Thông qua Luật đầu tư sửa đổi và Luật doanh nghiệp sửa đổi
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 26/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua dự thảo: Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi); thảo luận dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).
Biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) |
Bổ sung nội dung cấm buôn bán, kinh doanh chất phóng xạ vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Với 84,91% đại biểu Quốc hội tán thành, dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) với 7 chương và 76 điều đã được biểu quyết thông qua tại phiên làm việc sáng nay.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi), Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã làm rõ hơn một số vấn đề qua thảo luận còn ý kiến khác nhau.
Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6), có ý kiến đề nghị không quy định cấm mua bán người và bộ phận cơ thể người tại Luật này vì đã được quy định tại Luật phòng chống mua bán người.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết theo giải trình tại báo cáo số 767/BC-UBTVQH13 ngày 4/11/2014, trên cơ sở kết quả rà soát số lượng ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và thống nhất với các bộ, ngành hữu quan thu hẹp từ 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ xuống còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật.
Tất cả 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều này đều đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhưng được tổng hợp trong Luật đầu tư để làm rõ hơn quy định về quyền tự do kinh doanh của công dân. Do vậy, đề nghị giữ nguyên quy định về cấm mua bán người và bộ phận cơ thể người tại luật này.
Về đề nghị bổ sung về nội dung cấm buôn bán, kinh doanh chất phóng xạ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết theo quy định của Luật năng lượng nguyên tử, một số cơ quan, tổ chức vẫn được xuất, nhập khẩu và vận chuyển vật liệu phóng xạ (trong đó có chất phóng xạ) sau khi được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Do vậy, nội dung này được tiếp thu, bổ sung vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Điều 7), có ý kiến đề nghị quy định rõ những trường hợp nào phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và những trường hợp nào được thực hiện hoạt động kinh doanh khi có đủ điều kiện; bổ sung quy định giao Chính phủ hệ thống và công bố các điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề quy định tại Phụ lục 4.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều kiện kinh doanh là các yêu cầu cần thiết để bảo đảm cho hoạt động bình thường mà không bị pháp luật cấm; còn các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được hiểu là hạn chế quyền tự do đầu tư kinh doanh, do đó cần quy định trong Luật nhằm bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng như tại Điều 7 của dự thảo Luật.
Để tăng cường tính công khai minh bạch của các chính sách pháp luật tạo điều kiện cho nhà đầu tư tự quyết định hoạt động của mình, dự thảo Luật đã quy định rõ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 kèm theo.
Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thiểu hình thức cấp phép để chuyển sang áp dụng chủ yếu hình thức ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để nhà đầu tư tự đăng ký thực hiện và cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm.
Ngoài ra, các khoản 4, 5 và 6 của Điều 7 dự thảo Luật cũng đã quy định nguyên tắc về điều kiện đầu tư kinh doanh của ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải bảo đảm tính minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.
Căn cứ vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Luật này, Chính phủ sẽ tập hợp và công bố công khai trên cổng thông tin doanh nghiệp các điều kiện đầu tư áp dụng đối với cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Quy định mang tính nguyên tắc về doanh nghiệp xã hội trong Luật doanh nghiệp (sửa đổi)
Luật doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 chương, 213 điều đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 85,51% đại biểu tán thành.
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã làm rõ thêm về một số vấn đề qua thảo luận vẫn còn ý kiến. Về áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành (Điều 3), có ý kiến đề nghị ưu tiên áp dụng Luật doanh nghiệp so với luật chuyên ngành, trừ những trường hợp ngoại lệ và chỉ đối với Luật chứng khoán, Luật tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật dầu khí; bỏ quy định tại Điều này vì việc áp dụng pháp luật đã được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vấn đề này Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết ngoài Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật dầu khí, một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác cũng có đặc thù về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và các hoạt động khác có liên quan, như: hàng không dân dụng, xuất bản, báo chí, giáo dục, luật sư, công chứng… chưa kể các luật cũng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Việc liệt kê hết các Luật chuyên ngành được áp dụng quy định đặc thù sẽ không đầy đủ.
Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự án Luật đã trình; đồng thời, trong quá trình dự thảo, thẩm tra và ban hành luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu, xem xét, chỉnh lý các dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đối với doanh nghiệp xã hội (Điều 10) có ý kiến đề nghị bổ sung định nghĩa doanh nghiệp xã hội vào Điều 4 về Giải thích từ ngữ, bổ sung một Chương quy định về doanh nghiệp xã hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội có quan điểm, doanh nghiệp xã hội không phải là một loại hình doanh nghiệp đặc thù riêng mà c ũng giống như doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội vẫn tổ chức và hoạt động theo một trong các loại hình doanh nghiệp: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn… chỉ phân biệt ở mục đích phân phối và sử dụng lợi nhuận.
Các tiêu chí xác định doanh nghiệp xã hội là căn cứ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí; nội dung này gắn liền với quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội. Dự án Luật trình Quốc hội chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc về doanh nghiệp xã hội để ghi nhận về mặt pháp lý sự tồn tại của doanh nghiệp xã hội, làm cơ sở để ban hành các văn bản quy định chi tiết, sau quá trình hoạt động thực tiễn ổn định sẽ quy định cụ thể hơn trong Luật.
Về đề nghị bổ sung nội dung về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với nông thôn mới trong khái niệm về doanh nghiệp xã hội , Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật, có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn với nông dân, nông thôn mới đáp ứng các tiêu chí trên đây là doanh nghiệp xã hội, sẽ được hưởng ưu đãi, khuyến khích theo quy định.
Cho ý kiến dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)
Thời gian còn lại của buổi làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).
Qua thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật kiểm toán Nhà nước nhằm cụ thể hóa các quy định về Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước theo yêu cầu Hiến pháp; bảo đảm thiết chế Kiểm toán Nhà nước có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
Một số ý kiến đề nghị dự án Luật cần cụ thể hóa, làm rõ hơn phạm vi, đối tượng kiểm toán và nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước bảo đảm bao quát hết nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước đối với việc kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài chính, tài sản công, mở rộng hoạt động kiểm toán doanh nghiệp theo hướng vừa kiểm toán như hiện nay, vừa kiểm toán việc quản lý và sử dụng phần vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối.
Nhiều ý kiến tán thành với việc dự thảo bổ sung vào phạm vi điều chỉnh nội dung: “trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với hoạt động kiểm toán Nhà nước.”
Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước có đối tượng và phạm vi rộng, bao gồm mọi cơ quan, tổ chức quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Do vậy, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương và đơn vị được kiểm toán có vai trò quan trọng, tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước nâng cao chất lượng kiểm toán, phục vụ và đáp ứng tốt yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý và các địa phương, đơn vị được kiểm toán.
Mặt khác, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước chỉ thực sự có hiệu lực, hiệu quả khi kết quả kiểm toán và những kiến nghị kiểm toán được các cơ quan có thẩm quyền và đơn vị được kiểm toán sử dụng, khai thác thích hợp, hiệu quả.
Một số ý kiến đề nghị quy định thời hạn tối đa đối với một cuộc kiểm toán để bảo đảm minh bạch, tạo thuận lợi, chủ động cho các đơn vị được kiểm toán, tránh kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán.
Về công khai báo cáo của cuộc kiểm toán (Điều 58), ngoài các báo cáo kiểm toán trong lĩnh vực bảo mật, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán sau khi phát hành phải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) đề nghị cần đăng công khai trên trang thông tin điện tử của ngành...
Thảo luận về nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhiều ý kiến đề nghị quy định: “Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội; khi hết nhiệm kỳ, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước.”
Nhiệm kỳ của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước là 5 năm. Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng quy định này tạo thuận lợi trong việc bầu, phê chuẩn các chức danh thuộc thẩm quyền, chức năng của Quốc hội và không làm ảnh hưởng tới việc Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị giữ nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước là 7 năm như Luật hiện hành để tăng tính độc lập trong chỉ đạo hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Buổi chiều, theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua các dự thảo: Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế và thảo luận dự án Luật an toàn vệ sinh lao động. /.
Theo TTXVN