Thu nhập trên 6 triệu đồng mới phải đóng thuế TNCN
Bộ Tài chính vừa công bố Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, hai nội dung đáng chú ý nhất của lần chỉnh sửa này là nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 6 triệu đồng/tháng và giảm biểu thuế lũy tiến từng phần xuống còn 6 bậc, với mức thuế suất cao nhất chỉ còn 30%.
Luật Thuế thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Qua 3 năm thực hiện, số thu từ thuế thu nhập cá nhân đã tăng nhanh cả về số tuyệt đối lẫn tỷ trọng trên tổng thu (chiếm 5,5% tổng thu ngân sách nhà nước).
Bộ Tài chính quyết định sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân |
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã quyết định sửa đổi một số điều luật cho phù hợp với thực tiễn. Nội dung chỉnh sửa lần này gồm 4 vấn đề chính: nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 6 triệu đồng/tháng (72 triệu đồng/năm); giảm biểu thuế lũy tiến từng phần xuống còn 6 bậc, với mức thuế suất cao nhất chỉ còn 30%; sửa đổi, bổ sung phạm vi, đối tượng chịu thuế; và quy định lại các nội dung về quyết toán và quản lý thuế.
Biểu thuế lũy tiến hiện hành và phương án sửa đổi |
Với mức giảm trừ 4 triệu đồng/tháng như hiện nay, nếu tính theo tốc độ tăng trưởng GDP (từ 6,5-7%/năm) sẽ vào khoảng 5,85 triệu đồng/tháng vào năm 2014. Còn nếu tính theo chỉ số CPI (ở mức dưới 2 con số) thì nó sẽ là 6,5 triệu đồng/tháng ở năm 2014.
Vì vậy, Bộ Tài chính đã quyết định nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 6 triệu đồng/tháng, gấp 1,7 lần GDP bình quân đầu người năm 2014, và cao gấp 3,6 lần mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức. Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh mới cũng đảm bảo được hai yếu tố: cao hơn mức thu nhập bình quân của xã hội, và cao nhất so với các nước trong khu vực có điều kiện kinh tế giống Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ cũng nâng mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1.600.000 đồng như hiện nay lên 2.400.000. Nếu được Quốc hội phê chuẩn, Luật mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Theo tính toán, khi Luật mới đi vào cuộc sống, ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng hơn 8.000 tỷ đồng mỗi năm. Đổi lại, nền kinh tế Việt Nam sẽ phù hợp hơn trên lộ trình gia nhập WTO (giảm số thu từ trong nước), đồng thời tạo môi trường thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo VTC.vn