Thông tin thêm về khai thác gỗ trái phép ở Quế Phong

27/12/2011 14:50

(Baonghean.vn) Sau khi báo Nghệ An ngày 23/11/2011 có bài viết "Cận cảnh gỗ lậu về xuôi", UBND huyện Quế Phong đã kiểm tra và thông tin thêm về tình hình quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn như sau:

Quế Phong là một trong số ít huyện trong tỉnh còn giữ được rừng với nhiều loại cây quý hiếm, nhiều loại gỗ có giá trị như: pơ mu, sa mu, dổi, de...Trong thời gian gần đây, huyện Quế Phong được đầu tư nhiều công trình thủy điện khá lớn, như Hủa Na công suất 180 MW nên phải chuyển đổi 3.269 ha đất lâm nghiệp sang xây dựng nhà máy, lòng hồ và khu tái định cư, các tuyến đường được mở đến tận cửa rừng, giao thông thuận lợi nhưng cũng gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.


Đối tượng khai thác lâm sản trái phép thường xẻ nhỏ và thuê người khuân vác, xẻ đến đâu vác đến đó; người vận chuyển đa phần là thanh niên không nghề nghiệp, nghiện ma túy, mỗi đối tượng thường chở 3-4 khúc gỗ, một số sử dụng hung khí, không từ một thủ đoạn nào, dùng một số "vệ tinh" thám thính, khi lực lượng chức năng sơ hở là điện thoại báo cho đối tượng phía trong vận chuyển gỗ, khi cần sΩn sàng lao thẳng vào lực lượng kiểm tra...


Trước tình hình trên, UBND huyện Quế Phòng đã triển khai nhiều biện pháp như: tổ chức giao ban công tác bảo vệ rừng với huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) và giao ban giữa các xã Đồng Văn, Thông Thụ với các xã giáp ranh huyện bạn, có sự tham gia chỉ đạo của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An để đánh giá kết quả phối hợp và thống nhất các biện pháp, ký kết quy chế phối hợp giữa 2 huyện và giữa các xã vùng giáp ranh với nhau.


Bên cạnh đó, huyện Quế Phong và Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng họp bàn các biện pháp bảo vệ rừng tại 2 vùng phức tạp là Đồng Văn, Thông Thụ và Hạnh Dịch, Tiền Phong có đầy đủ lực lượng chức năng liên quan tham gia. Thành lập đoàn liên ngành tuần tra, bảo vệ rừng gồm 18 người do huyện chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng tại 2 vùng phức tạp trên. Đầu tháng 11 vừa qua, huyện đã chủ trì giao ban, thảo luận về công tác bảo vệ rừng; qua đó đánh giá các việc làm được, chưa được; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường lực lượng, đẩy mạnh hoạt động bảo vệ rừng, ngăn chặn các hiện tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.


Sau 5 tháng hoạt động, đoàn liên ngành đã kiểm tra các khu rừng, kiểm tra, ngăn chặn, chốt chặn các tuyến đường, qua đó bắt giữ, xử lý 82 vụ vi phạm, tịch thu 113 m3 gỗ các loại, xử phạt 211 triệu đồng. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của công tác bảo vệ rừng nên dù hoạt động tích cực nhưng không tránh khỏi một số thiếu sót, sơ hở nên một số ô tô, xe máy vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn còn như báo Nghệ An đã nêu.


Để ngăn chặn việc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn, UBND huyện Quế Phong chỉ đạo các xã triển khai ngay các biện pháp bảo vệ rừng; giao các xã thành lập các đội tuần tra bảo vệ, nhất là các xã vùng trọng điểm có nguy cơ phá rừng cao; tổ chức tuyên truyền vận động các hộ không tham gia khai thác vận chuyển gỗ trái pháp luật, kiểm tra tạm trú, tạm vắng, không cho gửi xe máy, gửi gỗ trong gia đình; giao cho các đồn biên phòng chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các xã vùng biên giới, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ rừng theo Chỉ thị 1685/TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ.


Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường hoạt động của Đoàn liên ngành Bảo vệ rừng đã thành lập theo Quyết định của UBND huyện, nay bổ sung một số thành viên đặc biệt là Công an và Ban chỉ huy Quân sự huyện, tổ chức kiểm tra rừng, tuần tra ngày đêm trên các tuyến đường ngăn chặn hiện tượng các xe máy, ô tô vận chuyển gỗ; kiểm tra chặt chẽ các xưởng mộc, xưởng xẻ gỗ; cài cắm thông tin, theo dõi các trường hợp để có biện pháp xử lý.


Tuy nhiên, do địa bàn phức tạp, hoạt động của các đối tượng phá rừng ngày càng tinh vi và liều lĩnh, UBND huyện Quế Phong đề nghị được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời từ Chi cục Kiểm lâm, các ngành liên quan của tỉnh để công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện ngày càng tốt hơn.


Phòng Bạn đọc

Mới nhất
x
Thông tin thêm về khai thác gỗ trái phép ở Quế Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO