Thỏa thuận lịch sử Serbia - Kosovo có giúp Tổng thống Trump phản công?
(Baonghean.vn) - Sau 2 ngày đàm phán với vai trò trung gian hòa giải của Mỹ, Tổng thống Donald Trump cuối tuần qua chính thức công bố, Serbia và Kosovo đã nhất trí bình thường hóa quan hệ về kinh tế.
Đây được đánh giá là một thành tựu ngoại giao ấn tượng của ông Trump khi Mỹ đã làm được điều mà Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực trong gần 1 thập kỷ qua mà chưa thành công. Điều này càng có ý nghĩa với ông Trump khi cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ đang ngày càng gay cấn, đòi hỏi có nhiều hơn nữa sự ủng hộ của cử tri. Liệu “con bài Serbia - Kosovo” có thực sự đem lại lợi thế cho ông Donald Trump?
Vượt mặt EU
Ngay tại Phòng Bầu dục trong cuộc gặp với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti cuối tuần qua, Tổng thống Donald Trump chính thức thông báo: “Serbia và Kosovo đã cam kết bình thường hóa quan hệ kinh tế”. Ông Trump cũng tự ca ngợi đây là một thỏa thuận lịch sử, một “bước đột phá lớn” kể từ khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập và tách khỏi Serbia vào năm 2008.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) cùng Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (trái) và Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti (phải) ngày 4/9 tại Washington, Mỹ. Ảnh: AFP |
Không khó lý giải thái độ hân hoan của Tổng thống Donald Trump dù hai bên mới nhất trí bình thường hóa quan hệ về mặt kinh tế. Đặc phái viên của Mỹ về đàm phán Serbia - Kosovo, ông Richard Grenell mới được bổ nhiệm hồi cuối năm ngoái dường như vừa có một thành tích vượt cả mong đợi.
Cần nhắc lại, trước Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đã có tới gần 1 thập kỷ giữ vai trò trung gian hòa giải cho Serbia và Kosovo nhưng không thành công. Cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn chia rẽ trong việc công nhận vùng lãnh thổ Kosovo. Mỹ và hầu hết các quốc gia thành viên EU đã công nhận vùng lãnh thổ Kosovo, trong khi Nga và Trung Quốc phủ nhận chủ quyền của Kosovo. Chính vì thế trong một thời gian dài, tranh cãi về quy chế của vùng lãnh thổ này là một trong những nguyên nhân gây bất ổn ở khu vực Balkan.
Bởi vậy, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế vừa đạt được giữa Serbia và Kosovo như một “nước cờ” ấn tượng của Tổng thống Donald Trump với thông điệp rằng, Mỹ đã và vẫn đang có vai trò, uy tín trong các mối quan hệ quốc tế và các tiến trình đối thoại hòa bình giữa các nước. Trong bối cảnh chính quyền Washington vẫn đang bị chỉ trích về cách ứng xử dịch Covid-19 hay các vấn đề bất ổn xã hội, phân biệt chủng tộc rồi bị ứng viên Joe Biden dẫn trước, thành tích ngoại giao này có thể lấy lại phần nào sự ủng hộ của cử tri Mỹ cho đương kim Tổng thống Donald Trump. Về phần mình, khá bất ngờ với bước ghi điểm đột phá của đối thủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây đơn giản chỉ bình luận “đây là một điều tốt”, rằng “Kosovo nên là một quốc gia độc lập chứ không phải một phần của Serbia”.
Liên minh châu Âu đã không thành công trong vai trò trung gian hòa giải giữa Serbia và Kosovo. Ảnh: The Srpska Times |
Đi kèm với bất ngờ, ứng viên Biden và đội ngũ tranh cử của ông có lẽ cũng đang phải dè chừng những “đòn phản công” bất ngờ vào phút chót của ông Trump. Vì không chỉ bình thường hóa quan hệ kinh tế với Kosovo, Serbia còn cam kết chuyển sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem, trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên đặt đại sứ quán tại Jerusalem. Kosovo và Israel cũng đồng ý bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện này diễn ra sau thỏa thuận lịch sử bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đạt được hồi tháng trước. Các bước thắng lợi ngoại giao liên tiếp của chính quyền Tổng thống Trump có vẻ đang khiến không chỉ đối thủ mà cả dư luận quốc tế phải tò mò.
Thực chất hay hình thức?
Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien trong một tuyên bố nêu rõ, Mỹ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Serbia và Kosovo. Đại diện cả hai bên cũng đã bày tỏ kỳ vọng thỏa thuận này sẽ mở ra một giai đoạn mới, những hợp tác thực chất hướng tới một khu kinh tế thống nhất ở toàn bộ Tây Balkan, tạo thêm việc làm, khuyến khích đầu tư... Văn bản cũng bao gồm một số thỏa thuận về hợp tác đường sắt hay chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên giữa Pristina và Belgrade - thủ đô của hai bên sau 21 năm. Thủ tướng Kosovo Hoti cũng đặc biệt tin tưởng, thỏa thuận lần này sẽ là một bước tiến gần hơn tới việc bình thường hóa quan hệ với Serbia, trên cơ sở tôn trọng và công nhận lẫn nhau.
Tuy nhiên theo nhiều nhà quan sát, dường như thỏa thuận vừa đạt được mới dừng ở mức tượng trưng, có ý nghĩa nối lại đàm phán chứ chưa có nhiều các điều khoản thực chất về hợp tác kinh tế giữa hai bên. Đó là chưa kể, trái với kỳ vọng lớn của Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti về một sự “công nhận lẫn nhau” trong tương lai, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic lại không nghĩ như vậy! Ông Vucic trong cuộc trả lời phỏng vấn ngay bên lề các cuộc hội đàm vừa qua đã khẳng định, Serbia sẽ không chấp nhận việc công nhận Kosovo. Và rằng, các thỏa thuận đã ký cũng không hề xuất hiện điều khoản nào gọi là “công nhận lẫn nhau”.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (phải) và Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti. Ảnh: Reuters - AFP |
Chưa hết, có một chi tiết mà Tổng thống Vucic lưu ý, đó là nước này đã ký một thỏa thuận song phương với Mỹ và phía Kosovo cũng vậy, chứ không phải cả hai cùng ký vào một văn bản thỏa thuận chung. Tuyên bố này nhằm phản bác lại những hoài nghi cho rằng, tiếp nối thỏa thuận kinh tế sẽ đồng nghĩa chấp nhận lộ trình công nhận vùng lãnh thổ Kosovo là một quốc gia độc lập. Theo giới quan sát, thực tế chính phủ Serbia từ chỗ kiên quyết không công nhận Kosovo là quốc gia có chủ quyền, nay bắt đầu bình thường hóa quan hệ dù mới chỉ là kinh tế với chính quyền Kosovo, chắc hẳn đã nhận được những “trao đổi có lợi”. Chẳng hạn là những tài trợ khổng lồ về kinh tế hay lớn hơn là mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU) mà nước này vẫn đang ấp ủ.
Trong khi đó với nhà trung gian hòa giải Donald Trump, tính toán ghi điểm cử tri là vậy nhưng có ý kiến cho rằng, thực tế, các vấn đề đối ngoại như quan hệ Serbia - Kosovo không phải là những tin tức trên trang nhất được chú ý ở Mỹ. Cũng có nghĩa, các thành tựu ngoại giao của ông Trump dù có xuất chúng và bất ngờ đến đâu cũng chưa chắc đã tác động nhiều đến thái độ cử tri từ nay cho đến ngày 3/11. Bởi với người dân Mỹ, việc làm, sức khỏe, an sinh xã hội và các vấn đề đối nội khác..., mới là mối quan tâm hàng đầu.
Nên dù là thực chất hay chỉ là hình thức, việc ông Trump có thể thu hút thêm sự ủng hộ của người dân Mỹ với “thỏa thuận Serbia - Kosovo” hay không, vẫn sẽ cần có thời gian. Đó là chưa nói đến việc các khúc mắc chính trị dai dẳng giữa Serbia và Kosovo sẽ không dễ dàng bị bỏ qua vì một sức ép hay mặc cả nào đó của các ông lớn bên ngoài!./.