Thợ bản đóng thuyền vỏ sắt!

04/10/2014 14:32

(Baonghean) - Sau ngày nghỉ Tết Độc lập, xưởng đóng thuyền nhỏ của 3 anh em Lô Văn Minh, Lô Văn Tiến, Lô Văn Trước ở bản Mon (Thạch Giám – Tương Dương) lại rộn tiếng búa gò sắt, tiếng hàn điện. Chúng tôi ghé thăm xưởng, ai nấy đều đang vùi đầu vào công việc. Họ đang gấp rút hoàn thành chiếc thuyền mới để giao cho khách hàng vào tuần tới. 

(Baonghean) - Sau ngày nghỉ Tết Độc lập, xưởng đóng thuyền nhỏ của 3 anh em Lô Văn Minh, Lô Văn Tiến, Lô Văn Trước ở bản Mon (Thạch Giám – Tương Dương) lại rộn tiếng búa gò sắt, tiếng hàn điện. Chúng tôi ghé thăm xưởng, ai nấy đều đang vùi đầu vào công việc. Họ đang gấp rút hoàn thành chiếc thuyền mới để giao cho khách hàng vào tuần tới.

Sinh trưởng nơi đầu nguồn sông Cả, mấy anh em ai cũng thạo việc thuyền chài. Chẳng qua học hành trường lớp gì, lớn lên, cả 3 người đều trở thành thợ đóng thuyền giỏi trong vùng. “Tất nhiên, thời ấy chỉ đóng thuyền gỗ thôi”, ông Lô Văn Minh ngừng tay chia sẻ. Ngày trước, gỗ rừng ở miền núi Tương Tương nhiều, chẳng ai nghĩ đến chuyện đóng thuyền vỏ sắt. Có được chiếc thuyền gỗ gắn máy 10 hay 13 sức ngựa chạy trên sông đánh cá, chở hàng, chở người là đã “oách” rồi!

Cơ sở đóng thuyền vỏ sắt của nhà anh Lô Văn Minh.
Cơ sở đóng thuyền vỏ sắt của nhà anh Lô Văn Minh.

Thời gian gần đây, gỗ trở nên khan hiếm, trong khi gỗ đóng thuyền đòi hỏi phải là thứ gỗ chắc, dẻo, chịu nước tốt, nên càng khó kiếm. Thế là từ cuối năm 2012, anh em ông Minh quyết định “đóng thuyền sắt”. Lúc đầu thử nghiệm, 3 người tìm mối mua được những tấm sắt mỏng từ Đô Lương, rồi về tự cắt, gò, thuê thợ hàn. Sau khi đã nắm được được kỹ thuật hàn điện, các ông mua thiết bị hàn tự làm, lại giảm được chi phí. Ban đầu, nhóm thợ gia đình này đóng thuyền vỏ sắt cốt chỉ để phục vụ nhu cầu trong nhà. Sau chiếc thuyền đầu tiên, đóng thêm 2 chiếc nữa, mỗi người có 1 chiếc cho riêng mình.

Thuyền vỏ sắt chi phí cao hơn thuyền gỗ, bù lại, nó có những ưu điểm nổi trội. Ông Lô Văn Tiến góp chuyện: “Thuyền sắt có tuổi thọ bằng 3 chiếc thuyền gỗ, lại nhẹ nên đỡ tốn nhiên liệu hơn. Nếu đã chuẩn bị được nguyên liệu thì 3 người lao động tích cực, một tuần làm xong một cái”. Để hoàn thành một chiếc thuyền vỏ sắt, chi phí khoảng 9 triệu đồng; cộng thêm tiền mua máy nữa thì khoảng từ 15, 16 triệu đồng, bằng tiền mua chiếc xe máy...

Sau khi những chiếc thuyền vỏ sắt đầu tiên “ra lò”, đã có một số người đến đặt hàng. Từ giữa năm 2013 đến nay, 3 anh em đã bán được 4 chiếc thuyền vỏ sắt. Nhóm thợ này cho biết, nếu số người đặt hàng nhiều hơn sẽ đầu tư để mở rộng sản xuất. Rồi đây, số người sử dụng thuyền vỏ sắt trên địa bàn Tương Dương sẽ tăng, bởi loại phương tiện này đã cho thấy ưu thế hơn hẳn so với thuyền gỗ.

Bài, ảnh: Hữu Vi

Mới nhất
x
Thợ bản đóng thuyền vỏ sắt!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO