Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

21/08/2012 18:59

(Baonghean.vn) - Chiều nay 21/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến để chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Tham dự tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Phạm Văn Tấn - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An, cùng đại diện một số ngân hàng thương mại trên địa bàn.



Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Nghệ An

Tại phiên chất vấn, ba nhóm nội dung chính được các đại biểu tập trung chất vấn: Các giải pháp xử lý nợ xấu và việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; Vấn đề thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo báo cáo cuả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ năm 2008 đến nay, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh, đến ngày 31/3/2012, nợ xấu là 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ, Trong đó, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước 125,8 nghìn tỷ đồng, của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần 60,9 nghìn tỷ đồng.

Để xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động cho vay, không cho vay mới để trả nợ cũ với mục đích che dấu nợ cũ; cơ cấu lại nợ một cách hợp lý để giảm khó khăn tài chính cho DN; rà soát hoàn thiện các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro phù hợp. Về phía các tổ chức tín dụng đã chủ động phối hợp với các khách hàng để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất hợp lý cho khách hàng; tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định, xử lý các tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu để thu hồi vốn …

Thời gian qua, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VNĐ của các tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với khách hàng có hoạt động sản xuất sản xuất kinh doanh theo chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt; Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản cho vay trước đây về mức tối đa 15%/ năm.

Tại phiên chất vấn, có 35 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 15 đại biểu Quốc hội được hỏi trực tiếp, 38 câu hỏi đặt ra cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã lần lượt trả lời rõ ràng, bám sát các câu hỏi của đại biểu nêu ra; Thống đốc cũng thẳng thắn, nghiêm túc nhận trách nhiệm về những thiếu sót, hạn chế của Ngân hàng Nhà nước cũng như hoạt động của ngân hàng nói chung trong thời gian qua; đồng thời bày tỏ sự quyết tâm sẽ hạn chế nợ xấu cũ, không gia tăng nợ xấu mới. Đồng chí cũng đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục quan tâm hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn để thức đẩy sản xuất kinh doanh, khơi thông thị trường tiêu thụ. Về vấn đề cơ cấu lại tổ chức các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung xử lý các ngân hàng TMCP yếu kém; đề ra nhiều giải pháp thiết thực để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như mục tiêu đề ra.

Kết luận tại phiên họp, thay mặt UBTV Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Chủ tịch Quốc Hội, nhấn mạnh: Qua phiên chất vấn này đã cung cấp thêm nhiều thông tin cho đại biểu Quốc hội và cử tri biết và tăng niềm tin của nhân dân với ngành ngân hàng. Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp và lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ tín dụng ngoài tầm kiểm soát. Từng bước nâng cao năng lực tài chính quản trị và điều hành để phát triển hệ thống lành mạnh, an toàn, hiệu quả. Tiếp tục điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho nông dân và các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp. Tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Đề nghị Thống đốc theo dõi sát lĩnh vực chính sách tiền tệ tín dụng để điều chỉnh phù hợp, bảo đảm tăng dư nợ tín dụng hợp lý để vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, vừa kiềm chế lạm phát. Khẩn trương đánh giá thực trạng nợ xấu, phân tích tình hình chuyển động của từng loại nợ xấu để triển khai các biện pháp giải quyết xử lý nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém, có lộ trình và có thời gian phù hợp…


Quỳnh Lan

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO