Thơ văn trên di tích Huế được đề cử là di sản ký ức thế giới

10/08/2012 16:06

Hệ thống thơ văn Hán - Nôm trang trí trên di tích Huế hết sức phong phú và đa dạng, với hơn 4.000 bài thơ, văn khắc trên các cung điện và văn bia tại khu vực Hoàng thành, các lăng vua và nhiều di tích khác của Huế…; trong đó, tập trung nhiều nhất ở điện Thái Hoà với gần 200 bài (kể cả những bài bị mất chữ và các đoạn 2 câu), tồn tại ở nhiều vị trí khác nhau đang được lập hồ sơ đăng ký để trở thành di sản ký ức thế giới

Hệ thống thơ văn Hán - Nôm trang trí trên di tích Huế hết sức phong phú và đa dạng, với hơn 4.000 bài thơ, văn khắc trên các cung điện và văn bia tại khu vực Hoàng thành, các lăng vua và nhiều di tích khác của Huế…; trong đó, tập trung nhiều nhất ở điện Thái Hoà với gần 200 bài (kể cả những bài bị mất chữ và các đoạn 2 câu), tồn tại ở nhiều vị trí khác nhau đang được lập hồ sơ đăng ký để trở thành di sản ký ức thế giới.



“Tuyên ngôn độc lập” thời Nguyễn khắc dưới bức hoành “Thái Hoà điện”.

"Nước ngàn năm văn hiến/Thống nhất muôn dặm xa. Tự Hồng Bàng mở cõi/Trời Nam vững sơn hà". Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế giải thích bài thơ tuyên ngôn này được các vua triều Nguyễn cho chạm khắc vào vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa (Đại Nội, Huế) - ngôi điện đặt chiếc ngai vàng biểu trưng quyền lực triều đại.

Nói đến hệ thống thơ văn Hán - Nôm trang trí trên di tích Huế không thể không nhắc đến "Thần kinh nhị thập cảnh", tức 20 thắng cảnh của đất Huế đã từng được vua Thiệu Trị xếp hạng và vịnh thơ hồi giữa thế kỷ XIX, gồm 7 thắng cảnh tự nhiên và 13 thắng cảnh nhân tạo hoặc là sự kết hợp giữa nhân tạo với tự nhiên như cảnh lầu Minh Viễn, vườn Thiệu Phương trong Tử Cấm Thành; cảnh hồ Tịnh Tâm, vườn Thư Quang trong Kinh thành Huế; cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân; cảnh biển Thuận An, cảnh sông Hương, núi Ngự Bình, chùa Thiên Mụ...

Đồng thời để tôn vinh "Thần kinh nhị thập cảnh", nhà vua đã cho in thành sách để minh họa, vẽ tranh trên gương để treo ở các cung điện, vẽ trên một số đồ sứ ký kiểu, cho khắc chùm thơ này vào bia đá, bảng đồng để dựng tác các thắng cảnh. Nhờ vậy, dù trải qua bao biến động "Thần kinh nhị thập cảnh" vẫn giữ lại được rất đáng kể.

Đối với các bức tranh gương, và các đồ sứ ký kiểu dưới thời vua Thiệu Trị, toàn bộ các bài thơ đều được gửi sang Trung Quốc để thực hiện. Hiện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn lưu giữ được ít nhất 5 bức vẽ "Thần kinh nhị thập cảnh" gồm: Trùng Minh Viễn Chiếu (cảnh lầu Minh Viễn trong Tử Cấm Thành Huế); bức "Vĩnh Thiệu Phương Văn" (cảnh vườn Thiệu Phương trong Tử Cấm Thành Huế; bức "Thiên Mụ Chung Thanh" (cảnh chùa Thiên Mụ); bức "Thương Mậu Quan Canh" (cảnh vườn Thường Mậu trong Kinh Thành Huế); bức "Cao Các Sinh Lương" (cảnh hồ Nội Kim Thủy trong Hoàng Thành Huế). Về các đồ sứ ký kiểu hiện còn độc nhất một chiếc đĩa sứ vẽ cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thuý Vân (có viết 4 câu thơ trong bài Vân Sơn Thắng Tích).

Từ năm 1997, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã cho sưu tầm và in thành sách cuốn "Thần kinh nhị thập cảnh" của các tác giả Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải và Nguyễn Phước Hải Trung - Thơ vua Thiệu Trị, do Nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản.

Hiện, hệ thống thơ văn Hán - Nôm trang trí trên di tích Huế và ẩm thực cung đình triều Nguyễn đang được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu và lập hồ sơ để đăng ký di sản ký ức thế giới vào năm 2015 theo khuyến nghị của UNESCO.


Theo(baotintuc)-T.N

Mới nhất

x
Thơ văn trên di tích Huế được đề cử là di sản ký ức thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO