Kinh tế

Một xã của huyện biên giới Nghệ An bứt phá nhờ xuất khẩu lao động

Xuân Hoàng - Quang An 27/10/2024 12:27

Xã Chiêu Lưu đã trở thành điểm sáng về xuất khẩu lao động ở huyện biên giới Kỳ Sơn. Những thôn, bản nơi rẻo cao xứ Nghệ nổi lên với những ngôi nhà mới, từ nguồn thu nhập của con em gửi về.

"Đổi đời" nhờ xuất khẩu lao động

Trong chuyến công tác tại xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) vừa qua, chúng tôi được các anh Lô Văn Cáng – Chủ tịch UBND xã và La Văn Táy - Bí thư Đảng ủy xã hồ hởi khoe: Từ nhiều năm nay, địa phương xem xuất khẩu lao động là mũi nhọn để đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã có cơ hội “đổi đời”. Thực tế đã cho thấy, hàng trăm gia đình của xã Chiêu Lưu trong mấy năm qua thoát được nghèo nhờ con đường xuất khẩu lao động.

Xã Chiêu Lưu cửa ngõ của huyện biên giới Kỳ Sơn đang ngày càng khởi sắc hơn. Ảnh: Xuân Hoàng
Xã Chiêu Lưu - cửa ngõ của huyện biên giới Kỳ Sơn đang ngày càng khởi sắc hơn. Ảnh: Xuân Hoàng

Dẫn chúng tôi đến bản Cù, bản Khe Nằn đến bản Lăn, bản Tạt Thoong… ông Lô Văn Cáng cho hay, tất cả 11 bản trên địa bàn xã đều có người đi xuất khẩu lao động. Quan sát cho thấy, bên cạnh những ngôi nhà mới hoàn thiện, là một số ngôi nhà đang trong giai đoạn thi công. Theo như ông Lô Văn Cáng, sở dĩ bà con làm được nhà, xây dựng khang trang là từ nguồn tiền xuất khẩu lao động gửi về mà có.

Tại bản Khe Nằn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước ngôi nhà vừa được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch đẹp của gia đình anh Vi Văn Den và chị Vi Thị Hoài. Qua câu chuyện tìm hiểu về việc xuất khẩu lao động của gia đình, chị Vi Thị Hoài chia sẻ: Trước lúc chồng đi xuất khẩu lao động, ở nhà không có việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy, kinh tế gia đình không khá lên được. Cách đây 8 năm, được chính quyền địa phương và cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tuyên truyền về xuất khẩu lao động sang các nước, trong đó có Hàn Quốc, cùng đó Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 100 triệu đồng để làm thủ tục và đóng các khoản chi phí.

cl 5
Chị Vi Thị Hoài ở bản Khe Nằn phấn khởi sau khi được nâng cấp ngôi nhà từ nguồn thu nhập của chồng đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Quang An

Sang Hàn Quốc, chồng chị Hoài được làm công nhân trong nông trại chăn nuôi, có công việc ổn định. Do có sức khoẻ, lại siêng năng, chịu khó, nên thu nhập ngày càng cao, từ năm 2023 đến nay, mỗi tháng anh gửi về từ 60 triệu đồng trở lên. Không những trả hết tiền vay của ngân hàng, vợ chồng chị Hoài còn tích góp nâng cấp ngôi nhà trị giá 700 triệu đồng, có điều kiện chăm lo cho con cái. Từ chỗ hộ cận nghèo cách đây 8 năm, nay vươn lên hộ khá trong xã.

“Năm 2023, nhân dịp chồng về nghỉ phép, vợ chồng nâng cấp ngôi nhà này từ chỗ 3 gian nhà gỗ thấp tè, nền đất, thay vào đó là mở rộng diện tích, xây tường kiên cố, lát gạch nền và xây dựng công trình phụ khép kín… cuộc sống gia đình ổn định, không còn hộ nghèo nữa”, chị Vi Thị Hoài chia sẻ.

Chỉ tay sang 2 ngôi nhà mới làm bên cạnh, chị Hoài cho biết thêm, đó là hộ ông Vi Văn My và anh Lê Văn Tăng đều có người đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan từ mấy năm nay. Cũng nhờ nguồn thu từ lao động ở nước ngoài mà họ làm được nhà cửa đàng hoàng.

cl 1
Ngôi nhà của chị Moong Thị Lý ở bản Khe Tang đang thi công. Ảnh: Quang An

Bản Khe Tang nằm cạnh Quốc lộ 7, cũng là bản có khá nhiều con em đi xuất khẩu lao động, nên nhiều nhà dân được làm mới, bộ mặt thôn, bản khang trang hơn.

Đứng trước ngôi nhà 2 tầng được kết cấu kiên cố, tường xây bằng gạch nung, chị Moong Thị Lý cho hay, năm 2023, có doanh nghiệp về địa phương tuyển dụng xuất khẩu lao động sang Đài Loan, chị quyết định cho 2 con trai đi học nghề và được Nhà nước hỗ trợ vay vốn, nên gia đình không phải lo kinh phí. Sang Đài Loan, cả 2 con đều có việc làm ổn định, hàng tháng gửi tiền về đều đặn 30 – 40 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình có tiền đầu tư xây dựng nhà cửa kiên cố và trả vốn vay đúng hạn.

cl 6
Bản làng của xã Chiêu Lưu ngày càng đổi mới. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Lô Văn Cáng – Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu cho hay, bản chất của đồng bào các dân tộc vùng cao là sống gần gũi với nhau, không quen xa nhà, do đó lúc đầu tuyên truyền đi xuất khẩu lao động là rất khó. Nhận biết đây là trở ngại chính, lãnh đạo địa phương kết hợp Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, cùng các công ty tuyển dụng xuất khẩu lao động trực tiếp gặp gỡ người dân.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ban đầu chỉ có một vài con em đi xuất khẩu lao động, sau thấy người ta làm ăn được, tiền gửi về gia đình đều hàng tháng, nên dần dà con em theo nhau đi nhiều hơn.

Vài năm trở lại đây, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của xã Chiêu Lưu đã có sự thay đổi. Trong đó, một phần do địa phương làm tốt công tác xuất khẩu lao động. Hàng năm, lượng ngoại hối chuyển về địa phương tăng lên nhiều. Vì vậy, nhiều gia đình ở xã Chiêu Lưu có kinh phí xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị. Con em của bà con có điều kiện đến trường học tập tốt hơn.

cl 3
Xã Chiêu Lưu - cửa ngõ của huyện biên giới Kỳ Sơn đang ngày càng khởi sắc hơn. Ảnh: Xuân Hoàng

Do làm tốt công tác xuất khẩu lao động, nên hàng năm trên địa bàn xã đã có nhiều thanh niên rời quê đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, chủ yếu là các thị trường như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra, xã có nhiều lao động đang tham gia làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước. Tại thời điểm này, xã Chiêu Lưu có 153 người đi xuất khẩu lao động. Hiện xã có gần 80 ngôi nhà đẹp “mọc” lên khắp các bản, đồng nghĩa với 73 hộ thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động. Với đà này, sắp tới sẽ còn nhiều gia đình làm được nhà đẹp nữa.

Ông Lô Văn Cáng - Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu

Quan tâm công tác tuyển dụng

Ông Vi Văn Oanh – Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn cho biết: Trong năm 2024, trên địa bàn huyện có 130 con em đi lao động xuất khẩu, nâng tổng số người lao động xuất khẩu toàn huyện lên 448 người, trong đó xã Chiêu Lưu nhiều nhất với 128 người.

Qua đánh giá hiệu quả của việc xuất khẩu lao động trong những năm qua cho thấy, hầu hết con em có việc làm và thu nhập ổn định, nên không những trả được nợ mà còn giúp gia đình vươn lên thoát nghèo.

Huyện Kỳ Sơn là một trong những địa phương được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Trong ảnh: Thị trấn Mường xén, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng
Thị trấn Mường xén, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng

Để công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện Kỳ Sơn mang lại hiệu quả cho người dân, UBND huyện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội làm tốt công tác tuyển dụng lao động với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Theo đó, hàng năm các doanh nghiệp vào địa bàn huyện tuyển dụng lao động xuất khẩu đều phải thông qua huyện và có đầy đủ giấy giới thiệu của cấp trên. Sau đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cùng các công ty tuyển dụng xuất khẩu lao động xuống cơ sở tuyên truyền cụ thể các đơn hàng, đi nước nào, làm gì, mức lương ra sao. Được tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, được người dân tin tưởng, nên con em sau khi học xong phổ thông trung học, chuyển sang học nghề, học tiếng để đi xuất khẩu lao động, tìm đường thoát nghèo cho gia đình.

Thông tin từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn, đối với khoản vay xuất khẩu lao động, tính đến thời điểm này tổng dư nợ hơn 1,6 tỷ đồng cho 34 người vay xuất khẩu lao động trên địa bàn toàn huyện, thì riêng xã Chiêu Lưu dư nợ 657 triệu đồng. Do con em đi xuất khẩu lao động có thu nhập ổn định, nên hàng năm trả nợ đúng hạn.

Mới nhất

x
Một xã của huyện biên giới Nghệ An bứt phá nhờ xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO