Thời gian tham gia chiến trường B,C,K có được tính để nhận phụ cấp khu vực khi nghỉ hưu?
- Ông Hoàng Phú Điền và một số cựu chiến binh về nghỉ hưu tại huyện Hưng Nguyên có thư gửi Báo Nghệ An: Các ông là cựu chiến binh tham gia chiến đấu, hoạt động ở các chiến trường B, C, K thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nay đã chuyển ngành và đã nghỉ hưu, có được hưởng chế độ, nếu được thì cơ quan nào giải quyết theo Nghị định 122/2008/NĐ-CP ngày 04/12/2008 của Chính phủ và Thông tư số 03/2009 ngày 22/1/2009 của Bộ Lao động TBXH hướng dẫn Nghị định (Điểm b, Mục II, a,b) có nêu: “ Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân, thuộc diện đối tượng được hưởng theo Nghị định này..”.
Trả lời:
Nghị định số 122/2008/NĐ-CP ngày 04/12/2008 tại Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh đã quy định: “Nghị định này quy định về phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội 1 lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng”.
Tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định nêu: “Người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH 1 lần kể từ ngày 01/01/2007 trở đi, mà trước đó đã có thời gian đóng BHXH bao gồm phụ cấp khu vực, thì ngoài hưởng lương hưu hoặc BHXH 1 lần theo quy định còn được hưởng trợ cấp 1 lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng BHXH”. Đồng thời, tại Khoản 2 quy định: “Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày 01/01/2007, cư trú tại nơi có phụ cấp khu vực được hưởng phụ cấp khu vực theo mức hiện hưởng (không điều chỉnh theo mức lương tối thiểu chung) cho đến khi có quy định mới của Chính phủ”.
Như vậy, có thể hiểu, những đối tượng theo quy định có thời gian công tác ở vùng có phụ cấp khu vực (miền núi, vùng đặc biệt khó khăn khác…), nay về hưu, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động (khi đang công tác phải đóng BHXH bao gồm cả phụ cấp khu vực thì nay nghỉ hưu phải được hưởng trợ cấp) nên Chính phủ quy định hỗ trợ theo hướng ngoài khoản lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà người hưu trí nhận hàng tháng, khi về hưu còn được hưởng trợ cấp 1 lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng BHXH.
Thông tư số 03/2009 của Bộ LĐ - TB & XH hướng dẫn thi hành Nghị định 122/2008/NĐ-CP nêu: Hạ sỹ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân thuộc diện đối tượng được hưởng Nghị định này là quy định cho đối tượng sau khi chuyển ngành hoặc hạ sỹ quan, chiến sỹ quân đội, công an sau này công tác tại vùng khó khăn được hưởng phụ cấp khu vực thì khi về hưu được hưởng trợ cấp 1 lần cùng với lương hưu hàng tháng. Theo chúng tôi hướng dẫn này không bao hàm thời gian các cựu chiến binh chiến đấu ở các chiến trường B, C, K trong kháng chiến chống Mỹ, vì thời gian này chưa có chế độ đóng BHXH (chỉ quy đổi thời gian công tác từ năm 1995 lại đây theo Nghị định 12/CP quy định về chế độ BHXH) và càng không có mức phụ cấp khu vực phải đóng BHXH. Bên cạnh đó, theo quy định của Chính phủ, khi chuyển ngành, phục viên, dù ít nhưng các quân nhân đã được giải quyết một số chế độ chính sách nên nay không được tính để hưởng trợ cấp 1 lần và phụ cấp khu vực. Để có câu trả lời cụ thể và chi tiết hơn, đề nghị các ông liên lạc với BHXH huyện hoặc Phòng Chế độ chính sách BHXH tỉnh để được phúc đáp.
- Cán bộ doanh nghiệp nguyên là quân nhân chuyển ngành, hiện đang công tác tại một doanh nghiệp nhà nước tại TP Vinh, hiện nay, doanh nghiệp khó khăn và chuyển đổi cơ chế nên muốn xin nghỉ thôi việc. Tuy nhiên, khi kê khai hồ sơ, thời gian phục vụ trong quân đội của cá nhân không được doanh nghiệp hiện tại tính để trả trợ cấp thôi việc? Việc làm trên đúng hay sai?
Trả lời:
Theo Khoản 1, Điều 42 Bộ luật Lao động quy định: Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương cộng phụ cấp lương (nếu có). Như vậy, từ thời điểm chuyển ngành sang làm việc tại doanh nghiệp đến khi chấm dứt hợp đồng thì doanh nghiệp có trách nhiệm giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc đối với thời gian thực tế ông làm việc tại doanh nghiệp.
Theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, điều 14, Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động thì trường hợp người lao động trước khi làm việc cho doanh nghiệp nhà nước đã có thời gian làm việc ở các đơn vị khác thuộc khu vực nhà nước nhưng chưa được trợ cấp thôi việc thì doanh nghiệp nơi người lao động chấm dứt hợp đồng có trách nhiệm chi trả cho người lao động đó theo quy định của pháp luật.
Theo Quyết định số 178/CP ngày 20/7/1974 của Chính phủ về việc sửa đổi chính sách đối với quân nhân chuyển ngành và phục việc đối với thời gian phục vụ trong quân đội, các đơn vị giải quyết một số chế độ với quân nhân và phục viện, thì thời gian phục vụ trong quân đội không được tính là thời gian để trả trợ cấp thôi việc theo Khoản 1, Điều 42 Bộ luật Lao động.
Nguyễn Hải