Thịnh Sơn: Tăng tốc về đích
(Baonghean) - Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Thịnh Sơn (Đô Lương) đã hoàn thành 16/19 tiêu chí. Với sự giúp đỡ của tỉnh, huyện, Đảng bộ và nhân dân Thịnh Sơn đang chung sức, nỗ lực hoàn thiện 3 tiêu chí còn lại: giao thông, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa để sớm trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2014 như mục tiêu đã đề ra.
Là xã có tổng đàn gia cầm lớn, nhưng các hộ nông dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, ít đầu tư dẫn đến hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, việc cung ứng giống và vệ sinh phòng bệnh chưa được chú ý, không ít năm, gà bị dịch bệnh chết hàng loạt khiến các hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng về kinh tế. Để giúp nông dân từng bước tiếp cận với phương pháp chăn nuôi an toàn, theo sự chỉ đạo hướng dẫn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện, Thịnh Sơn đã xây dựng mô hình "Chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học".
Số lượng giống gà cỏ lai của mô hình là 1.560 con cho 7 hộ thuộc 5 xóm, bình quân mỗi hộ nhận từ 200 - 300 con. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, thuốc thú y phòng trừ dịch bệnh; tham gia lớp tập huấn, tiếp cận quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP... Anh Nguyễn Công Thủy (ở xóm 1) - là 1 trong số hộ tham gia mô hình được cấp 360 con gà giống nuôi trong thời gian 4 tháng. Do tuân thủ đúng các nguyên tắc về vệ sinh chuồng trại, khâu chăm sóc nên đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra, tỷ lệ sống đạt trên 95%.
Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học ở xã Thịnh Sơn (Đô Lương) đang được nhân rộng. |
Ngoài ra, nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi cá nước ngọt theo hướng thâm canh tăng năng suất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, nghề nuôi cá hiện nay vẫn sản xuất theo lối truyền thống, việc sử dụng các loại phân hữu cơ chưa qua xử lý, các loại thức ăn từ phế phụ phẩm nông nghiệp, tự chế biến không đảm bảo chất lượng và việc lạm dụng các loại thuốc, hóa chất để xử lý ao nuôi diễn ra khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường. Nhằm phát triển nuôi cá nước ngọt theo hướng ổn định, sản phẩm sản xuất đảm bảo ATVSTP, năm 2013, xã Thịnh Sơn xây dựng mô hình thí điểm "Nuôi cá thịt truyền thống trong ao đất theo hướng VietGAP" tại 2 hộ ở xóm 13 với diện tích 9.000m2 ao, tổng kinh phí thực hiện 61 triệu đồng. Sau 4 tháng thả giống, cá đạt trọng lượng khoảng 700 - 1.000g. Theo anh Đậu Tiệp - Trưởng Ban Nông nghiệp xã Thịnh Sơn: Mô hình nuôi cá truyền thống theo hướng VietGAP bên cạnh mang lại hiệu quả kinh tế còn giúp bà con tiếp cận cách nuôi mới, góp phần tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm thiểu tác động vào môi trường tự nhiên. Quan trọng hơn, mô hình nuôi này đã giúp người dân nhận thấy việc nuôi thủy sản theo hướng thâm canh mang lại hiệu quả cao hơn phương pháp nuôi quảng canh truyền thống.
Trước thời điểm được chọn là xã điểm xây dựng NTM (năm 2011), Thịnh Sơn mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí. Những tiêu chí khác còn ở xuất phát điểm thấp, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng hơn 20 triệu đồng/năm. Sau gần 3 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, đến thời điểm này xã đạt 16/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 18%... Về Thịnh Sơn hôm nay đã có nhiều thay đổi, diện mạo nông thôn khang trang, khởi sắc. Xã đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc, đặc biệt là công tác xây dựng cơ bản, dồn điền, đổi thửa, thu hút ngành nghề, tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân; đưa thu nhập bình quân đầu người lên tới 30,6 triệu đồng/năm; hiện chỉ còn 64 hộ nghèo trên tổng số 1.360 hộ toàn xã (chiếm 4,7%).
Xã đã nâng cấp, mở rộng 8 km đường bê tông nhựa liên xã; 6 km đường bê tông liên gia 15 xóm; xây dựng 7,6 km kênh bê tông, 33 km kênh xương cá nội đồng cho vùng quy hoạch sản xuất lúa 2 vụ. Đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình trường học, y tế, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu... Với tổng mức đầu tư ước tính hơn 67 tỷ đồng; trong đó nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh là gần 22 tỷ đồng từ ngân sách huyện 4,8 tỷ đồng, ngân sách xã 12,4 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp và huy động nhân dân đóng góp gần 28 tỷ đồng.
Ông Thái Khắc Mão - Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Sơn cho biết: Ngay từ ngày đầu bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã đã quán triệt rõ quan điểm xây dựng NTM là trách nhiệm không chỉ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể mà còn có vai trò quyết định của toàn thể nhân dân. Nắm rõ chủ trương đó, tất cả người dân đều tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Thịnh Sơn ngày càng đổi thay. Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng coi trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở để triển khai chương trình. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, xã phân cấp rõ hạng mục nào do xã đầu tư, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện lồng ghép với chương trình có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, thành lập Ban quản lý, Ban giám sát đảm bảo các công trình được thi công đạt yêu cầu về chất lượng, số lượng và được quyết toán theo đúng trình tự, thủ tục của Nhà nước quy định. Đối với các công trình thôn, xóm đều được Chi bộ ra Nghị quyết lãnh đạo, sau đó triển khai họp toàn thể nhân dân để mọi người được bàn bạc dân chủ và thống nhất quyết định làm công trình ở đâu, kinh phí đóng góp bao nhiêu?...
Từ thực tế triển khai thực hiện, xã thường xuyên giao ban, rút kinh nghiệm, đưa ra nhiều giải pháp với những cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt trong việc phát huy nội lực từ sức dân theo phương châm "Dân làm là chính, Nhà nước định hướng và hỗ trợ "để nhân dân vận dụng vào thực tế. Đăng ký về đích NTM trong năm 2014 , với 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường, xã Thịnh Sơn đang quyết tâm hoàn thành với những giải pháp đồng bộ; sự hỗ trợ, tiếp sức của huyện, tỉnh, sự đồng lòng, đồng sức của nhân dân... Xây dựng xã nông thôn mới đạt chuẩn các tiêu chí chỉ là bước khởi đầu, là để tiếp bước cho những chặng đường tiếp theo trong công cuộc hiện đại hóa nông thôn; nâng cao đời sống, mức hưởng thụ của nông dân.
Bài, ảnh: Ngọc Anh