“Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” của Bác Hồ sau Cách mạng tháng Tám
(Baonghean) - Còn nhớ, tại Tân Trào thuộc tỉnh Tuyên Quang, ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân nhóm họp, nhiệt liệt tán thành chủ trương...
(Baonghean) - Còn nhớ, tại Tân Trào thuộc tỉnh Tuyên Quang, ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân nhóm họp, nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và 10 chính sách của Việt Minh, quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!”.
Người dân hân hoan trong niềm vui độc lập - Ảnh tư liệu
Trước tình hình biến đổi mau lẹ, diễn ra trên toàn quốc cũng như ở tỉnh nhà, Ban Thường vụ Mặt trận Việt Minh Nghệ - Tĩnh kịp thời thành lập Ủy ban khởi nghĩa, phát động khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh. Chớp thời cơ phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, Ủy ban khởi nghĩa Nghệ - Tĩnh phát lệnh cho các địa phương, tùy hoàn cảnh cụ thể mà bố trí ngay việc giành chính quyền. Ngày 16/8, nhân dân xã Thanh Thủy của huyện Nam Đàn giành chính quyền. Tiếp theo là các làng xung quanh Vinh, vào ngày 17/8, như Yên Dũng, Lộc Đa… Quỳnh Lưu là huyện đầu tiên của Nghệ An giành chính quyền cấp huyện thắng lợi vào ngày 18/8. Đúng 12 giờ trưa ngày 21/8, các lực lượng cách mạng kéo đến bao vây Dinh tỉnh trưởng, tỉnh trưởng lúc bấy giờ là Đặng Văn Hướng ra hàng. Thay mặt Ủy ban cách mạng lâm thời Nghệ An, đồng chí Lê Viết Lượng tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thiết lập chính quyền mới, và cổ vũ quần chúng giúp đỡ giữ gìn an ninh thành phố, góp phần bảo vệ chính quyền còn non trẻ. Cuộc khởi nghĩa ở Vinh thắng lợi tạo đà thúc đẩy nhanh chóng việc giành chính quyền ở các huyện còn lại… Như vậy, chỉ trong vòng 9 ngày, từ ngày 18 đến 26/8/1945, cuộc khởi nghĩa ở Nghệ An đã đi tới thắng lợi hoàn toàn!
Nghệ An, đã góp phần không nhỏ cùng cả nước làm nên “một cuộc cách mạng kỳ diệu và từ đó dần đi đến bao thắng lợi to lớn khác” (Nhà sử học Furuta Mooto, Nhật Bản). Về thăm quê hương Nghệ An sau bao nhiêu năm xa cách, ngày 14/6/1957, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ tỉnh nhà, Bác Hồ khen ngợi và ghi nhận: “Trong thời kỳ kháng chiến, các đồng chí đã đoàn kết được nhân dân và lãnh đạo nhân dân phục vụ kháng chiến đến thắng lợi. Đó là điểm tốt! ”.
Ở Nghệ An, ngay sau cao trào Cách mạng của mùa Thu năm ấy, có một sự kiện không phải ai cũng biết tới: Với bút danh Hồ Chí Minh, Bác có “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”. Bức thư chưa đầy 900 chữ, đề ngày 17/9/1945, viết tại Hà Nội, lấy danh nghĩa của một đồng chí già, mục đích là để san sẻ ít kinh nghiệm với các đồng chí quê mình. Thư gồm 4 mục nhỏ, đánh số rõ ràng nhằm chuyển tải 4 nội dung:
- Ý nghĩa rất to lớn của cuộc cách mạng dân tộc;
- Lý giải vì sao cuộc cách mạng thắng lợi;
- Sự nghiệp kiến thiết xây dựng xã hội mới sau khi giành chính quyền;
- Phần dài nhất, đậm nhất cuối thư, Bác nêu những khó khăn cần giải quyết, phải vừa làm vừa học, cái chính là theo cho đúng chính sách của Chính phủ ban hành.
Chính sách của Chính phủ ngay sau giành chính quyền, theo Bác rút lại chỉ trong có 2 chuyện: Củng cố đoàn kết và sửa chữa khuyết điểm. Sức mạnh đoàn kết dân tộc, ai cũng rõ rồi, nhưng nêu rõ ra và yêu cầu sửa chữa những khuyết điểm trên nhiều phương diện chủ yếu của cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ thì không phải ai cũng quán triệt. Những khuyết điểm đó, cụ thể ra là thói bao biện, hẹp hòi; lạm dụng hình phạt; kỷ luật không nghiêm; một số việc làm xấu xa như lên mặt làm quan cách mạng, độc đoán, dùng phép công để báo thù tư… Tất cả khiến dân chúng hoang mang, nền đoàn kết bị lung lay, uy tín của Chính phủ và đoàn thể bị ảnh hưởng xấu. Giành được chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn nhiều - nhận thức sâu sắc quy luật này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng chí, đồng bào ở tỉnh nhà phải lập tức sửa đổi ngay. Bác chỉ rõ, không sợ có khuyết điểm, chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi khuyết điểm, sợ không có tấm lòng chí công vô tư với dân với nước!
67 năm đã trôi qua, thông điệp trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử của một giai đoạn hào hùng, và ý nghĩa thời sự đối với tư tưởng phê và tự phê bình của cán bộ, đảng viên các cấp, trong những ngày này...
Kim Hùng