Thống nhất giải quyết tranh chấp địa giới hành chính giữa 2 xã Lưu Kiền và Nậm Càn
(Baonghean.vn)- Giải quyết dứt điểm, thấu đáo mâu thuẫn, tranh chấp trong sử dụng đất giữa xã Lưu Kiền (Tương Dương) và Nậm Càn (Kỳ Sơn) đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý địa giới hành chính của các cấp chính quyền một cách thống nhất, hiệu quả - Đó là ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo dự án 513 của tỉnh tại Hội nghị hiệp thương giải quyết tranh chấp địa giới hành chính diễn ra vào chiều 25/9.
Toàn cảnh hội nghị hiệp thương. Ảnh: K.L |
Chiều 25/9, tại thành phố Vinh, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo dự án 513 của tỉnh tổ chức cuộc làm việc nhằm hiệp thương giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) và Lưu Kiền ( Tương Dương). Các đồng chí: Đậu Văn Thanh - Giám đốc; Lê Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các phòng ban của 2 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, các ngành và xã liên quan. |
Theo báo cáo, hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương có 5 điểm tranh chấp, trong đó chính quyền hai bên đã chủ động tự hiệp thương, giải quyết thành công 4 điểm. Hiện tại còn một điểm giữa xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) với Lưu Kiền ( Tương Dương) xảy ra tranh chấp đã nhiều năm. Và hai bên đã từng tổ chức hiệp thương, giải quyết nhiều lần nhưng vẫn chưa thống nhất.
Phía xã Lưu Kiền (Tương Dương) đề nghị đường địa giới giữa 02 xã giữ nguyên theo bản đồ 364 với lý do từ trước đến nay đã có 02 lần xã Lưu Kiền điều chỉnh đường địa giới hành chính cho xã Nậm Càn.
Các nương rẫy do đồng bào Mông, sống tại bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn sản xuất. Ảnh tư liệu |
Cụ thể trước đây đã có 02 lần xã Lưu Kiền có 06 km đường biên giới với nước bạn Lào. Năm 1989, điều chỉnh ĐGHC cho xã Nậm Càn thì Lưu Kiền trở thành xã không có đường biên giới với nước bạn Lào.
Năm 1990, thực hiện Chỉ thị 364/CT của Hội đồng Bộ trưởng ( nay là Thủ Tướng Chính phủ) tiếp tục điều chỉnh đường ĐGHC từ khe Pá Niệc dịch xuống đi theo đường thủy Suối Niệc được thể hiện ở bản đồ 364/CT. Diện tích tự nhiên xã Lưu Kiền bị thu hẹp lại còn 13.973,34 ha, có 934 hộ, 4.019 khẩu. Trong khi xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) có 14.000 ha nhưng dân số chỉ 2.000 khẩu.
Cũng theo lãnh đạo huyện Tương Dương, từ năm 2012, do mở tuyến đường Phà Lõm, xã Tam Hợp- Nậm Càn (Kỳ Sơn) đã có một số hộ dân bản Phà Lõm, xã Tam Hợp và bản Nậm Khiên ( xã Nậm Càn) đến xâm canh, xâm hại đến rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.
Cụ thể, về tổng số vạt rẫy xâm canh phát hiện là 30 vạt với diện tích: 24,70 ha, gồm diện tích có rừng là 2,9ha, diện tích không có rừng là 21,8ha, thuộc lô 11,13 khoảnh 6, lô 4,8 khoảnh 7, lô 9 khoảnh 11 tiểu khu 618; lô 19 khoảnh 1, lô 5 khoảnh 2, lô 2 khoảnh 3 tiểu khu 617 và lô 17 khoảnh 16 tiểu khu 625. Trong đó nằm trong phần rừng phòng hộ huyện Tương Dương quản lý là 27 vạt với diện tích 22.80 ha |
Về phía xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) đề nghị điều chỉnh đường địa giới giữa 02 xã theo thực tế thực trạng sản xuất lâu nay do có sự chênh lệch quá lớn giữa thực trạng sản xuất, làm ăn lâu đời của người dân bản Nậm Càn so với bản đồ 364 (diện tích chênh lệch là 3.120 ha theo số liệu của Tổng cục bản đồ Việt Nam) và hiện tại có khoảng 55 hộ dân đang sản xuất trên phần diện tích tranh chấp với xã Lưu Kiền (Tương Dương).
Lãnh đạo xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) thuyết trình phần đất sản xuất của người dân trên bản đồ. Ảnh: K.L |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở Nội vụ tại buổi làm việc giữa 02 huyện, các ngành và các xã liên quan vào ngày 1/6/2017, 02 huyện Kỳ Sơn -Tương Dương và 2 xã Lưu Kiền, Nậm Càn đã phối hợp kiểm tra đi thực địa nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất hướng xử lý.
Tại hội nghị hiệp thương, sau khi nghe đại diện cơ quan tư vấn đã báo cáo kết quả đo vẽ trên bản đồ ĐGHC theo 364, lãnh đạo xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) giữ nguyên quan điểm điều chỉnh địa giới giữa 02 xã theo thực tế thực trạng sản xuất là hơn 3.000 ha về cho Nậm Càn quản lý. Vì nguyện vọng của người dân Nậm Càn là giữ nguyên đất sản xuất để phục vụ cuộc sống, bởi thực tế lâu nay bà con vẫn đang sản xuất bình thường, không có vấn đề gì liên quan đến an ninh trật tự.
Lãnh đạo xã Lưu Kiền (Tương Dương) đề nghị giữ nguyên địa giới hành chính theo bản đồ 364. Ảnh: K.L |
Phía lãnh đạo xã Lưu Kiền (Tương Dương) bảo lưu ý kiến giữ nguyên đường địa giới hành chính theo 364 vì cho rằng " xã đã nhường cho phía Nậm Càn nhiều lần và việc xâm canh của các hộ dân Nậm Càn sang diện tích đất của Lưu Kiền ảnh hưởng đến công tác quản lý của địa phương".
Đại diện sở Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến: nên giữ nguyên đường địa giới hành chính theo bản đồ 364 chỉ nên xử lý, điều chỉnh phần diện tích 55 hộ dân Nậm Càn đang canh tác trên đất rừng phòng hộ Tương Dương. Vì điều chỉnh sẽ rất tốn kém và trên thực tế lâu nay phần đất người dân canh tác không xảy ra tranh chấp.
Trên cơ sở lấy sự ổn định đời sống, sản xuất của người dân và thuận lợi cho công tác quản lý địa giới hành chính của các cấp chính quyền một cách thống nhất, hiệu quả làm mục tiêu hàng đầu, lãnh đạo Sở Nội vụ đề nghị chính quyền hai bên giữ nguyên hiện trạng quản lý địa giới hành chính của 2 bên theo bản đồ 364. Theo đó, tập trung hướng giải quyết diện tích đất sản xuất ổn định đời sống cho 55 hộ dân Nậm Càn (Kỳ Sơn) lâu nay canh tác trên một phần diện tích do xã Lưu Kiền và Ban quản lý rừng phòng hộ, Hạt kiểm lâm Tương Dương quản lý.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đồng tình với phương án giải quyết đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu. Ảnh: K.L |
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cho rằng: Bản đồ 364 chưa phù hợp với thực tiễn, giải quyết tranh chấp đất đai nên căn cứ trên sự phù hợp với thực tiễn và xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Lãnh đạo cũng đồng tình với cách đặt vấn đề của lãnh đạo Sở Nội vụ là nên tập trung giải quyết vấn đề 55 hộ dân Nậm Càn đang sản xuất nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài.
"Chúng tôi đề xuất khoanh lại phần diện tích mà 55 hộ đang sản xuất để ổn định lâu dài, cam kết ổn định không phát sinh thêm diện tích và đặc biệt là không để dân vào rừng phòng hộ để canh tác" - ông Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nêu ý kiến
Về phía lãnh đạo huyện Tương Dương: đồng tình quan điểm lấy lợi ích của người dân hai xã thuộc 2 huyện lên hàng đầu, và trọng tâm là giải quyết diện tích đất cho 55 hộ dân Nậm Càn. Tuy nhiên phải tôn trọng tính pháp lý của bản đồ 364 và phải tính lại bình quân đất sản xuất/hộ dân của hai bên. Và xem xét việc để người dân địa phương này sang canh tác xâm cạnh ở địa phương khác nhất là khoét sâu vào diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có phù hợp với luật pháp và đảm bảo an ninh quốc phòng hay không?
Thực tế đối với những diện tích xâm canh khoét sâu vào đường địa giới hành chính theo bản đồ 364 rất khó điều chỉnh. Vây liệu có nên hoán đổi sang một vị trí sản xuất nào đó mà không khoét sâu vào phần địa giới hành chính theo 364 để đảm bảo thuận lợi cho công tác quản hành chính không? - ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương bày tỏ quan điểm nên tôn trọng tính pháp lý của bản đồ 364. Ảnh: K.L |
Trên cơ sở quan điểm của các bên và ngành chức năng, ông Lê Đình Lý - Phó giám đốc Sở Nội vụ, Phó trưởng ban chỉ đạo dự án 513 của tỉnh ghi nhận nỗ lực của cấp ủy, chính quyền 2 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trên các tuyến địa giới hành chính nội và ngoại huyện trong đó có tuyến Nậm Càn và Lưu Kiền.
Lãnh đạo Sở Nội vụ cũng đề nghị chính quyền hai xã, 2 huyện thống nhất phương án điều chỉnh diện tích 02 ha đất nông nghiệp thuộc xã Lưu Kiền lâu nay nhân dân Nậm Càn đang sản xuất về cho xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) quản lý. Tuyến địa giới hành chính còn lại tuân thủ theo bản đồ hiện trạng 364.
Đối với diện tích xâm canh 24,7 ha của 55 hộ dân xã Nậm Càn lâu nay canh tác trên địa giới hành chính thuộc quyền quản lý của xã Lưu Kiền và Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, hai bên thống nhất giữ nguyên hiện trạng, đo đạc, lập hồ sơ giao ổn định cho người dân sản xuất lâu dài.
Các cơ quan chức năng của xã Lưu Kiền và huyện Tương Dương có trách nhiệm quản lý chặt chẽ theo luật đất đai không để người dân mở rộng canh tác phát sinh thêm vào diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thuộc thẩm quyền quản lý.
Về phía chính quyền Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn cũng phải có trách nhiệm tuyên truyền, giám sát người dân chấp hành thực hiện đúng quy định về quản lý đất đai, không để phát sinh thêm việc người dân canh tác xâm phạm vào diện tích rừng phòng hộ thuộc quyền quản lý hành chính của Lưu Kiền và Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương.
Đề nghị lãnh đạo hai huyện, 2 xã xây dựng quy chế và quán triệt cho cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và người dân tôn trọng nội dung hiệp thương; thực hiện đúng các quy định về quản lý theo luật đất đai và luật cư trú; tránh gây ảnh hưởng đến tình đoàn kết của 2 huyện, 2 xã và đảm bảo ổn định tình hình KTXH, an ninh quốc phòng của địa phương.Đồng thời đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án 513 chung của cả tỉnh như đã cam kết với Chính phủ./.
Dự án 513 được triển khai giải quyết dứt điểm các tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính do lịch sử để lại, những phát sinh mới từ những sai sót trong quá trình lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp đã được thực hiện theo Chỉ thị số 364-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng chính phủ. Từ đó, xây dựng và hoàn thiện bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và cơ sở dữ liệu các cấp trên địa bàn tỉnh thống nhất với đường biên giới quốc gia, đảm bảo tính khoa học, đầy đủ, chính xác làm cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính và xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Nghệ An. |
Gia Huy