Thỏa thuận lịch sử Mỹ - Taliban: Chỉ để ông Trump 'ghi điểm'?

Thanh Huyền 02/03/2020 07:07

(Baonghean) - “Thỏa thuận lịch sử” do Mỹ và Taliban vừa ký kết mang lại thắng lợi chính trị cho Tổng thống Donald Trump và lực lượng vốn bị Washington coi là “tổ chức nguy hiểm” nhưng với tương lai hòa bình của Afghanistan, thỏa thuận này mới chỉ là bước đầu và còn cả một chặng đường dài khó khăn phía trước.

“Tấm vé” cho Mỹ rút

Ngày 29/2 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan khi Mỹ và lực lượng Taliban đặt bút ký thỏa thuận mở đường cho một tương lai mới ở Afghanistan. Bản thỏa thuận dài 4 trang nêu ra nhiều điều khoản được hai bên thống nhất trong đó có hai điểm đáng chú ý. Một là Mỹ sẽ rút toàn bộ binh sỹ tại Afghanistan trong vòng 14 tháng nếu Taliban đảm bảo không cho phép các nhóm chiến binh như al-Qaeda hoạt động ở Afghanistan đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh. Hai là thỏa thuận sẽ đặt nền móng cho các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan - được gọi là các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan - để thảo luận cách thức đình chiến, chia sẻ quyền lực với nhau. Cuộc đàm phán dự kiến sẽ diễn ra từ 10/3 tới.

Trưởng phái đoàn Mỹ Zalmay Khalilzad (trái) và ông Mullah Abdul Ghani Baradar, một lãnh đạo Taliban tại lễ ký thỏa thuận ở Doha Qatar hôm 29/2. Ảnh: AP
Trưởng phái đoàn Mỹ Zalmay Khalilzad (trái) và ông Mullah Abdul Ghani Baradar, một lãnh đạo Taliban tại lễ ký thỏa thuận ở Doha Qatar hôm 29/2. Ảnh: AP

Nhìn lại cuộc chiến kéo dài 18 năm vô cùng phức tạp với mối hận thù sâu sắc giữa Mỹ và Taliban, không ai nghĩ rằng hai bên lại có thể ngồi lại với nhau quanh bàn đàm phán và ký kết một thỏa thuận. Vì vậy, thỏa thuận vừa rồi được xem là “lịch sử” như cách gọi của giới chức Mỹ và báo chí phương Tây. Quả thật, với chính quyền ở Washington và cá nhân Tổng thống Donald Trump, thỏa thuận vừa rồi ký với Taliban mang lại một thắng lợi chính trị quan trọng.

Thỏa thuận được ký kết đúng vào thời điểm Tổng thống Trump đang khởi động chiến dịch tái tranh cử với mục tiêu sẽ tại vị ở Nhà Trắng thêm 4 năm nữa. Với thỏa thuận này, ông Trump đã thực hiện được lời hứa khi tranh cử là rút người Mỹ khỏi cuộc chiến kéo dài gần 18 năm ở Agghinistan làm gần 2.400 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và gây tốn kém gần 1.000 tỷ USD. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, thỏa thuận được các bên tuân thủ, ông Trump sẽ ghi được điểm cộng trong mắt cử tri vì đã đưa nước Mỹ rút khỏi “vũng lầy” của một cuộc chiến hao người tốn của.

Người dân Afghanistan ở Jalalabad tổ chức mừng thỏa thuận do Mỹ và Taliban ký kết. Ảnh: Reuters
Người dân Afghanistan ở Jalalabad tổ chức mừng thỏa thuận do Mỹ và Taliban ký kết. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận mà chính quyền Trump đã ký với Taliban không hơn gì một “tấm vé ra khỏi Afghanistan” cho quân đội Mỹ.

Thế nhưng, xét về cuộc chiến kéo dài 18 năm qua của Mỹ ở Afghanistan, không ít nhà quan sát cho rằng, thỏa thuận mà chính quyền Trump đã ký với Taliban không hơn gì một “tấm vé ra khỏi Afghanistan” cho quân đội Mỹ. Đó là “cái kết lặng lẽ” cho một cuộc xung đột được bắt đầu bằng những chiến dịch rầm rộ, những tuyên bố hùng hồn.

Mục tiêu của Mỹ và đồng minh năm 2001 là đánh đuổi quân Taliban và cả Al-Qaeda ra khỏi Afghanistan, rồi đưa phe đối lập lên cầm quyền, với sự hiện diện quân đội Mỹ ở đây với danh nghĩa đảm bảo an ninh cho Afghanistan. Tuy nhiên, sau 18 năm, cuối cùng Mỹ buộc phải chấp nhận sự hiện diện của Taliban trong đời sống chính trị Afghanistan. Một kết thúc mà nhiều người cho là “lạ thường”.

Ở phía bên kia, Taliban rõ ràng đã giành được một chiến thắng lớn, trước người Mỹ và với cả quốc tế. Việc Mỹ ngồi lại đàm phán và ký thỏa thuận với lực lượng này rõ ràng là bệ đỡ để Taliban chiếm được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và giành được tính chính danh. Nói cách khác, Taliban đã “đuổi được người Mỹ” dù không bằng thắng lợi quân sự đúng nghĩa và trở lại chính trường trong một tư thế đường hoàng.

Lâu nay, lực lượng này không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Afghanistan hiện tại, cáo buộc Kabul chỉ là “con rối của Mỹ và phương Tây”. Nay có được tính chính danh, Taliban sẽ có nhiều lựa chọn và tiếng nói hơn khi tham gia đàm phán trên trường quốc tế và tiến tới giành vị thế trong nỗ lực cạnh tranh quyền lực với chính quyền Kabul.

Một cuộc đàm phán giữa Mỹ với lực lượng Taliban tại Doha, Qatar. Ảnh: Al Jazeera

Con đường dài đến hòa bình…

Thỏa thuận Mỹ - Taliban vừa rồi với việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan không đồng nghĩa với hòa bình trở lại vùng đất này. Thực tế, thỏa thuận mới chỉ là bước đầu, mở ra cơ hội cho hòa bình nhen nhóm. Điều quan trọng là cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan sẽ diễn ra như thế nào, Taliban sẽ trở lại với vai trò gì trong đời sống chính trị xã hội của đất nước Nam Á này.

Nói cách khác, thỏa thuận vừa rồi có thành công hay không còn phụ thuộc vào hành động của phía Taliban. Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ “Chỉ khi nào Taliban tuân thủ các cam kết của thỏa thuận, Mỹ mới rút hết binh sĩ về nước. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ rút một phần trong tổng số 12.000 binh sĩ tại Afghanistan xuống còn 8.600 binh sĩ trong vòng vài tuần sau khi ký kết thỏa thuận. Kế hoạch rút tiếp số binh sĩ này sẽ phụ thuộc vào tiến trình chính trị ở Afghanistan, tương tự cách Mỹ rút quân khỏi Syria hồi năm ngoái nhưng ở quy mô lớn hơn.

Các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: EPA
Các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: EPA

Trong trường hợp, Taliban tấn công các lực lượng Mỹ ở Afghanistan hay các cuộc tấn công của các nhóm khủng bố hoạt động trở lại, thỏa thuận coi như thất bại. Một số nhà phê bình cho rằng, Taliban là một tổ chức có tính thống nhất thấp, với bộ máy tổ chức và phân chia quyền lực không rõ ràng. Chẳng có gì đảm bảo rằng thỏa thuận vừa rồi sẽ được tất cả giới chức Taliban tuân thủ hoàn toàn.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban không có sự hiện diện của chính quyền Afghanistan trong khi nó lại bàn đến vấn đề tương lai của quốc gia này.

Ngoài ra, cũng phải kể đến vai trò của chính quyền Kabul hiện tại. Thỏa thuận vừa rồi giữa Mỹ và Taliban không có sự hiện diện của chính quyền Afghanistan trong khi nó lại bàn đến vấn đề tương lai của quốc gia này. Tâm lý “bị gạt ra ngoài lề” cũng có thể ảnh hưởng đến sự thiện chí của chính quyền Kabul trong cuộc đàm phán nội bộ sắp tới với Taliban. Đó là chưa kể Kabul đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Bất ổn chính trị xung quanh chiến thắng gây nhiều tranh cãi của đương kim Tổng thống Ashraf Ghani trước đối thủ Abdullah Abdullah vẫn là đề tài “nóng” trên chính trường nước này.

Thêm nữa, tình trạng tham nhũng tràn lan tại Afghanistan vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện cũng khiến các vấn đề nghị sự gặp khó khăn. Một khi Mỹ rút quân khỏi đây, kèm theo những khoản viện trợ, Afghanistan sẽ khó lòng “xoay sở” trong quá trình tái thiết đất nước. Và như vậy, khả năng Taliban trở lại nắm quyền với những quan điểm hà khắc cũng sẽ là nỗi ám ảnh với người dân Afghanistan.

Cuộc xung đột Afghanistan đã kéo dài gần 2 thập niên, thủ đô Kabul cũng là nơi xảy ra các cuộc tấn công thường xuyên. Ảnh: Getty
Cuộc xung đột Afghanistan đã kéo dài gần 2 thập niên, thủ đô Kabul cũng là nơi xảy ra các cuộc tấn công thường xuyên. Ảnh: Getty

Với tất cả những khả năng như vậy, có thể nói, thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban vừa rồi là một dấu mốc đáng ghi nhận, một điều kiện cần nhưng chưa đủ để mang lại hòa bình cho Afghanistan. Chặng đường tiến tới hòa bình cho quốc gia Nam Á này vẫn còn không ít thách thức đòi hỏi các bên duy trì niềm tin và sự hợp tác chặt chẽ.

Mới nhất
x
Thỏa thuận lịch sử Mỹ - Taliban: Chỉ để ông Trump 'ghi điểm'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO