Thổ Nhĩ Kỳ không còn là đồng minh biết nghe lời của NATO?
(Baonghean.) - Việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan xem Thổ Nhĩ Kỳ là cường quốc Hồi giáo ưu việt ở Trung Đông không phải là chuyện ít người biết. Ông cũng thường cáo buộc đồng minh NATO là Mỹ cố xem thường đất nước của mình, và mơ về một “Thổ Nhĩ Kỳ vĩ đại hơn”. Nhưng, liệu ông Erdogan có đang nghĩ rằng, Ankara có quyền hoặc có nhu cầu sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm củng cố vị thế?
Phát ngôn nhiều ẩn ý
Theo hãng tin CNN, hồi tháng trước nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đề cập đến câu chuyện này, khi tuyên bố rằng “một số quốc gia sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, không phải chỉ một hoặc hai cái. Nhưng chúng tôi lại không thể sở hữu chúng. Điều này tôi không thể chấp nhận được”. Thậm chí, ông còn nêu đích danh Israel: “Chúng tôi có Israel ở gần cạnh, gần như là láng giềng. Họ khiến các nước khác lo sợ khi sở hữu những thứ này. Không ai dám động đến họ”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Newsweek |
Đây là lần đầu tiên ông Erdogan nhắc đến vấn đề này khi diễn thuyết ở một cuộc tập trung lực lượng của đảng AKP cầm quyền. Có thể là nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn chọc giận bộ phận cử tri theo đường hướng dân tộc chủ nghĩa. Nhưng đó cũng có thể là một cảnh báo rằng, nếu Iran và Saudi Arabia có động thái hướng tới trở thành các nước vũ trang hạt nhân, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đứng yên nhìn. Hồi năm ngoái, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nói với hãng tin CBS rằng Vương quốc này “không muốn sở hữu bất kỳ quả bom hạt nhân nào, nhưng nếu Iran phát triển một quả bom hạt nhân thì không nghi hoặc gì mà chúng tôi sẽ làm vậy ngay tắp lự”.
Và, một phần nào đó những phát biểu của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có thể đơn giản là lối phát ngôn thẳng thừng trứ danh, đôi khi là giọng điệu khiêu khích của ông. Erdogan từng so sánh nước Đức hiện đại và Israel với Đức quốc xã, và từng đe dọa sẽ giải phóng hàng trăm nghìn người di cư Syria trên đất châu Âu.
Nhưng từ một vài câu chữ trong một cuộc gặp mặt của đảng tới một chương trình phát triển hạt nhân là cả một bước nhảy dài. Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển một chương trình năng lượng hạt nhân, nhưng nước này cũng tham gia ký Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân, và có sự khác biệt rất lớn giữa năng lượng và vũ khí.
Một máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cất cánh từ căn cứ không quân İncirlik - nơi đang dự trữ 50 quả bom hạt nhân của Mỹ. Ảnh: Anadolu Agency |
Ziya Meral, nhà nghiên cứu tại Viện RUSI ở London, Anh, nói rằng hiện nay “không có dấu hiệu nào cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị theo đuổi vũ khí hạt nhân, cũng không cho thấy rằng chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi lớn trong chính sách không theo đuổi vũ khí hạt nhân suốt nhiều thập kỷ qua của Thổ Nhĩ Kỳ”.
“Thực tế mà nói, sẽ mất cả thập niên cùng cam kết tài chính lớn và chống lại sức ép lớn của toàn cầu, mà 2 điều này đều khiến vũ khí hạt nhân thực sự tốn kém và tổn hại”.
Xa rời đồng minh
Dưới thời Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ không còn là đồng minh NATO biết nghe lời bảo vệ sườn Nam của liên minh này trước điều mà họ cho là “chủ nghĩa bành trướng” của Nga. Phần nào đáp lại cái ôm không hề chân thành của châu Âu, ông Erdogan đã mường tượng ra một địa điểm mới cho Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nước này sẽ chọn đồng minh và triển khai sức mạnh trong phạm vi hàng vạn dặm từ bờ biển của mình.
Để tăng vị thế trên toàn cầu, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải tách khỏi NATO mà đứng đầu là Mỹ. Trong ảnh: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Politico |
Cuộc nội chiến nổ ra ở Syria càng khiến ông Erdogan thêm hừng hực quyết tâm thể hiện tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vai trò mang tính bành trướng này thể hiện ở việc Ankara có quân đội đồn trú tại Qatar, vị thế hải quân ngày càng gia tăng ở Biển Đỏ, hậu thuẫn cho Chính phủ Libya chống các lực lượng của Khalifa Haftar được Saudi Arabia và UAE chống lưng và căn cứ quân sự ở nước ngoài lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ tại Somalia. Dù những điều này không thật sự đem lại hiệu quả, song cuộc nội chiến nổ ra ở Syria càng khiến ông Erdogan thêm hừng hực quyết tâm thể hiện tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tướng H.R. McMaster, từng là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, xem đây là sự thay đổi địa chính trị lớn nhất trong thời hậu Chiến tranh lạnh. Hồi tháng trước, ông từng chia sẻ rằng, dưới thời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ “muốn chứng kiến bản thân rời xa châu Âu và hiện diện ở Trung Đông nhiều hơn, ngả về phía Đông hơn để có thể thao túng tình hình phục vụ lợi ích riêng”.
Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông. Trong ảnh: Binh sĩ và xe thiết giáp chở quân Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang Syria. Ảnh: NBCNews |
Trong khi đó, chuyên gia bình luận Aaron Stein viết trên trang web chuyên về chính sách đối ngoại rằng Erdogan “dường như đang sử dụng vũ khí hạt nhân làm “bù nhìn rơm” để đưa ra tranh luận quy mô hơn về vị trí của Ankara trên thế giới, và những hệ thống của Mỹ và phương Tây mà Thổ Nhĩ Kỹ lâu nay vẫn gắn kết thiếu bình đẳng và cần phải thay đổi ra sao”.
“Đây không phải là quốc gia bắt cóc tống tiền. Đây là Thổ Nhĩ Kỳ”.
Đây cũng là chính sách mà Erdogan đã áp dụng khi than phiền về “các nhà đầu tư” phương Tây phá hoại nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi năm ngoái, khi đồng lira mất giá trên các thị trường quốc tế, ông nói rằng những kẻ âm mưu đảo chính thất bại đã tìm cách nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ qua kinh tế. Và trong mâu thuẫn giữa ông với chính quyền Trump về việc giam giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson, ông tuyên bố: “Đây không phải là quốc gia bắt cóc tống tiền. Đây là Thổ Nhĩ Kỳ”.
CNN cho rằng, ông Erdogan từ đầu đến cuối là một người theo đường hướng dân tộc chủ nghĩa. Đến nay nắm quyền đã 17 năm, quyền lực tầm trung trong một vòng tròn nhỏ quanh ông; chính sách đối ngoại của Ankara do ông dẫn dắt. Chúng có thể thay đổi tùy thuộc vào lợi ích chiến thuật. Nhưng về cơ bản, Erdogan xem thế giới là những cường quốc cạnh tranh - Mỹ, Trung Quốc, Nga - mà Thổ Nhĩ Kỳ cần phải ứng phó để phục vụ lợi ích của mình. Rõ ràng, điều này có nghĩa là “tách đôi” khỏi Washington.
Phải chăng Ankara đang dần xa rời Mỹ và xích lại gần Nga hơn. Ảnh minh họa: CNN |
Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại, phát biểu trên mạng xã hội Twitter hồi đầu tháng này, rằng Mỹ “đáng lẽ phải từ bỏ suy nghĩ” rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh từ lâu. “Mỹ nên rút mọi vũ khí hạt nhân, giảm phụ thuộc vào các cơ sở của Thổ Nhĩ Kỳ, và hạn chế chia sẻ tình báo cùng bán vũ khí. Cũng nên vạch ra những lằn ranh đỏ tại Syria”, ông viết.
Quan trọng hơn những lời lẽ khiêu khích về vũ khí hạt nhân trong bài phát biểu trước đám đông trung thành, ủng hộ là hình ảnh Tổng thống Erdogan và Putin hồi tháng 8 cùng thưởng thức món kem, trong khi tán dương máy bay chiến đấu Su-57 mới của Nga. Khi nhắc đến việc Mỹ đe dọa không bán F-35 cho Ankara, ông Erdogan quay sang Putin và hỏi: “Vậy giờ chúng tôi sẽ mua loại này?”.
Tạm kết, như chuyên gia Stein khẳng định, Ankara hiện sẽ không rời bỏ NATO, nhưng họ cũng sẽ không quay sang phía Đông. Thay vào đó, ban lãnh đạo hiện nay sẽ tìm cách phá vỡ những quy tắc hiện hành “ngáng đường” và muốn thay đổi chúng. Điều đó, có thể sẽ là kịch bản xấu hơn đối với Washington.