Thọ Hợp: Vững thế chân kiềng: Mía - rừng - màu

22/08/2013 17:21

Sau nhiều năm tổ chức quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hướng đi đúng đắn mà Đảng bộ xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp) vạch ra đang đưa xã nghèo Thợ Hợp phát triển từng ngày là khu vực nông lâm nghiệp được định hình theo thế kiềng 3 chân: mía – trồng rừng – màu.

(Baonghean) - Sau nhiều năm tổ chức quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hướng đi đúng đắn mà Đảng bộ xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp) vạch ra đang đưa xã nghèo Thợ Hợp phát triển từng ngày là khu vực nông lâm nghiệp được định hình theo thế kiềng 3 chân: mía – trồng rừng – màu.

Dù là một xã thuần nông nhưng nông dân Thọ Hợp không nhà nào có ruộng lúa nước vì điều kiện địa chất, địa hình phức tạp, nguồn nước khan hiếm không thể làm hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Chính vì lẽ đó, cộng đồng các dân tộc Thổ, Kinh, Thái trên địa bàn xã cứ xoay vần, vật lộn mãi với cái đói nghèo. Như người ta vẫn nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đội ngũ cán bộ, đảng viên Thọ Hợp luôn trăn trở, sâu sát thực tiễn, chủ động nắm bắt thời cơ để từ đó đề ra những chủ trương, kế hoạch, đề án phù hợp với thực tiễn và tổ chức thực hiện ngay vào thực tế địa phương.

Câu chuyện thứ nhất mà chúng tôi muốn đề cập đến đó là đưa cây mía nguyên liệu vào đồng đất khô cằn thay thế cho những diện tích trồng màu hiệu quả kinh tế thấp. Dưới ánh nắng mùa thu tháng Tám chúng tôi theo con đường bê tông rộng rãi vào xóm Sợi Dưới. Xóm có 178 hộ với 765 nhân khẩu, đa số là đồng bào dân tộc Thổ. Nhìn những ngôi nhà khang trang, thoáng mát san sát dọc hai bên đường làng mới thấy hết ý nghĩa của 2 chữ “chuyển đổi” với vùng đất này. Bởi theo như lời đồng chí Trương Hồng Lam – Bí thư Chi bộ: Trước đây, dân chúng tôi khổ lắm! Cái gì cũng thiếu. Đất đai bày ra trước mắt đó nhưng có mấy ai no đủ đâu. Quanh năm chỉ biết bám vào mấy cây ngô, cây lạc, năng suất thấp vô cùng”.

Nhưng đó là câu chuyện của dĩ vãng, vì từ lúc có nhà máy mía đường đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Đảng ủy Thọ Hợp đã nhạy bén đón đầu để không chỉ trở thành nơi cung cấp nguyên liệu mía cho nhà máy mà còn cả giống cho các địa phương khác trong huyện.

Trong bối cảnh tâm lý không ít các hộ dân còn hoài nghi thì ở xóm Sợi Dưới có 5 đảng viên trong chi bộ đã đi tiên phong để trồng cây mía nguyên liệu theo hình thức thâm canh. Đó là các đồng chí như Trương Văn Di, Trương Minh Pháo, Mai Thị Bích Liên… và cả Bí thư chi bộ Trưởng Hồng Lam.

“Mùa đầu tiên, gia đình tôi trồng 2,5 sào mía. Đến mùa sau thì không chỉ có đủ giống để nhân rộng diện tích đất sản xuất của gia đình mà còn cung cấp giống cho cả nhân dân Hạ Sơn. Nay gia đình đã chuyển toàn bộ 12 sào đất sang trồng mía”, đồng chí Lam nhớ lại. Kể lể chuyện xưa cũng để muốn nói chuyện nay, bởi bên cạnh các chương trình hỗ trợ của các ban, ngành các cấp, chính từ những mô hình nhỏ của các đồng chí đảng viên đó, lòng tin dần nhân lên trong cộng đồng dân cư để hôm nay, mía đã trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương không chỉ ở Thọ Hợp mà cả Hạ Sơn, Văn Lợi, Châu Đình - những địa phương có điều kiện tự nhiên và xã hội rất khó khăn. Riêng tại xóm Sợi Dưới, giờ nhà nào cũng có mía, ít hay nhiều tùy vào đất sản xuất của mỗi nhà, nhưng cứ đến đây nhìn cánh đồng mía xanh tít tắp trải dài từ đầu làng đến cuối xóm, mía sẽ còn tiếp tục mang lại cho nông dân Sợi Dưới những mùa vụ “ngọt ngào” trong tương lai.



Chị Trương Thị Vỹ xóm Sợi Dưới chăm sóc mía.

Chị Trương Thị Vỹ - một cư dân xóm Sợi Dưới chia sẻ: “Gia đình tui chỉ có 7 sào đất, trước làm màu 3 vụ màu, đời sống khó khăn lắm. Nay chuyển sang làm 6 sào mía, mỗi niên vụ được 25 tấn. Tiền thu không bằng nhà người ta vì nhà ít đất, nhưng cứ so với làm màu, hiệu quả làm mía cao hơn hẳn. Trồng mía thời gian nhàn rỗi nhiều hơn nên có thể làm thêm nhiều công việc khác. “Năng nhặt chặt bị” nên cuộc sống cũng khấm khá lên trông thấy”. Hiện nay, Đảng ủy xã xác định cây mía đã trở thành cây chủ lực đối với kinh tế địa phương và đang tập trung vận động nhân dân đưa các giống mía năng suất cao vào tận chân ruộng. Niên vụ này, cả xã hiện có 165 ha trồng mía nguyên liệu, ước tính với năng suất đạt 55 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 9.075 tấn, hứa hẹn mang về giá trị rất lớn cho nông dân.

Một đề án khác đang được Thọ Hợp tích cực triển khai là khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế rừng tại những xóm có điều kiện phù hợp như Thung Khẳng, Sơn Tiến, Cốc Mộc, Thọ Sơn và bước đầu đang thu được những kết quả khả quan. Theo con đường đất đá lởm chởm, dốc dựng đứng, tôi có dịp vào thăm trang trại kinh tế tổng hợp của gia đình đảng viên Lê Văn Tiến ở xóm Thọ Sơn. Giữa bốn bề núi đá vôi, từng vạt rừng keo, lát, xoan đâu, vải thiều, đào… cứ bền bỉ bám rễ vào đất cằn mà vươn thẳng lên trời cao.

Trong áng chiều chạng vạng, đồng chí Lê Văn Tiến chia sẻ: “Khi vào đây làm trang trại, vùng này chỉ toàn cây bụi, hoang sơ vô cùng. Phải khai hoang dần dần rồi tính toán kỹ lưỡng. Thấy thiếu nhất vẫn là nước. Tui tự khảo sát, nghiên cứu và làm hệ thống nước tự chảy từ rừng về, từ công tác tưới tiêu cơ bản được giải quyết, mở ra việc đưa các giống cây, con vào sản xuất”. Sau mấy năm “bỏ nhà vào rừng” lập nghiệp với biết bao gian truân không kể xiết, giờ đây gia đình ông có được cơ ngươi trang trại khá bề thế trên tổng diện tích 15ha. Không tính rừng lâu năm, chỉ tính doanh thu từ cây ăn quả và chăn nuôi cũng đã mang về giá trị kinh tế khoảng 300 triệu đồng/năm.

Tất nhiên, ở Thọ Hợp không phải ai cũng hội tụ đầy đủ các điều kiện để làm trang trại như gia đình đồng chí Lê Văn Tiến. Nhưng cách làm của ông đã góp phần mở ra hướng đi rất hiệu quả cho Thọ Hợp trên những vùng đất từ trước đến nay vẫn xem là cằn cỗi; gương sáng của người đảng viên kỳ cựu này chính là nguồn cảm hứng để người dân noi theo, biến đất cằn thành “đất vàng, đất bạc”.

Đơn cử tại xóm Thung Khẳng, thực hiện đề án của xã, chi bộ xóm đã ra nghị quyết khuyến khích người dân chuyển đổi kinh tế cây trồng theo hướng phù hợp. Đồng chí Nguyễn Bá Nam – Bí thư chi bộ cho biết: “Cả xóm có 39 hộ, trên diện tích trồng đậu, ngô, lạc kém hiệu quả, hầu hết bà con đều chuyển sang trồng keo hoặc mía, sắn. Đầu năm nay, gia đình tôi vừa trồng 1,5ha keo và đang phát triển tương đối tốt”. Để đề án trên thành công, Đảng ủy xã Thọ Hợp không chỉ đề ra chủ trương, đường lối và quán triệt, vận động nhân dân mà còn chủ động liên hệ với các đơn vị có điều kiện để hỗ trợ giống keo cho nhân dân với số lượng nhất định. Ý thức được nguồn lợi từ rừng, nhân dân xã đã tích cực khoanh nuôi bảo vệ và trồng mới. Nhờ vậy, diện tích rừng của Thọ Hợp tăng đều hàng năm, đến nay đạt hơn 510 ha.

Đồng chí Trương Văn Bính – Phó Bí thư Đảng ủy xã đúc kết: “Từ thời điểm trồng màu hiệu quả thấp chiếm ưu thế nay nông nghiệp đang chuyển dịch sang cây mía và keo. Hiệu quả mang lại từ cây trồng chuyển đổi đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm xuống 19,9%. Chúng tôi phấn đấu tiếp tục phát huy tiềm năng đúng hướng để đưa Thọ Hợp giảm nghèo nhanh, thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới”.


Thành Duy

Mới nhất

x
Thọ Hợp: Vững thế chân kiềng: Mía - rừng - màu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO