'Thời điểm vàng' của truyền thông dân số ở Nghệ An

Mỹ Hà 23/11/2021 10:24

(Baonghean.vn) - Tháng 10, 11 là những tháng sôi động của những người làm dân số với rất nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa hướng về cơ sở. Đây cũng là “thời điểm vàng” để ngành tiếp tục thực hiện các chương trình truyền thông sau một thời gian dài phải gián đoạn vì dịch Covid-19.

Đẩy mạnh truyền thông

Hội thi "Phụ nữ với công tác dân số trong tình hình mới" là buổi truyền thông lồng ghép mới nhất vừa được Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Chương tổ chức.

Tham dự hội thi có đại diện đến từ các xã Thanh Liên, Thanh Lĩnh và thị trấn Thanh Chương với nhiều vòng thi thú vị và bổ ích như: Phần thi kiến thức với chủ đề “Thấu hiểu và chia sẻ”; phần thi tài năng, sáng tạo với chủ đề “Trọn niềm hạnh phúc” và phần cổ động viên cùng tham gia với chủ đề “Gắn kết yêu thương - thắm tình đoàn kết”. Nội dung các câu hỏi xoay quanh vấn đề về chính sách Dân số - KHHGĐ; chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe vị thành niên; các biện pháp tránh thai; xây dựng hạnh phúc gia đình…

Hội thi "Phụ nữ với công tác dân số trong tình hình mới". Ảnh: Công Kiên

Ấn tượng của cuộc thi còn là những tiểu phẩm với các câu chuyện đời thường về thực trạng sinh con thứ 3, trọng nam, khinh nữ, đề cao tình cảm gia đình, tình quê hương, làng xóm. Qua những câu chuyện này, cũng nhắc nhở mỗi người dân, mỗi gia đình về việc thực hiện đúng quy định về chính sách dân số để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

“Hãy lắng nghe, cùng chia sẻ” là chủ đề của buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên do Chi cục Dân số - KHHGĐ tổ chức tại Trường THCS Kỳ Tân. Buổi truyền thông chỉ diễn ra trong khoảng thời gian hơn 1 tiếng đồng hồ nhưng đã kịp thời mang đến cho học sinh những kiến thức bổ ích về những thay đổi quan trọng trong độ tuổi vị thành niên, cách chăm sóc và bảo vệ bản thân trong độ tuổi dậy thì tránh các hành vi xâm hại tình dục, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn...

Cuộc thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về SKSS. Ảnh: Đức Anh
Cuộc thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về SKSS. Ảnh: Đức Anh

Việc trang bị những kỹ năng sống cơ bản này cũng là hành trang cho học sinh bước vào đời một cách an toàn và lành mạnh, nâng cao kỹ năng hoạt động xã hội, có những hành vi ứng xử văn hóa. Cùng với những nội dung tương tự, thời gian vừa qua, chương trình truyền thông về chăm sóc SKSS cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên cũng đã đến với nhiều trường học khác trên địa bàn các huyện như Thanh Chương, Nghi Lộc, Đô Lương và thị xã Cửa Lò.

Ông Nguyễn Hữu Quang - Trưởng phòng Truyền thông – Dân số (Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh) cho biết: Dịch bệnh kéo dài trong nhiều tháng khiến cho hoạt động truyền thông dân số gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, tranh thủ “thời điểm vàng”, từ đầu tháng 10 đến nay, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc truyền thông đến với nhiều đối tượng như: Truyền thông về vấn đề chăm sóc SKSS như học sinh, “Chương trình truyền thông về chính sách dân số và phát triển trong tình hình mới”, “Truyền thông tư vấn cộng đồng về Dân số - CSSKSS góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc” cho người dân ở nhiều huyện, thành, thị.

Việc truyền thông trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều khó khăn hơn như phải tổ chức với quy mô nhỏ, đảm bảo nghiêm túc các quy định phòng dịch nhưng hiệu quả mang lại thì rất lớn và được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng.

Cung cấp dịch vụ đến nhiều đối tượng

Từ giữa tháng 11 đến nay, chuỗi hoạt động truyền thông gắn với cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cũng đã được ngành Dân số phối hợp với các Trung tâm Y tế của các huyện Con Cuông, Anh Sơn tổ chức cho hơn 700 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn xã Mậu Đức, Thạch Ngàn (Con Cuông), Cao Sơn, Lạng Sơn (Anh Sơn).

Người dân huyện Kỳ Sơn tham gia chương trình cung cấp dịch vụ SKSSKHHGĐ. Ảnh: Thái Tuyết.
Người dân huyện Kỳ Sơn tham gia chương trình cung cấp dịch vụ SKSSKHHGĐ. Ảnh: Thái Tuyết

Đây đều là những xã thuộc vùng sâu, vùng xa khó khăn có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm khá cao. Trong những năm qua, vì điều kiện đi lại không thuận lợi, nhận thức của người dân vẫn còn nhiều hạn chế nên việc CSSKSS/KHHGĐ chưa được quan tâm và chú trọng.

Với mục tiêu chính là đem dịch vụ đến tận cơ sở, chương trình truyền thông gắn với cung cấp dịch vụ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tư vấn, khám phụ khoa, siêu âm cổ tử cung, nội soi CTC, đặt dụng cụ tử cung, cấp thuốc điều trị viêm nhiễm phụ khoa, thuốc tránh thai và bao cao su miễn phí cho đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, các chị em tham gia chiến dịch còn được cán bộ y tế tư vấn cách phòng, chữa trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, CSSKSS.

Vượt gần 300 cây số, những người làm công tác dân số cũng đã lên với chị em người dân tộc thiểu số ở địa bàn xã Mỹ Lý và Bắc Lý (Kỳ Sơn). Buổi tư vấn cũng thực sự là ngày hội với người dân nơi đây, bởi ở nơi vùng cao, xa xôi này việc được tiếp cận với máy siêu âm và các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ là điều rất ít khi được thực hiện.

Qua các buổi thăm khám, tư vấn của các y, bác sỹ và cán bộ dân số cũng đã giúp bà con rất nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản, về việc phòng tránh thai hay là những mặt trái của việc tảo hôn.

Chương trình truyền thông. Ảnh - PV
Tư vấn cho người dân kiến thức về sức khỏe sinh sản. Ảnh: Thái Tuyết

Bà Thái Thị Tuyến - Trưởng phòng KHHGĐ (Chi cục Dân số - KHHGĐ) cho biết: “Dù điều kiện khó khăn nhưng năm nay chúng tôi vẫn cố gắng để đưa dịch vụ đến với những vùng đặc thù, khó khăn, bởi đây là những địa bàn xa trung tâm, không có điều kiện để người dân hưởng thụ những dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chúng tôi cũng hy vọng, sau những buổi tư vấn, cung cấp dịch vụ này người dân được nâng cao nhận thức để từ đó có ý thức chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân và nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội về việc thực hiện chính sách Dân số - KKHGĐ”.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức được 15 buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, 23 buổi truyền thông, tư vấn cộng đồng CSSKSS góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc; Truyền thông về dân số và phát triển, nâng cao chất lượng dân số... Ngoài ra, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành, thị; BCĐ công tác dân số các xã, phường, CTV các khối, xóm đã tổ chức hàng nghìn cuộc hội nghị, các buổi truyền thông lồng ghép, các lần thăm hộ gia đình...

Bên cạnh đó, Chi cục Dân số - KHHGĐ tổ chức được 45 cuộc tuyên truyền, tư vấn chăm sóc SKSS, phòng, chống xâm hại tình dục cho học sinh tại các trường THPT, THCS dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa, truyền thông tư vấn trực tiếp, giao lưu, trao đổi những băn khoăn, thắc mắc của các em học sinh về các vấn đề liên quan đến SKSS vị thành niên, thanh niên, thu hút sự tham gia của hơn 28.000 học sinh tại các huyện: Quế Phong, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa, thành phố Vinh… Việc đổi mới và đa dạng các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ cũng là nỗ lực của ngành sau một thời gian dài nhiều hoạt động dân số dường như bị ngừng trệ do tác động của dịch Covid – 19.

Ông Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An trao giải Nhất cho thí sinh đạt giải tại cuộc thu Rung chuông vàng. Ảnh: Đức Anh
Ông Nguyễn Bá Tân – Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An trao giải Nhất cho thí sinh đạt giải tại cuộc thu Rung chuông vàng. Ảnh: Đức Anh

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An khẳng định: “Truyền thông luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác dân số thời kỳ mới - thời kỳ Dân số và Phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc triển khai với hình thức nào và hướng đến đối tượng nào cần phải cân nhắc và với ngành Dân số Nghệ An chúng tôi ưu tiên đến những vùng khó khăn với những người phụ nữ yếu thế, dễ bị tổn thương hoặc đến với đối tượng học sinh, bởi ở độ tuổi này các em đang tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu những kiến thức cơ bản về SKSS vị thành niên, thanh niên”.

Mới nhất

x
'Thời điểm vàng' của truyền thông dân số ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO