi về thì giờ nhà tôi nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Từ một vài mô hình XKLĐ thành công của xóm Xuân Lợi, nay ở xã Văn Lợi có tới 10 xóm có tỷ lệ XKLĐ cao, bộ mặt làng quê dần thay da đổi thịt. Tính đến nay, Văn Lợi có tới 400 người đi XKLĐ, chỉ tính riêng trong 7 tháng năm 2019 đã có 110 người, trong đó có 63 người thuộc hộ nghèo. Tính đến nay toàn xã có 38 hộ thoát nghèo từ XKLĐ.

Một góc thị tứ xã Diễn Bích - Diễn Châu đổi thay nhờ XKLĐ. Ảnh: Mỹ Hà
Một góc thị tứ xã Diễn Bích (Diễn Châu) đổi thay nhờ XKLĐ. Ảnh: Mỹ Hà

Tương tự, Diễn Bích (Diễn Châu) là xã có tỷ lệ lao động tham gia XKLĐ cao nhất huyện. Hiện cả xã có 370 người đang làm việc ở nước ngoài chủ yếu từ các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan. Nhiều gia đình từ nguồn XKLĐ đã có thể mở các dịch vụ thương mại giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

“Từ khi có nguồn ngoại hối, bộ mặt thôn xóm cũng có nhiều thay đổi, điển hình như hệ thống giao thông liên thôn liên xã được củng cố và xây mới, toàn xã có 8/9 nhà văn hóa được xây mới từ nguồn xã hội hóa trong nhân dân. Nhiều người đang tham gia XKLĐ cũng gửi tiền về đóng góp xây dựng NTM”

ông Nguyễn Viết Mãn - Chủ tịch UBND xã Diễn Bích

Theo ông Mãn, xã có cơ chế thông thoáng tạo điều kiện cho người dân XKLĐ. “Trừ trường hợp đi XKLĐ chui, chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết sức để người tham gia XKLĐ có thể làm thủ tục nhanh gọn, đồng thời tạo điều kiện tối đa về vốn vay. Nhà nào thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo đều được tạo điều kiện hỗ trợ gói vốn vay XKLĐ, thế nên nhiều nhà chỉ cần huy động thêm anh em bạn bè tầm 20 - 30 triệu đồng nữa là có thể tham gia các thị trường có thu nhập cao”, ông Mãn cho biết.

Khó tiếp cận

Dù rằng XKLĐ được xem là hướng đi đúng cho nhiều địa phương, nhưng không phải nơi nào cũng vận dụng được những chính sách tạo điều kiện cho lao động xuất cảnh, đặc biệt ở các huyện nghèo khu vực miền núi.

Điển hình như xã Cắm Muộn huyện Quế Phong hiện có hàng trăm lao động đang làm việc ở nước ngoài nhưng chỉ có hơn 10 lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn.

“Hiện tại xã có 18 lao động đã thi đỗ ngoại ngữ nhưng mới chỉ 3 lao động được xuất cảnh, mỗi lao động phải chi tới 100 - 150 triệu đồng thì mới xuất cảnh được. Sau khi các lao động được nhận khoản hỗ trợ XKLĐ cho hộ nghèo tầm 30 - 100 triệu đồng thì họ vẫn không vận dụng được thêm khoản chi phí nào để có thể nộp đủ cho bên môi giới”.

ông Vi Văn Nghệ - Phó Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn

Thông qua Quyết định 71/2009/QĐ - TTg ngày 24/9/2009 của TTCP về phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo xuất khẩu lao động, nhiều trung tâm môi giới việc làm đã kết hợp với NHCS địa phương hỗ trợ cho lao động nghèo một khoản chi phí khá lớn. Nhưng, trong quá trình vận dụng có thêm các điều khoản như: sinh viên theo học các chuyên ngành mà các đơn hàng đối tác nước bạn đang cần thì mới được thông qua các trung tâm môi giới để vay vốn; ngoài ra với thị trường Hàn Quốc lao động phải ký quỹ rất lớn... Thế nên, nhiều lao động nghèo ở một số địa phương không có đủ kinh phí để tham gia vào các thị trường có thu nhập cao.

“Trung tâm cũng muốn vận dụng bằng hết chính sách cho các lao động nghèo nhưng ngặt nỗi quá nhiều điều khoản ràng buộc phía ngân hàng nên số tiền mà các lao động nghèo có thể được vay cũng chỉ đủ phí học định hướng, chi phí khám bệnh, ký quỹ những thị trường thấp, còn các khoản phí khác lao động phải tự bỏ ra. Thế nên, đào tạo định hướng được 20 người thì chỉ có 3 người đi được trong năm”.

Chị Trịnh Thị Huyên - trưởng một chi nhánh công ty môi giới việc làm và XKLĐ tại Nghệ An

Người lao động làm thủ tục đăng ký tuyển dụng XKLĐ tại Công ty Quốc tế Kazen. Ảnh: Thanh Nga
Người lao động làm thủ tục đăng ký tuyển dụng XKLĐ tại một công ty môi giới. Ảnh: Thanh Nga
Có một thực tế diễn ra ở nhiều địa phương, lao động muốn sang các thị trường lớn có thu nhập ổn định thường phải mất khoản chi phí lớn hơn chi phí thực tế từ các chương trình hỗ trợ giữa hai chính phủ. Ví như một lao động muốn tiếp cận chương trình EPS đi Hàn Quốc trên thực tế chỉ cần mất tầm 100 - 150 triệu đồng thì qua môi giới họ phải mất tầm 200 triệu đồng.


“Nhưng để đi được họ không tiếc tiền vay mượn, nếu ở địa bàn bị cấm tuyển dụng, họ chuyển khẩu sang địa bàn khác, chỉ cần trót lọt sang Hàn Quốc là có tiền gửi về nhà ngay”, Chính điều này cũng góp phần đẩy chi phí XKLĐ lên cao, gây khó khăn hơn cho lao động thuộc diện hộ nghèo.

Ông Đặng Văn Lương - Trưởng Phòng LĐTB & XH Nghi Lộc


Mới nhất

x
Thiếu vài chục triệu đồng, nhiều thanh niên Nghệ An lỡ cơ hội đổi đời nhờ xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO