Thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường
(Baonghean) - Mặc dù trong điều kiện suy thoái kinh tế, nhưng 10 tháng đầu năm, Nghệ An vẫn đạt được nhiều kết quả trong thu hút đầu tư với tổng số vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng thêm 12.271 tỷ đồng cho 64 dự án. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Xuân Đường- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.
P.V: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh! Đồng chí có thể cho biết về những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư 10 tháng đầu năm 2013?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Năm 2013 là năm nền kinh tế trong nước nói chung, Nghệ An nói riêng tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng xác định, càng khó khăn chúng ta càng phải có các giải pháp và quyết tâm cao hơn để cho tỉnh phát triển, trong đó thu hút đầu tư là hướng đột phá. Bằng nhiều giải pháp và cách làm, qua 10 tháng đầu năm, Nghệ An đã thu hút được nhiều dự án và đang mở ra nhiều triển vọng mới trong thu hút đầu tư. Tính đến ngày 30/9/2013, tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng thêm trên địa bàn tỉnh là 12.271 tỷ đồng (trong đó cấp mới là 5.770,33 tỷ đồng cho 64 dự án, điều chỉnh tăng thêm là 1 dự án/6.501 tỷ đồng).
So với cùng kỳ năm 2012, 10 tháng năm 2013, số lượng dự án tăng 39,13% và tổng vốn đầu tư đăng ký tăng 63,62% (năm 2012, có 46 dự án/7.499,73 tỷ đồng đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư). Cụ thể: Các dự án đầu tư trong nước: 60 dự án/11.849,72 tỷ đồng vốn đăng ký; các dự án có vốn đầu tư nước ngoài: 5 dự án /21,081 triệu USD vốn đăng ký. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là thương mại, du lịch, nông ngiệp, công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản, dệt may...
Có một số dự án đã và đang xúc tiến đầu tư như: Dự án Xây dựng bến số 5&6 Cảng Cửa Lò cho tàu trọng tải 20.000 DWT cập bến với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Cảng Nghệ Tĩnh thực hiện; Dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng, do Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An đang thực hiện; Dự án Khu Liên hợp xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp tại huyện Quỳnh Lưu với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, do Công ty CP Tư vấn đầu tư và Công nghệ môi trường Tiến Thịnh, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, đã được UBND tỉnh đồng ý về mặt chủ trương đầu tư; Dự án sản xuất chế biến đá granite, đá hoa, đá ốp lát tại huyện Quỳ Hợp với tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng do Tập đoàn Đông Dương thực hiện; Dự án Khu thể thao, đô thị sinh thái phức hợp tại Thành phố Vinh với vốn đầu tư 300 tỷ đồng, do Công ty CP Gôn biển Cửa Lò thực hiện; Dự án Xây dựng Trường dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đào tạo lái xe theo tiêu chuẩn quốc tế tại KCN Hoàng Mai với mức đầu tư 105 tỷ đồng, do Công ty TNHH Trường dạy nghề TOMEI Nhật Bản thực hiện; Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim tại Tp. Vinh đang được triển khai; và nhiều dự án khác đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Tập đoàn Becamex Bình Dương, Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn dệt may Việt Nam, Tập đoàn FPT, các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản… đang nghiên cứu đầu tư các nhà máy tại Nghệ An..
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường thăm Nhà máy may Haivina Kim Liên (Nam Đàn) do doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư. Ảnh: Hữu Nghĩa |
P.V: Thưa đồng chí, Nghệ An đã nỗ lực như thế nào để đạt được những kết quả đáng mừng đó?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Có thể nói, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh ta ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả. Từ việc chuẩn bị tài liệu, thông tin tuyên truyền và quảng bá, tổ chức các sự kiện nhằm vào các đối tác trọng điểm cho đến việc gắn kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xúc tiến đầu tư Trung ương, các cơ quan, tổ chức quan trọng đều được tính đến và triển khai đồng bộ.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh hơn một bước. Ngoài phối hợp với đài, báo Trung ương, với VCCI, tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam còn phối hợp với Báo Nghệ An và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên trang, chuyên mục. Trang thông tin điện tử xúc tiến đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Nghệ An bằng 4 thứ tiếng: Việt Nam, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đi vào hoạt động. Đồng thời đã tạo liên kết với các trang web của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh Nghệ An.
10 tháng đầu năm 2013 đã diễn ra nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư của tỉnh. Tỉnh ta đã tổ chức thành công Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư vào đầu Xuân Quý Tỵ 2013 gắn với sơ kết 5 năm hợp tác xúc tiến đầu tư; tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Nghệ An tại Hà Nội vào ngày 12/7/2013 nhằm quảng bá và mời gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Nghệ An. Tham gia Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội vùng Tây Bắc, được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang; Phối hợp với Công ty TNHH VIP Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Hoàng Mai tổ chức Đoàn Xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản từ ngày 15-22/10/2013 do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn.
Bên cạnh đó, tỉnh ta đã đón tiếp và làm việc với 20 lượt đoàn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Nghệ An. Trong đó, có nhiều đối tác lớn, quan trọng như: Đoàn Đại sứ quán Hàn Quốc, Kotra, Tập đoàn Samsung và các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đoàn lãnh đạo JETRO, Tập đoàn Thái Bình Dương và các doanh nghiệp Nhật Bản, Tập đoàn Mitsumishi, tỉnh Shizuoka, Văn phòng đại diện tỉnh Saitama (Nhật Bản), Tập đoàn QWERT và tập đoàn PURO Klima (Cộng hòa Séc), SCL (Hoa Kỳ), Doanh nghiệp Thái Lan, Hong Kong… đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Nghệ An.
Mặt khác, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục đầu tư, kịp thời giải quyết các vướng mắc cho các nhà đầu tư.
P.V: Thưa đồng chí! Sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh trong thu hút đầu tư đã rõ, vậy giải pháp nào để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Đúng là hiện nay còn một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa chủ động trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư theo chuyên đề theo ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý. Chất lượng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh chưa cao, chưa sát với nhu cầu của nhà đầu tư; thông tin chưa đầy đủ, chi tiết. Các đơn vị vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức đến chỉ số PCI nói chung và việc triển khai thực hiện Đề án PCI của tỉnh nói riêng để nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Việc nắm bắt tình hình các dự án sau khi cấp chứng nhận đầu tư hoặc sau khi khởi công chưa sát. Vì vậy, để các địa phương, các ngành “vào guồng”, trong thời gian tới, chúng ta phải tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp, các ngành (đặc biệt là người đứng đầu cơ quan) trong việc thực hiện nhiệm vụ thu hút đầu tư, chỉ đạo tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các thủ tục cho các nhà đầu tư theo cơ chế "một cửa liên thông"; Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả tốt Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI).
P.V: Những định hướng trong thu hút đầu tư thời gian tới là gì thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Quan điểm của tỉnh là thu hút đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư công ngày càng cắt giảm, là nhiệm vụ chính trị và cần sự quan tâm chỉ đạo vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển dịch vụ hiện đại...
Các lĩnh vực tập trung thu hút đầu tư là: Công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp từ lạc, hoa quả, cao su, cà phê, chè; thịt gia súc, gia cầm, thủy sản xuất khẩu..; Sản xuất sản phẩm công nghệ cao gắn với tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên Nghệ An như công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, nhiệt điện, sản xuất xi măng, thép, gốm sứ, đá granite, đá trắng, mía đường...; Các dự án công nghiệp hỗ trợ; sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, thiết bị tự động hóa; công nghiệp cơ khí chế tạo: sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô, mô tô; máy nông nghiệp, máy xây dựng, máy phục vụ sản xuất khác; sản xuất, chế tạo thiết bị cơ khí chính xác; sản xuất phụ tùng, linh kiện, thiết bị phục vụ sửa chữa, sản xuất tàu, thuyền; Sản xuất vật liệu mới; Sản xuất trang thiết bị y tế, dược liệu, dược phẩm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; Xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghệ cao, các KCN; Xây dựng khách sạn cao cấp (tiêu chuẩn 5 sao), các khu du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại hiện đại, xây dựng trung tâm tài chính, ngân hàng; cơ sở chăm sóc y tế chất lượng cao.
Về đối tác đầu tư: Tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực và kinh nghiệm, đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn trong nước; các tập đoàn, công ty đa quốc gia thuộc các khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan); các nước ASEAN (Thái Lan, Singapore), Mỹ…
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Châu Lan (thực hiện)