Thơ Nghệ An - một chặng đường

(Baonghean) - Nghệ An là đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra nhiều tên tuổi lớn trong nền thơ Việt, cũng là nơi xuất hiện nhiều tác giả có những đóng góp cho từng giai đoạn đổi mới thơ ca nước nhà.
 
Trong những năm qua (2005-2011), thơ Nghệ An đã đạt được những thành quả nhất định. Giữa một nền thơ chung ổn định, nhiều tác giả đã được vinh danh với những giải thưởng sáng giá: 5 giải thưởng của Liên hiệp Hội VHNT hàng năm (Phan Văn Từ, Phạm Mai Chiên, Vân Anh, Trần Ngưỡng, Trần Thu Hà), một giải thưởng do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nhà văn tặng (Nguyễn Thị Phước), một giải thưởng viết đề tài chiến tranh do Bộ Quốc phòng tặng (Phạm Minh Tâm), hai giải thưởng trong cuộc thi "Nghìn năm thương nhớ" do báo Gia đình & Xã hội phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn Nghệ, báo Giáo dục & Thời đại và trang điện tử lucbat.com. tổ chức (Nguyễn Trọng Tuất, Nguyễn Trường Thọ), một giải thưởng viết về đề tài "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Ban Tư tưởng và Văn hóa tặng (Hoàng Thị Cẩm Thạch).
 
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng bước chuyển mình của Thơ Nghệ An còn chậm, chưa tạo ra được một sự đổi mới về, một ấn tượng đủ sức vang xa. Còn thiếu vắng những tác giả, tác phẩm xuất sắc để mọi người nghiêng mình chiêm ngưỡng...
 
Cũng như nền thơ chung cả nước, Thơ Nghệ An "đang phát triển theo ba khuynh hướng khác nhau"(1). Chúng không loại trừ mà bổ sung đan xen cho nhau tạo thành một vườn thơ giàu hương sắc.
 
Khuynh hướng thứ nhất là cố gắng cách tân thơ một cách triệt để, "nhằm tìm đến một cách nói, cách thể hiện mới đầy tính siêu nghiệm và tượng trưng đề cùng một ngôn ngữ tạo sinh đa nghĩa"(1). Thực ra trước đó, hai nhà thơ Phan Quốc Bình và Bùi Sỹ Hoa ngay từ khi mới cầm bút sáng tác đã theo khuynh hướng này và đến nay vẫn kiên trì theo đuổi nó. Mấy năm gần đây, một gương mặt thơ nữ xuất hiện - Trần Thu Hà đã gặt hái được những thành công nhất định với cách viết mới mẻ, táo bạo. Không phải ngẫu nhiên mà thơ chị được nhiều tờ báo và tạp chí Văn nghệ giới thiệu. Tập thơ "Trái đất tự quay" của chị được Hội Liên hiệp VHNT toàn quốc trao giải C (không có giải A) là một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng.
 
Cũng không thể không nhắc đến Hồ Huy Sơn, một tác giả còn rất trẻ quê ở Quỳnh Lưu. Anh đã trình làng ba tập thơ và nhận được nhiều giải thưởng nhờ cách viết trẻ trung, mới mẻ: Thế giới của tôi/ Những con chữ cựa quậy/ Chờ ngày sinh sôi/ Chúng phôi thai từ trái tim tôi. Trong khuynh hướng sáng tác này còn có thể kể đến Đặng Hồng Thiệp, Ngô Xuân Bính, Phạm Mai Chiên, Phạm Thùy Vinh...
 
Khuynh hướng thứ hai thiên về cách viết truyền thống "ưa dùng những thủ pháp ẩn dụ, tỉ dụ, lối chuyển nghĩa dân gian đầy nhạc tính biểu cảm truyền thống"(1). Những bài thơ thành công nhất của họ đều viết theo thể lục bát - một thể thơ được xem như đặc sản thơ Việt. Tác giả gặt hái được nhiều thành công nhất trong khuynh hướng sáng tác này có lẽ là Nguyễn Trường Thọ. Thơ anh được đăng thường xuyên trên các báo và tạp chí có uy tín: Văn Nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, tạp chí Sông Hương, báo Nghệ An, lucbat.com... Anh được trao giải Tư cuộc thi sáng tác thơ lục bát "Nghìn năm thương nhớ", một cuộc thi thu hút hàng nghìn tác giả với hàng chục thi phẩm tham gia.
 
Nguyễn Đăng Việt, một tác giả từng đạt giải khuyến khích Cuộc thi "Thơ lục bát" do báo Văn nghệ tổ chức (2002-2003) và đã từng có một thi phẩm dành riêng cho thơ lục bát vẫn kiên trì sáng tác theo khuynh hướng này. Anh sắp trình làng tập thơ lục bát mới viết về đại thi hào Nguyễn Du.
 
Nguyễn Trọng Tuất người từng đạt giải khuyến khích cuộc thi do báo Văn nghệ tổ chức năm 1969 với bài thơ lục bát Ngô vàng Cẩm Vân vẫn viết lục bát rất hay. Việc anh được trao giải ba (không có giải nhất) cuộc thi thơ lục bát  "Nghìn năm thương nhớ" đã minh chứng cho điều đó.
 
Một số tác giả khác như Huy Huyền, Trần Ngưỡng, Văn Hiền, Lương Khắc Thanh, Vũ An, Nguyễn Văn Tài... cũng đạt được các thành tựu đáng khích lệ trong thể thơ lục bát.
 
Khuynh hướng thứ ba "khá chững chạc và đầy đặn, rất mới mẻ trong tạo hình và cách điệu ngôn ngữ nhưng không quá xa lạ với cảm hứng thẩm mỹ người đọc, rất truyền thống giàu âm điệu dân gian nhưng không quá nệ cổ"(1) đang chiếm số lượng đông đảo trên thi đàn Việt Nam với những tên tuổi đã và đang thành danh: Thạch Quỳ, Lê Thái Sơn, Nguyễn Thị Phước, Nguyễn Quốc Anh, Vũ Toàn, Vân Anh, Cao Xuân Thưởng, Tú Tâm... Họ đang cố gắng làm mới thơ mình cả nội dung và hình thức nhưng vẫn muốn hướng tới độc giả. Phải chăng đó là sở trường nhưng cũng là sở đoản của những người sáng tác theo khuynh hướng này?
 
Phần lớn thơ Nghệ An hiện nay là thơ trữ tình. Thơ trào phúng được sáng tác lẻ tẻ, chưa tạo được tiếng vang rõ rệt. Ngoài cây bút thành danh Dương Huy, tác giả Mạc Thực đã cố gắng vượt lên. Thi phẩm Những pha đoản kịch là một thành công mới của anh. Cũng không thể không nhắc đến Lê Đức Hạnh với Gió ngược đã góp phần làm cho thơ trào phúng Nghệ An bớt đơn điệu.
 
Giai đoạn này, thơ thiếu nhi Nghệ An xem như mất mùa. Những cố gắng của Nguyễn Trọng Tuất với Thơ ba bánh, Chu Vĩnh Phương với Cút ca cút kít, Trương Quang Thứ với Hoa hậu mèo... chưa đủ lấp đi khoảng trống thơ thiếu nhi trong nền thơ chung Nghệ An hiện nay.
 
Gần đây các tác phẩm viết theo thể loại trường ca đã bắt đầu xuất hiện ở Nghệ An với các tác giả: Huyền Lam, Trần Trọng Khoa, Phạm Minh Tâm... nhưng có lẽ một trường ca xứng với tầm vóc Nghệ An vẫn đang còn ở phía trước.
 
Cứ năm năm một lần, UBND tỉnh Nghệ An lại tổ chức trao giải VHNT Hồ Xuân Hương cho các tác phẩm đạt thành tựu nhất định trong giai đoạn này. Có 28 tác phẩm thơ được trao giải lần thứ tư (2005-2010). Một con số khá lớn so với các chuyên ngành văn học hay nghệ thuật khác của tỉnh nhà, nhưng hãy còn xa thơ Nghệ An mới đáp ứng được nhu cầu phản ánh một cách chân thực tâm hồn con người và xã hội Nghệ An trong thời kỳ đổi mới của đất nước. 
______________

(1) Về mối quan hệ thẩm mỹ tính hiện đại và bản sắc dân tộc trong thơ đương đại (Yến Nhi, Tạp chí Nhà văn, số 6-2001).

Lê Quốc Hán

tin mới

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.