'Thợ in' Phạm Bá Phụng ở Bến Thủy trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Phạm Bá Phụng làm công nhân bốc vác tại cảng Bến Thủy. Anh tham gia nhiều hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của công nhân. Anh còn là 1 trong 5 người in ấn tài liệu cho cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Phạm Bá Phụng sinh năm 1901 tại làng Yên Dũng Hạ, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay là phường Bến Thủy, thành phố Vinh). Cha anh là ông Phạm Bá Diệu (thường gọi là Cố Thân) và mẹ là bà Trần Thị Ngang. Gia đình anh đông con (4 trai, 4 gái) sống ở vùng đất cát khô cằn, sản xuất nông nghiệp mỗi năm 1 vụ lúa, 1 vụ mùa; thu hoạch phụ thuộc vào thiên nhiên. Cha mẹ anh suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng “cơm vẫn không đủ ăn, áo không đủ mặc”. Mấy anh em không được đi học, phải ra đồng phụ giúp cha mẹ.
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), thực dân Pháp đã xây dựng Vinh – Bến Thủy thành trung tâm công nghiệp Bắc Trung Kỳ. Nhận thấy tầm quan trọng của Cảng Bến Thủy, năm 1924, thực dân Pháp đã cho nạo vét và mở rộng cảng để các tàu lớn vào ra chở hàng và đây là cảng quan trọng thứ 2 sau Cảng Hải Phòng. Chúng chiếm đất của nông dân trong thành phố Vinh để xây dựng nhà máy. Năm 1926, Vinh – Bến Thủy đã có hơn 20 nhà máy được xây dựng. Ngoài ra, thực dân Pháp còn chiếm đất của nông dân làng Yên Dũng làm Sân bay Vinh.
Đến năm 1929, công nhân ở Vinh - Bến Thủy tăng mạnh đến hơn 4.000 người; đông nhất là công nhân Nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi gần 1.000 người, Nhà máy Diêm của Hội Sipha (750 người), Nhà máy Cưa Samanal (300 người)…
Lực lượng công nhân trong các nhà máy và bến cảng ở Vinh – Bến Thủy chủ yếu đến từ 2 nguồn: Thứ nhất, là công nhân ở các nơi đến, chủ yếu là từ Bắc vào. Đó là những người thợ lành nghề do đời sống khó khăn nên họ vào làm thuê cho bọn tư bản, thường gọi là “thợ áo xanh”. Họ làm tập trung ở một vùng nên gọi là “xóm thợ Bắc Kỳ”.
Thứ hai, là nông dân các làng xã Vinh – Bến Thủy bị thực dân Pháp lấy hết đất xây dựng nhà máy; nông dân các vùng lân cận như Hưng Nguyên, Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An), Nghi Xuân và Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh). Những người này được gọi là “thợ áo nâu”.
Cũng như các hộ dân trong làng, gia đình anh Phạm Bá Phụng bị mất hết ruộng đất. Phạm Bá Phụng phải xin làm công nhân bốc vác tại cảng Bến Thủy. Các em gái của anh thì vào làm tại Nhà máy Diêm.
Năm 20 tuổi, Phạm Bá Phụng xây dựng gia đình và các con lần lượt ra đời, gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai anh. Ngoài thời gian khuân vác tại cảng, về nhà anh tranh thủ làm ruộng để phụ giúp cha mẹ. Các bạn cùng trang lứa trong làng đều xin vào làm công nhân các nhà máy như: Lê Doãn Sửu, Lê Mao, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi, Lê Viết Thuật, Phạm Bá Châu,...
Ngày 14/07/1925, tại núi Con Mèo (sau dãy núi Quyết, Vinh – Bến Thủy), Hội Phục Việt ra đời do một số trí thức yêu nước sáng lập như Tôn Quang Phiệt, Trần Mộng Bạch, Trần Phú. Hội chủ trương tập hợp những người yêu nước trong Nhân dân đánh đổ thực dân Pháp, khôi phục nền độc lập cho đất nước. Vinh – Bến Thủy là trung tâm của Hội.
Đến năm 1929, cơ sở Hội đã phát triển hầu khắp các nhà máy, trường học, làng xã như Yên Dũng Thượng, Yên Dũng Hạ, Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Hậu…. Rất nhiều người xin gia nhập Hội. Nòng cốt tổ chức Hội trong các nhà máy (Diêm, Cưa, Sửa chữa xe lửa Trường Thi) là các anh Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi, Phạm Bá Châu…
Phạm Bá Phụng sớm được giác ngộ tinh thần yêu nước. Đặc biệt, anh có em rể là Lê Viết Thuật (lấy em gái Phạm Thị Hai) và em họ Phạm Bá Châu. Ba anh em thường xuyên gặp gỡ, đàm đạo về tình hình chính trị và nhất là nỗi khổ của công nhân trong các nhà máy. Địa điểm gặp nhau là tại nhà thờ Phạm Bá của anh, ngôi nhà lợp ngói đỏ do ông nội là Phạm Bá Hảo (sinh 1862) xây dựng lên để thờ cúng cụ tổ Phạm Bá Hinh. Cụ Phạm Bá Hinh do có công trong cuộc chiến chống quân Thanh nên được Vua Lê Hiển Tông (1740-1788) ban sắc vào năm Cảnh Hưng 44.
Nhà thờ Phạm Bá đã trở thành nơi các thành viên Hội Phục Việt gặp gỡ nhân ngày lễ, tết, giỗ chạp. Phạm Bá Phụng sớm gia nhập Hội viên Hội Phục Việt và khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) anh nhanh chóng trở thành đảng viên.
Thời gian này, ở khu phố Đệ Thập có tên Phố trưởng là Cao Kiên ăn chặn tiền thuế nhà của dân trong phố. Thuế do Tòa sứ Pháp bổ về là 204đ, nhưng Cao Kiên đã thu lên đến 750 đồng (nhà ngói: 3đ/nhà, nhà tranh lớn: 1,4đ/nhà, nhà tranh nhỏ: 0,8đ/nhà). Phạm Bá Phụng cùng các đồng chí trong Hội đã vận động Nhân dân trong phố làm đơn gửi lên Tòa sứ. Đơn kiện lấy chữ ký vòng tròn để không biết ai là chủ mưu. Kết quả đã lật đổ được Cao Kiên và thay vào đó cử Phạm Bá Châu làm Phố trưởng, Lê Mao làm phó, đồng thời buộc Cao Kiên trả lại số tiền đã thu lạm của dân.
Vào năm 1927 – 1928, tại Vinh – Bến Thủy, hai tổ chức Thanh niên (Việt Nam Cách mạng Thanh niên) và Tân Việt cùng song song tồn tại, đang cố gắng xóa bỏ mọi thành kiến và bất đồng để dần thống nhất mục tiêu và hành động.
Năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng (ĐDCSĐ) được thành lập ở Bắc Kỳ. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc và đồng chí Trần Văn Cung về Nghệ An cùng đồng chí Võ Mai lập ra Kỳ bộ ĐDCSĐ Trung Kỳ. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đặc biệt chú ý đến phong trào công nhân Vinh – Bến Thủy. Lê Mao, Lê Viết Thuật, Lê Doãn Sửu được Nguyễn Phong Sắc chọn làm nòng cốt tổ chức ĐDCSĐ trong giai cấp công nhân Vinh – Bến Thủy.
Cuối năm 1929, bị bọn cai chủ đuổi khỏi Nhà máy Trường Thi, Lê Viết Thuật xin vào làm công nhân bốc vác tại Cảng Bến Thủy. Hàng ngày, Phạm Bá Phụng đi làm cùng Lê Viết Thuật.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước nói chung và Nghệ Tĩnh nói riêng phát triển mạnh mẽ. Hưởng ứng các cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước, Tỉnh ủy Nghệ An đã phát động quần chúng kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1930).
Phạm Bá Phụng cùng với anh em khuân vác tại Cảng Bến Thủy kéo lên hòa cùng công nhân các nhà máy và nông dân các làng xã biểu tình đưa yêu sách lên Tòa Công sứ Vinh. Cuộc biểu tình bị thực dân Pháp đàn áp làm 6 người chết và 18 người bị thương. Ngày 12/5/1930, Phạm Bá Phụng cùng 400 công nhân khuân vác tại cảng phối hợp với 300 công nhân Nhà máy Cưa Thái Hợp, Lao Xiên, dưới sự lãnh đạo của Công hội đỏ đình công đưa yêu sách, phản đối cuộc đàn áp ngày 1/5/1930.
Sau đó, lần lượt công nhân các nhà máy ở Vinh – Bến Thủy tổ chức đấu tranh đưa yêu sách như: Diêm (10/5); Xe lửa Trường Thi (31/5); Cưa Thái Hợp (15/6); Chủ nhà trọ thành phố (18/6); Công nhân Diêm và nông dân làng Yên Lưu (27/6); Rượu Bến Thủy (28/7)... Nhân dịp kỷ niệm ngày Công xã Pa ri (14/7/1930), cùng đồng chí Nguyễn Lợi (Bí thư Chi bộ Nhà máy Diêm), Nguyễn Phúc (Phó Bí thư), Phạm Bá Phụng đã vận động hơn 600 công nhân và nông dân xã Yên Dũng Hạ và Phố Đệ Thập kéo về chùa Nia cùng đồng bào Yên Dũng Thượng mít tinh. Tháng 2/1931, các đồng chí tổ chức cho Nhân dân Yên Dũng Hạ và phố Đệ Thập sang Dăm Mụ Nuôi để cùng vui Tết Nguyên đán với Nhân dân Yên Dũng Thượng.
Thường xuyên đi đầu trong các cuộc đấu tranh nên Phạm Bá Phụng và nhiều đảng viên khác bị đuổi việc. Ngày 27/9/1930, Xứ ủy Trung Kỳ ra Thông cáo vận động quần chúng biểu tình đòi thực dân Pháp và tay sai: “Không được đụng đến công nông Nghệ Tĩnh”; “Không được đuổi công nhân phố Đệ Thập”.
Sau cuộc biểu tình ngày 19/2/1930 của nông dân Hưng Nguyên, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp nhằm dìm phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh vào trong biển máu. Chúng ráo riết truy lùng cán bộ lãnh đạo của Đảng. Ngoài ra, chúng tăng thêm đồn bốt ở nơi có phong trào mạnh, tăng thêm lính, đoàn phu, lập bang tá từ xã đến tổng. Mặt khác, thực dân Pháp tổ chức phát hành thẻ quy thuận, rước cờ vàng,...
Đến tháng 4/1931, cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy và Xứ ủy Trung Kỳ lần lượt sa lưới địch và nhiều đồng chí có vai trò chủ chốt hy sinh. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (bị bắt 4/1931), Lê Mao (hy sinh 5/1931), Nguyễn Phong Sắc (hy sinh 5/1931), Nguyễn Phúc và Nguyễn Lợi đều bị bắn.
Ngày 22/4/1931, Hội nghị Xứ ủy Trung Kỳ họp quyết định giải tán Tỉnh ủy Vinh, thành lập Khu ủy Bến Thủy và Khu ủy Vinh trực thuộc Xứ ủy Trung Kỳ. Phạm Bá Phụng được bổ sung vào Ban tuyên truyền cổ động, anh ở tổ in ấn gồm 5 người:
- Nguyễn Trung Phu (tức Xuyên)
- Mai Trọng Tín (tức Thanh)
- Phạm Can (tức Lâm)
- Lê Thị Mai (vợ Thái Văn Giai – cán bộ Xứ ủy sau phản bội)
- Phạm (Bá) Phụng (tức Phương – lấy tên con gái thứ 2)
Nhà Phạm Bá Phụng được làm cơ sở in ấn tài liệu của Xứ ủy. Đây là khu vườn rộng, có nhà thờ họ Phạm Bá nên dễ cải trang che mắt địch. Cây cối xung quanh rậm rạp, gần đồng ruộng nên khi có biến động dễ thoát ra ngoài.
Đồng chí Mai Trọng Tín (người Đức Thọ, cán bộ Xứ ủy) thường viết mẫu truyền đơn để tổ in bài. Hàng ngày, đồng chí phải ngồi trên gác của chuồng trâu, vợ anh Phạm Bá Phụng đến bữa đưa cơm lên, tối đến mới xuống ra ngoài cho thoáng. Được khoảng 2 – 3 tháng thì Mai Trọng Tín được điều chuyển xuống huyện Nghi Lộc.
Trong nhà thờ họ Phạm Bá có sẵn 4 áo dài hương dùng để cải trang che mắt bọn mật thám khi có biến động. Vào khuya 14/7/1931, khi tổ ấn loát đang làm việc thì bị bọn đoàn phu và lính phủ Hưng Nguyên vây bắt. Đồng chí Nguyễn Ngô Dật, Phạm Bá Phụng trốn thoát, chúng bắt được đồng chí Nguyễn Xuân Thành (con trai Nguyễn Ngô Dật) và tịch thu toàn bộ dụng cụ in ấn, 4 áo dài và 7 gói tài liệu in xong chưa kịp chuyển đi. Truyền đơn được xếp thành 7 gói, mỗi gói được đánh số thứ tự 1 – 7 viết bằng chữ Quốc ngữ, xui dân biểu tình và chỉ trích 2 chính phủ bắt dân chịu thuế nặng sưu cao (Báo cáo của Tri phủ Hưng Nguyên số 1597ES ngày 17/7/1931).
Hai ngày sau Phạm Bá Phụng về nhà thờ và bị bắt. Chúng đưa Nguyễn Xuân Thành xuống gặp anh để đối chất, song cả hai đều không khai nửa lời. Phạm Bá Phụng bị giam ở Nhà lao Vinh. Ngày 22/9/1931, Tổng đốc Nghệ An là Nguyễn Khoa Kỳ đã tăng án Phạm Bá Phụng lên 9 năm khổ sai và 3 năm quản thúc, đày đi tỉnh khác.
Ngày 21/1/1932, Phạm Bá Phụng bị thực dân Pháp đưa lên tàu đi Đà Nẵng. Ngày 11/2/1932 theo Bản án số 124, Phạm Bá Phụng bị kết án như vậy nhưng Sateh - Khâm sứ Trung Kỳ có ý kiến những người bị tù từ 7 năm trở lên sẽ bị tịch thu tài sản. Tài sản gia đình anh bị tịch thu cùng 882 đồng (quỹ của Đảng) và không được trả lại.
Giữa năm 1932, Phạm Bá Phụng bị đưa lên Nhà lao Kon Tum. Những người tù chính trị án nặng đều bị thực dân Pháp đưa lên đây nhằm giết dần, giết mòn họ. Vào cuối 1930 đến đầu 1931, thực dân Pháp xây dựng con đường 14 để nối lên Buôn Ma Thuột. Chúng bắt tù nhân Nghệ Tĩnh đi làm con đường này. Cuối 1931, gần 300 tù nhân ở Kon Tum đi làm đường số 14 và chỉ còn hơn 80 người sống sót trở về nhà lao. Về sau, do anh em trong tù tổ chức đấu tranh mạnh mẽ nên bọn cai ngục đã đỡ hà khắc hơn.
Tháng Chạp năm 1933, Phạm Bá Phụng được chuyển đến nhà tù Buôn Ma Thuột. Nhân dịp Tết 1934 và ngày Quốc khánh Pháp 14/7/1936, Phạm Bá Phụng được giảm án 2 năm. Công văn số 3091 ngày 20/7/1936 của Công sứ Buôn Ma Thuột gửi Công sứ Pháp tại Vinh đã đưa tin về việc Phạm Bá Phụng cùng 10 người (Trần Xy, Hoàng Thân, Nguyễn Văn Toản (Học Tràng), Nguyễn Doãn Xương, Lê Xoan, Nguyễn Bác, Uông Dương, Hai Nhiếp, Nguyễn Căn, Võ Trọng Bành) được đưa về Vinh để trả tự do.
Trong thời gian Phạm Bá Phụng đang ở Nhà lao Vinh (cuối năm 1931), Xứ ủy Trung Kỳ chỉ còn đồng chí Lê Viết Thuật. Cơ sở Đảng từ xứ đến địa phương bị phá vỡ gần hết. Để bảo toàn cho cán bộ Đảng, cha Phạm Bá Phụng là Phạm Bá Diệu đã cùng các đồng chí như Nguyễn Thị Duệ (liên lạc)... làm một cái lán ở trại cày của gia đình (trại Cố Thân) cho đồng chí Lê Viết Thuật ẩn náu. Hàng ngày, ông Phạm Bá Diệu thường xuyên ra thăm trại cày. Từ nơi này, Lê Viết Thuật đã in nhiều tài liệu để chuyển đi cơ sở nhằm ổn định tinh thần quần chúng.
Vào 7h sáng 8/12/1931, lán của đồng chí Lê Viết Thuật bị địch bao vây. Bọn đoàn phu và lính đã bắt được anh và 2 nữ đồng chí là Trần Thị Minh Châu và Nguyễn Thị Duệ. Tại đây, chúng thu được nhiều tài liệu và 19 viên đạn (Điện mật của Chánh Liêm phóng Trung Kỳ Billet gửi Khâm sứ Trung Kỳ ngày 8/12/1931).
Sau 6 năm trải qua 3 nhà tù của thực dân Pháp, Phạm Bá Phụng trở về nhà với 2 tai bị điếc, ho ra máu và sốt rét. Gia đình anh phải thuốc thang chạy chữa mãi mới khỏe. Sức khỏe tạm ổn, Phạm Bá Phụng cùng các đảng viên mới được trả tự do tổ chức hoạt động gây dựng lại phong trào cách mạng.
Ngày 27/3/1938, tại làng Yên Thái (phố Đệ Thập), Phạm Bá Phụng cùng Phạm Bá Châu và một số đồng chí mới được thả tự do tổ chức họp tại đình làng. Các đồng chí đã lập một ủy ban để giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Mỗi thành viên nên nộp 0,2đ; mỗi họ cử 1 tộc biểu khi xảy ra chuyện thì báo tin cho các thành viên trong họ mình, phân công nhiệm vụ như sau:
- Nguyễn Phương: làm Hương bản (trưởng)
- Các tộc biểu: Cao Hy, Phạm Nguyên, Nguyễn Khắc Khiên, Nguyễn Duy Hy (Đỗ Huy)
- Thư Ký: Trần Kinh (thảo giấy tờ)
- Thủ quỹ: Phạm (Bá) Phụng (giữ tiền của làng)
Đến năm 1941, Phạm Bá Phụng sang Lào làm ăn nhưng được 3 tháng anh trở về nhà và tiếp tục hoạt động cách mạng. Phạm Bá Phụng tham gia giành chính quyền tháng 8/1945. Năm 1949, Phạm Bá Phụng là đại biểu của Đảng bộ thị xã Vinh.
Do căn bệnh đau dạ dày tái phát, con còn nhỏ, con trai lớn gia nhập quân đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện thuốc thang nên Phạm Bá Phụng từ trần vào tháng 3/1955 lúc mới 54 tuổi.
Trong thời gian hoạt động cách mạng, Phạm Bá Phụng có được sự giúp sức của người bạn đời, người vợ tần tảo chịu thương chịu khó là bà Lê Thị Tư (còn gọi là bà Phụng). Bà sinh năm 1903, là công nhân Nhà máy Diêm 1920. Bà tích cực tham gia cùng công nhân nhà máy đấu tranh chống sự hà khắc của chủ. Lúc cơ quan in ấn loát của Xứ ủy đóng trong nhà, bà là người lo cơm nước và bảo vệ cán bộ.
Khi Phạm Bá Phụng bị địch bắt đày đi Buôn Ma Thuột, một mình bà phải chăm lo cho 4 con nhỏ và bố mẹ chồng già yếu. Bà được Chính phủ tặng Bằng khen gia đình có công với cách mạng và bản thân bà được hưởng chế độ đãi ngộ vì hoạt động cách mạng từ 1927 – 1931.
Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, các con của Phạm Bá Phụng (4 trai, 4 gái) và các cháu có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Họ phần lớn là các sĩ quan trong lực lượng vũ trang, được Đảng và Chính phủ tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý.