Thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy: Thiếu giải pháp khả thi!

27/07/2015 08:06

(Baonghean.vn) - Năm 2014, Quỹ bảo trì đường bộ thu được khoảng 25 tỷ đồng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, xe máy (đạt khoảng 67% dự toán được giao). 6 tháng đầu năm 2015, chỉ thu được hơn 1,7 tỷ đồng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, xe máy, đạt khoảng 12,3% dự toán được giao. 21/21 huyện thị đều thu không đạt kế hoạch.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT, công tác thu phí bảo trì đường bộ được các cấp chính quyền, ngành giao thông Nghệ An quan tâm chỉ đạo, phổ biến và vận động nhân dân hiểu rõ và chấp hành tốt Nghị định 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ và Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài Chính. Ngày 15.8.2013, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 42/2013/QĐ-UBND quy định đối tượng, mức thu, phương thức thu, tỷ lệ trích nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn. Theo đó, xe có dung tích xi lanh đến 100 cm3, tại TP Vinh thu 80 nghìn đồng, các vùng khác thu 60 nghìn đồng; xe có dung tích xi lanh trên 100 cm3, tại TP Vinh thu 130 nghìn, các vùng khác thu 110 nghìn. Đối với phường, thị trấn được để lại 8%, đối với xã được để lại 15%.

1
Vì thiếu chế tài nên nhiều người không nộp phí. Điều này đang tạo nên sự thiếu công bằng, là một trong những nguyên nhân khiến thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy đạt thấp.

Thực hiện Quyết định 42/2013 của UBND tỉnh (tháng 8/2013), các địa phương triển khai kế hoạch, thành lập bộ máy, tiến hành thu thập, khảo sát, báo cáo dữ liệu, trên cơ sở đó, cấp tỉnh giao dự toán cho các địa phương. Công tác chuẩn bị xong, đến cuối năm 2013 mới tiến hành thu. Cấp trực tiếp thu là cấp xã, mà thực ra là giao cho các khối xóm. Từ nguồn thu phí này đã tạo nguồn giúp ngành giao thông bổ sung kinh phí duy tu bảo vệ công trình giao thông. Tuy nhiên, việc thu phí còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, kết quả đạt thấp. Năm 2014, Quỹ bảo trì đường bộ thu được khoảng 25 tỷ đồng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, xe máy, đạt khoảng 67% dự toán được giao. 6 tháng đầu năm 2015, vì nhiều lý do trong đó có Quyết định giao dự toán thu phí năm 2015 ban hành muộn nên Quỹ bảo trì đường bộ thu được hơn 1,7 tỷ đồng, chỉ đạt khoảng 12,3% dự toán được giao.

Tại TP Vinh- nơi có số lượng xe mô tô lớn nhất với 54.564 xe nhưng kết quả thu phí giảm dần, năm 2013 nộp quỹ 3,659 tỷ đồng, năm 2014 chỉ nộp quỹ 2,22 tỷ đồng, và 6 tháng đầu năm 2015 là chưa đến 600 triệu đồng. Có khá nhiều phường xã gặp khó khăn trong việc thu phí. Ông Nguyễn Danh Phương – Kế toán UBND phường Hưng Dũng, TP Vinh cho biết: Qua thống kê, trên địa bàn phường có khoảng 4.100 xe máy. Năm 2013 – năm đầu tiên thu phường Hưng Dũng thu đạt cao nhất Thành phố với 464 triệu đồng. Tuy nhiên, trong năm 2014 chỉ nộp quỹ khoảng 134 triệu đồng. Sáu tháng đầu năm nay phường đã triển khai xuống các khối nhưng hầu hết đều phản hồi cho biết do thông tin nhiều địa phương dừng thu, chế tài xử phạt đối với người không chấp hành không có… nên người dân không đồng tình. “Vì thiếu chế tài, chỉ dựa trên tinh thần tự giác nên nhiều người không nộp”, ông Phương cho biết.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Nghệ An, việc triển khai thu quỹ bảo trì đường bộ đối với xe gắn máy còn gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do Nghệ An là tỉnh rộng, nhiều huyện miền núi, dân cư thưa thớt có số phí thu được nhỏ nên chi phí để lại trang trải cho công tác thu không đủ chi phí. Việc thống kê số lượng xe mô tô tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, số liệu thống kế khó tránh khỏi sai lệch so với thực tế. Lực lượng công an vẫn chưa xử phạt những chủ phương tiện không thực hiện nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô nên tâm lý người dân là chưa tự giác nộp phí. Vì thế, mặc dù nhu cầu bảo trì các tuyến đường địa phương rất lớn (trên 14.000 km đường huyện xã) nhưng nguồn thu của Quỹ thấp, chưa đáp ứng đủ và kịp thời.

Trong khi đó, hiện nay chủ phương tiện không nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư 186/2013/TT-BTC và các văn bản pháp luật liên quan, mức phạt từ 1 – 3 lần so với mức phí. Tuy nhiên, chỉ có các cơ quan có thẩm quyền về lĩnh vực phí, lệ phí mới có thẩm quyền xử phạt hoặc đề nghị xử phạt; thủ tục thanh tra, kiểm tra và lập hồ sơ xử lý vi phạm rườm rà, vì vậy hiện nay chưa áp dụng.

“Nhiều người dân phản ánh cho rằng khi kiểm tra việc chấp hành luật ATGT, cảnh sát giao thông không yêu cầu kiểm tra việc chấp hành nộp phí sử dụng đường bộ. Thực tế thì người nộp và người không nộp đều như nhau, tạo nên sự bất bình đẳng. Chính vì thế, thời gian tới việc triển khai thu quỹ bảo trì đường bộ đối với xe gắn máy sẽ gặp khó khăn, vì người dân thấy không nộp cũng không bị xử lý”, ông Phương- Kế toán UBND phường Hưng Dũng nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Kỳ – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GTVT cho biết, Nghệ An còn là tỉnh nghèo, địa bàn rộng, với trên 14.000 km đường huyện xã, nhu cầu sửa chữa rất lớn, trong khi điều kiện ngân sách khó khăn, nguồn kinh phí duy tu sửa chữa đường hạn chế nên phí xe máy cho quỹ bảo trì đường bộ là nguồn kinh phí rất quan trọng góp phần hỗ trợ hiệu quả vào công tác duy tu bảo dưỡng đường giao thông, giảm gánh nặng về kinh phí bảo trì cho Nhà nước. Mục tiêu, ý nghĩa của chủ trương rất tốt nhưng thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc.

Hiện nay, Bộ GTVT cũng rất băn khoăn đối với việc nên hay không thu phí bảo trì đường bộ với xe máy bởi nó liên quan đến ngân sách và ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương. Thế nhưng nếu thực hiện mà không có chế tài xử lý thì sẽ rất khó thu, không đạt hiệu quả. Ngoài ra, một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã đề nghị không thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô. Song, đó là những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn, việc bỏ thu phí hầu như không ảnh hưởng, nhưng với các tỉnh nghèo, đây có thể sẽ là gánh nặng. Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016 cũng không đưa ra nghị quyết ngừng thu, điều đó cũng có nghĩa Nghệ An chưa có quyết định dừng thu phí. “Từ năm 2015, tỉnh Nghệ An đã cho phép các địa phương được trích lại 60% tổng số tiền thu được từ khoản phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe gắn máy để tái xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, phong trào này được đẩy nhanh và mang lại hiệu quả tích cực hơn, người dân địa phương các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng được hưởng lợi từ Quỹ Bảo trì đường bộ. Nghệ An đã có văn bản đề nghị Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư và Bộ GTVT cho phép địa phương được tiếp tục thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe gắn máy” – ông Nguyễn Quang Vinh - Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Nghệ An.

  • Trong năm 2013- năm đầu tiên triển khai thu, có 5 địa phương là Diễn Châu, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Hoàng Mai không triển khai thu quỹ bảo trì đường bộ đối với xe gắn máy do triển khai chậm. Năm 2014, Anh Sơn, Quỳnh Lưu thu phí đạt trên 100% dự toán giao nhưng một số địa bàn đạt thấp như Quỳ Châu (31,4%), Tp.Vinh chỉ đạt 43,63%. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ thu được 1,7 tỷ đồng, một số huyện thị đạt rất thấp như Cửa Lò 0,15%, Hoàng Mai 4,71%, Con Cuông 4,41%, Nghi Lộc 6,91%. Điển hình một số huyện năm 2014 số thu đạt cao nhưng 6 tháng đầu năm 2015 kết quả rất thấp như Anh Sơn, 6 tháng/2015 chỉ đạt 7,18%; Thanh Chương từ trên 95% năm 2014 giảm còn 17,07%...

Thu Huyền

Mới nhất
x
Thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy: Thiếu giải pháp khả thi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO