Thú chơi gà rừng

18/01/2015 11:15

(Baonghean) - Giữa không gian phố thị, mỗi buổi sớm mai bỗng vang lên đâu đó tiếng gáy vang rền của chú trống choai báo hiệu một ngày mới bắt đầu; đừng ngỡ mình nghe nhầm, bởi thứ thanh âm khoáng đạt ấy rất có thể đến từ những “trại” gà rừng của những tay chơi phố thị…

Gà rừng, hay như giới sành chơi không ngần ngại gọi một cách đầy tự hào là “kê vương”- vua của các loài gà, mấy năm gần đây trở thành thú chơi lành mạnh của nhiều người dân thành phố. Tôi gặp anh Bùi Công Minh (Số nhà 46, đường Ngô Văn Sở, TP.Vinh) trong khi anh đang bận bịu với khay thức ăn cho bầy gà rừng đang nhẩn nha dưới tán cây râm mát. Mấy năm nay, ngày nào anh cũng cần mẫn chăm sóc cho thú chơi của mình như một phương cách giải trí sau những bận rộn công việc của một người hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Anh kể, cơ duyên bắt nguồn từ một chuyến công tác miền ngược, trong lúc dạo chơi phố núi, anh bị hấp dẫn bởi mấy chú gà rừng đang chọi. Dáng gà cao ráo, đôi cánh cong tung bay trong sới, màu lông sặc sỡ và nhất là đôi chân xám chì đặc trưng của giống loài khiến anh Minh như bị hút hồn. Sau đận ấy, anh quyết tâm tìm mua bằng được một đôi gà rừng về chơi. Anh nói: “Gà rừng có nhiều điểm hấp dẫn hơn các giống gà nhà, vóc dáng đẹp, tiếng gáy vang như bá chủ không gian, đặc biệt là sức đề kháng rất tốt. Vì sinh trưởng trong môi trường tự nhiên nên nó rất dạn dĩ với người, mình càng chơi càng bị “nghiện” với mấy chú gà này”.

Anh Tý chăm sóc đàn gà rừng.
Anh Tý chăm sóc đàn gà rừng.

Một đặc điểm khác biệt nữa so với gà nhà thông thường, là gà rừng còn bay được và bay khá cao. Khi

xông trận, gà rừng thường chiếm ưu thế bởi tính chiến đấu rất cao, sẵn sàng tử chiến với đối thủ mặc dù thua thiệt về trọng lượng lẫn hình thể. Bên cạnh những ưu điểm đó, gà rừng còn có tính bầy đàn cao, trong bầy luôn có một con làm chủ, khi ăn thường đứng riêng, mắt đảo ngang dọc canh chừng kẻ thù. Chính vì vậy, thú chơi gà rừng ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn cách chơi, nhiều hội nhóm được thành lập, lấy quán cà phê làm nơi giao lưu học hỏi nhau.

Anh Cao Văn Tý- chủ một nhà hàng ẩm thực trên thành phố cũng bị hút vẻ bởi vẻ đẹp hoang dã của những chú gà rừng. Anh Tý hiện đang có trong tay một chú gà rừng được nhiều người trong giới mộ điệu đánh giá thực là một “kê vương”, bởi màu lông óng mượt, bóng bẩy, mào cao, dày đỏ rực và đặc biệt nhất là đôi tai màu trắng. Với những người chơi gà rừng thì gà có đôi tai trắng rất hiếm vì thường đây là những gà được săn bẫy ở nơi núi rừng hoang sơ, ít dấu chân người, rất khó kiếm. Ngoài ra, gà loại này rất “kén mái”, để lai được giống con trống này không phải con mái nào cũng được nó chấp nhận, có khi nhốt chung cả tháng cũng không thành công. Đã có rất nhiều người hỏi mua với giá cao gấp chục lần giá gà thường, anh Tý cũng lắc đầu không bán, anh chia sẻ: “Con gà này tôi đặt săn mấy tháng bên Lào về, chẳng dễ gì có được, với cả mình chăm sóc nó đã lâu, nỡ nào vì mấy triệu đồng mà bán đi thú chơi của mình”.

Giới sành chơi gà rừng chia sẻ, gà rừng tốt thường được bẫy từ các huyện miền núi xa trong tỉnh như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông… thậm chí các tỉnh thành phía Nam như Long An, Tiền Giang… Giống gà được chuộng nhất là gà ở miền núi Campuchia hoặc của đồng bào dân tộc thiểu số bẫy được khi đi rừng bởi tính thuần chủng và sự mạnh mẽ bản năng của nó. Để chăm sóc được gà rừng thật không đơn giản, ngoài thức ăn chủ yếu là thóc, gạo, thỉnh thoảng chủ nhân phải cho ăn thêm các sinh vật như sâu bọ, giun dế, cào cào… để bổ sung chất đạm, chất béo, như thế gà mới giữ được màu lông sáng bóng, sặc sỡ cũng như tiếng gáy hào sảng và dáng vẻ kiêu hùng. Giá một chú gà rừng hiện nay, dao động từ 400.000 đồng đến 800.000 đồng/con, cũng có khi khan hiếm thì có thể lên tới tiền triệu hoặc nhiều triệu đồng là chuyện thường. Mặt khác, để gà rừng sống và phát triển tốt trong điều kiện phố thị, không có nhiều diện tích để vùng vẫy, người chơi còn phải tốn kém đầu tư hệ thống chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải thật quy mô. Ngoài ra, để giữ bản chất gà rừng, thi thoảng, chủ nhân còn phải lưu ý đến lịch “thi đấu”, nghĩa là đưa gà đối chọi với nhau để rèn móng vuốt, sức khỏe và độ bền…

Hiện ở Thành phố Vinh, hội chơi gà rừng đã lên đến vài chục người. Không thể phủ nhận, giữa phong trào chơi gà rừng như một thú giải trí lành mạnh, hướng về thiên nhiên, vẫn có những người lợi dụng vật nuôi như một phương tiện cá cược, đỏ đen. Bộ phận trục lợi ấy, tin rằng sẽ dần bị những người chơi chân chính tẩy chay, xuất phát từ sự say mê sức sống kiêu hùng nội tại của loài vật nuôi gần gũi này.

Hoàng Vũ

Mới nhất

x
Thú chơi gà rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO