Thỏa thuận hạt nhân Iran thổi bùng mâu thuẫn Israel – phương Tây

16/07/2015 11:05

(Baonghean.vn) - Trong lúc các nước phương Tây đồng loạt ca ngợi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này thì một số quốc gia đã lên tiếng phản đối dữ dội, tiêu biểu là Israel. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua đã lên tiếng chỉ trích thái độ này của Israel. Do đó, có thể nói thỏa thuận hạt nhân Iran đang có nguy cơ thổi bùng mâu thuẫn giữa Israel và phương Tây.

a
Ngoại trưởng Đức Steinmeier (Ảnh Reuters)

Ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được công bố, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ trích dữ dội thỏa thuận này và tuyên bố đây là “sai lầm lịch sử” và nhấn mạnh ông vẫn sẵn sàng can thiệp quân sự để ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Netanyahu cảnh báo với việc các biện pháp cấm vận được dỡ bỏ, Iran “sẽ nhận hàng trăm tỷ USD và dùng số tiền này để chạy cỗ máy khủng bố”. Trong khi đó, với thái độ bức xúc và những lời lẽ còn “nặng nề” hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon đã cho rằng các cường quốc “đầu hàng” trước Iran, rằng “Tehran bước vào bàn đàm phán với thế yếu, nhưng lại chiến thắng”. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên tiếng chỉ trích việc Israel phản đối thỏa thuận hạt nhân mà Iran và nhóm P5+1 vừa đạt được. Phản bác lại những tuyên bố của phía Israel, ông Steinmeier cho rằng, thỏa thuận hạt nhân lịch sử này sẽ đóng góp cho an ninh ở Trung Đông.

Có thể thấy, thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran với nhóm P5+1 bao gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Đức đang có nguy cơ khiến mối quan hệ giữa Israel và các cường quốc này trở nên căng thẳng do bất đồng quan điểm. Israel từ trước đến này vẫn giữ quan điểm phản đối việc “thỏa hiệp” giữa các cường quốc với Iran liên quan đến vấn đề hạt nhân, thay vào đó, Israel thường có thái độ cứng rắn, thậm chí Nhà nước Do Thái có chủ trương dùng sức mạnh quân sự để “tiêu diệt” các cơ sở hạt nhân của Iran.

Mối quan hệ bị tác động đầu tiên mà cộng đồng quốc tế chú ý đến đó là những “rạn nứt” của 2 đồng minh Mỹ - Israel sau thỏa thuận này. Trên thực tế, dù vẫn khẳng định sự bền chặt của mối quan hệ đồng minh chiến lược, song dư luận quốc tế đã từng chứng kiến không ít bất đồng giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Mới đây nhất, trong chuyến thăm theo lời mời của Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Israel Netanyahu đã chịu không ít lời chỉ trích từ Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố không tiếp ông Netanyahu trong chuyến thăm này. Có thể thấy sự khác biệt trong quan điểm giữa hai cơ quan hành pháp Mỹ và Israel. Đó là những bất đồng về vấn đề hạt nhân Iran, tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine, vấn đề Mỹ bán vũ khí cho các nước Arab vùng Vịnh...

Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama không giấu giếm ý định đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran đã không ít lần khiến Israel tức giận. Do đó, thỏa thuận lịch sử lần này sẽ tiếp tục chứng kiến những bất đồng quan điểm giữa Washington và Ten Aviv. Nhiều khả năng Israel sẽ không thừa nhận thỏa thuận hạt nhân Iran vừa qua, Nhà nước Do Thái sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách riêng của mình liên quan đến vấn đề này. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân với Iran được thông qua đã cho thấy, chính quyền Mỹ sẽ mạnh mẽ bảo vệ thỏa thuận hạt nhân này. Dù cho ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân với Iran được thông qua, Tổng thống Mỹ đã điện đàm với ông Netanyahu và nói rằng, thỏa thuận không làm Mỹ bớt lo ngại về việc Iran ủng hộ các nhóm quân nhân hồi giáo và mối de dọa từ Iran với Israel. Nhưng rõ ràng cả thông điệp hòa giải của ông Obama lẫn sự đảm bảo của Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước đó rằng Iran sẽ không bao giờ tìm kiếm vũ khí hạt nhân sẽ không thể khiến nhà lãnh đạo Israel yên lòng. Vì thế có thể xem, những tuyên bố cứng rắn của Israel vừa qua mới chỉ là sự khởi đầu cho những bất đồng quan điểm giữa hai đồng minh thân cận Mỹ - Israel liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran. Các nhà phân tích đánh giá mối quan hệ này còn có thể bị tác động do quá trình ấm lên của mối quan hệ Mỹ - Iran.

Với châu Âu, Israel đã khiến “lục địa già” mất đi nhiều thiện cảm trong vấn đề đàm phán hòa bình với người Palestine. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã gần như ngay lập tức “đáp trả” những chỉ trích của Israel về thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các cường quốc vừa đạt được với Iran. Trong năm ngoái, cả Quốc hội Anh và Pháp đều đã bỏ phiếu công nhận Nhà nước Palestine mặc cho Israel giận dữ. Điều này cho thấy, mối quan hệ giữa Nhà nước Do thái với các cường quốc châu Âu đã tương đối lạnh nhạt. EU đã không ít lần mâu thuẫn sâu sắc với Israel liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông. Do đó, mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong thời gian qua giữa Israel và châu Âu có thể sẽ tiếp tục bị khoét sâu sau thỏa thuận hạt nhân Iran lần này. Niềm vui của Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức cùng Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran đã cho thấy, lục địa già ủng hộ thỏa thuận này như thế nào. Do đó, nếu Israel vẫn bảo lưu quan điểm cứng rắn của mình sẽ dễ dẫn đến việc mâu thuẫn với châu Âu tăng cao.

Còn Nga và Trung Quốc, mặc dù quan hệ giữa Israel với hai cường quốc này không đến mức căng thẳng, nhưng do Israel là đồng minh thân cận của Mỹ nên không có nhiều sự “nồng ấm” trong quan hệ giữa Israel với Nga và Trung Quốc. Thực tế cho thấy, Nga và Trung Quốc thường ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran và các nước phương Tây. Vì thế, trong vấn đề hạt nhân Iran, sự bất đồng giữa Iran với hai cường quốc này đã có xuất phát điểm ngay từ khi vấn đề được mang ra đàm phán. Do đó, sau thỏa thuận này, có lẽ không có nhiều thay đổi để có thể tác động làm căng thẳng thêm trong quan hệ giữa Israel với Nga và Trung Quốc. Không có lý do gì mà Nga và Trung Quốc không hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và nhóm P5+1, còn Israel vẫn sẽ tiếp tục cứng rắn với Iran, và do đó, đây cũng là mâu thuẫn đáng kể không thể không nhắc tới giữa Israel với Nga và Trung Quốc.

Như vậy, những vấn đề nảy sinh sau khi Iran và các cường quốc trong nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Chỉ có Israel và một số ít quốc gia vùng Vịnh phản đối bởi đa số các quốc gia trên thế giới đều hoan nghênh thỏa thuận này. Tất nhiên, từ việc đạt được thỏa thuận đến việc các bên thực thi các biện pháp “hòa giải” còn cả một chặng đường dài khó khăn phía trước. Các bên sẽ còn nhiều việc phải làm để đảm bảo việc thực thi thỏa thuận nghiêm túc, qua đó khiến lòng tin giữa các bên được nâng lên. Do đó, việc Israel thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân Iran như vậy không chỉ khiến mối quan hệ giữa Nhà nước Do Thái với các cường quốc thế giới bị ảnh hưởng mà còn dẫn đến nguy cơ họ bị cộng đồng quốc tế cô lập. Có lẽ, Israel nên cùng với Mỹ và các cường quốc khác giám sát việc thực thi thỏa thuận của Iran thay vì tạo ra tranh cãi ngoại giao không đáng có với các cường quốc, thậm chí với chính đồng minh của mình./.

Nguyễn Cao Biền

TIN LIÊN QUAN

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Thỏa thuận hạt nhân Iran thổi bùng mâu thuẫn Israel – phương Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO