Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm việc tại Nghệ An
(Baonghean) - Trong 2 ngày 9 và 10/11, đoàn công tác của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi làm trưởng đoàn đã có chuyến làm việc tại Nghệ An về tình hình triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh.
Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh có đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số Sở, ngành cấp tỉnh.
Sau khi dành thời gian kiểm tra, giám sát tình hình đào tạo nghề tại Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh; xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương; cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu và trung tâm dạy nghề tiểu thủ công nghiệp thuộc Công ty TNHH Đức Phong, đoàn đã có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Đường đã báo cáo một số nét nổi bật trong quá trình triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đặc biệt là nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị xã hội và người lao động về công tác đào tạo nghề được nâng lên một bước với quan điểm dạy và học nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống, góp phần tích cực vào chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Từ đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia học tập. Chỉ tính 10 tháng năm 2011, Nghệ An đã mở được 186 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với gần 6.000 lao động được đào tạo; trong đó có 70% lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/ người/ tháng. Thông qua đó đã tạo điều kiện cho nhiều lao động có cơ hội tìm việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Nghệ An cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo lao động nông thôn. Một bộ phận người lao động chưa hiểu đầy đủ về sự cần thiết và lợi ích của việc dạy nghề, nhất là lao động vùng sâu, vùng xa. Các cơ sở dạy nghề ở địa phương còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất và cán bộ chuyên trách dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu về dạy nghề và học nghề cho người lao động. Mối quan hệ phối hợp giữa các doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề trong việc hợp đồng sử dụng lao động sau đào tạo còn hạn chế.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Nghệ An trong việc triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng chí cho rằng, để tiếp tục triển khai đề án có hiệu quả, trong thời gian tới tỉnh cần quan tâm lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng địa phương và nhu cầu người học, đặc biệt là các nghề truyền thống, thu hút được nhiều lao động tham gia, tranh thủ được nhiều thời gian nông nhàn và đặc biệt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chú trọng nâng cao chất lượng và phương pháp đào tạo; tính toán thời gian và cách thức đào tạo nghề cho hợp lý; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình đào tạo; gắn đào tạo với giải quyết việc làm. Thứ trưởng đề nghị Nghệ An cần phát huy, nhân rộng nhiều hơn nữa những mô hình đào tạo nghề khép kín, gắn với giải quyết việc làm sau khi học nghề cho người lao động để nâng cao hiệu quả của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thực hiện đề án tại các địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Minh Chi