(Baonghean) - Năm 2014, kinh tế Việt Nam đạt những thành tựu nổi bật. Tốc độ tăng trưởng đạt 5,98%, là năm đầu tiên trong nhiệm kỳ này chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ổn định và được củng cố vững chắc hơn, lạm phát thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra (dưới 5%). Thị trường tài chính tiền tệ ổn định hơn, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng đều giảm mạnh, nguồn dự trữ ngoại tệ tăng hơn trước. Giá trị xuất, nhập khẩu đạt gần 300 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn mức kế hoạch đặt ra, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đạt những tiến bộ đáng kể.
Năm 2015 được đánh giá là năm có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế, với chỉ tiêu tăng trưởng 6,2%, lạm phát được kiềm chế dưới mức 5%; nhưng cũng là năm thời cơ đi liền với thách thức. Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc sẽ được ký vào đầu năm nay không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hợp tác thương mại song phương, hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 70 tỷ USD vào năm 2020, mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước lên một tầm cao mới. Năm 2015, Việt Nam đồng thời tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao với sự tham gia của các cường quốc và các khối kinh tế lớn: Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản, Úc. Việt Nam và liên minh thuế quan Nga - Kazakhstan - Belarus cũng đã hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (đàm phán FTA). Năm 2015 cũng là năm Việt Nam chính thức tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN. Những sự kiện hội nhập kinh tế quốc tế quan trọng đó sẽ tạo môi trường thông thoáng và động lực mạnh mẽ cho kinh tế Việt Nam phát triển.
Về môi trường đầu tư kinh doanh trong nước, năm 2015 có nhiều bộ luật được ban hành và có hiệu lực: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý và Sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Phá sản… Tất cả các luật này đều tiếp cận đối tượng điều chỉnh theo hướng tích cực, hiện đại nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Trên cơ sở những bộ luật này, các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và người dân trong hoạt động kinh tế cũng được cải tiến mạnh mẽ, nhất là các thủ tục hành chính thuế. Chính phủ đã cam kết đưa mức môi trường đầu tư của Việt Nam ngang với mức bình quân của các nước ASEAN (Asean 6), nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, năng lượng.
Bên cạnh những thời cơ thuận lợi trên đây, năm 2015 kinh tế Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn thách thức không nhỏ. Cân đối vĩ mô vẫn còn rất khó khăn, nhất là về thu ngân sách trong điều kiện nợ công đã gần chạm trần và giá dầu thô thế giới giảm sâu kéo dài. Về cân đối thu chi ngân sách, nếu cơ cấu hợp lý thì chi thường xuyên khoảng 50%, chi cho đầu tư khoảng 25 - 30%, còn lại 15 - 20 % chi cho trả nợ. Nhưng theo cân đối ngân sách năm 2014 thì chi cho bộ máy, con người và các khoản chi thường xuyên khác đã chiếm tới 67%, còn lại chi cho đầu tư, phần chi cho trả nợ rất ít. Kết thúc nhiệm kỳ 2006 - 2010, nợ công vào khoảng hơn 40%, theo dự báo của Chính phủ thì nợ công sẽ là 64% vào cuối năm 2015, như vậy trong vòng 5 năm nợ công đã tăng gần 25%, là tốc độ tăng nợ công rất đáng lo ngại. Để xử lý nợ công, Chính phủ phải vay nợ để đảo nợ khá nhiều. Nợ xấu trong các ngân hàng vẫn còn cao, xử lý còn chậm và chưa thực sự hiệu quả.
Một thách thức lớn hiện nay là các doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Năm 2014, có hơn 213.000 doanh nghiệp đã báo là không có doanh thu và không có hoạt động phát sinh thuế trong năm. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế thì hiện nay số doanh nghiệp hoạt động có thu nhập để nộp thuế chỉ có khoảng 30%. Chính phủ đã đề ra mục tiêu trong năm 2015 hoàn tất tái cơ cấu 500 doanh nghiệp nhà nước. Nhưng để đạt mục tiêu này có rất nhiều khó khăn bởi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không thể chạy theo số lượng, mà phải đảm bảo chất lượng để sau khi tái cơ cấu, các doanh nghiệp nhà nước thực sự chuyển đổi hình thức sở hữu, hoạt động có hiệu quả.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng, Nhà nước chỉ có thể thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô toàn bộ nền kinh tế, không thể can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính hoặc bảo hộ cho doanh nghiệp hoạt động. Để tranh thủ thời cơ và vượt qua thách thức, từ doanh nghiệp đến người dân đều phải phát huy tinh thần tự lực tự cường, chủ động sáng tạo để có những giải pháp căn cơ trong phát triển kinh tế.
TRẦN HỒNG CƠ