Thủ tướng Anh bị bỏ phiếu bất tín nhiệm; Philippines gia hạn thiết quân luật tại Mindanao
(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra nhiều tin tức nổi bật như: Thủ tướng Anh bị bỏ phiếu bất tín nhiệm; Philippines gia hạn lệnh thiết quân luật tại Mindanao; Hai miền Triều Tiên hoàn tất kiểm chứng việc phá hủy các trạm gác tại DMZ; Bộ Công an Trung Quốc đứng sau vụ bắt giữ công dân Canada?...
Thủ tướng Anh đối diện với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Khả năng lãnh đạo của thủ tướng Theresa May đang bị đặt dấu chấm hỏi ngày càng lớn từ trong và ngoài đảng cầm quyền vì tiến trình Brexit - Ảnh: Reuters |
Các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ Anh ngày 12/12 đã kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ đảng với bà May - đương kim thủ tướng và chủ tịch đảng, trong bối cảnh tiến trình Anh rời khỏi EU (Brexit) đang rơi vào hỗn loạn. Ông Graham Brady, chủ tịch Ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ, cho biết cuộc bỏ phiếu sẽ được tiến hành từ 18h đến 20h ngày 12-12 (giờ London) tại trụ sở Hạ viện Anh. Các lá phiếu sẽ được kiểm đếm ngay sau đó, kết quả cuối cùng sẽ được công bố chính thức ngay trong đêm 12/12, tức rạng sáng mai theo giờ Việt Nam.
Bà Theresa May sẽ bị mất chức lãnh đạo đảng, đồng nghĩa mất chức thủ tướng nếu có 158/315 nghị sĩ đảng Bảo thủ bỏ lá phiếu bất tín nhiệm bà. Nếu kết quả là bất lợi cho bà May, nước Anh sẽ phải hoãn tiến trình Brexit, theo Bộ trưởng Tư pháp Anh David Gauke.
Hai miền Triều Tiên hoàn tất kiểm chứng việc phá hủy các trạm gác tại DMZ
Một trạm gác của Triều Tiên ở khu phi quân sự DMZ được phá hủy ngày 20/11/2018. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Hàn Quốc và Triều Tiên đã hoàn tất tiến trình kiểm chứng hoạt động phá hủy của hai bên đối với các trạm gác tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Trong thông tin gửi tới báo giới ngày 12/12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ 11 nhóm thanh sát viên của Triều Tiên đã hoàn tất công tác kiểm chứng việc phá hủy 11 trạm gác của Hàn Quốc bên phía Nam DMZ và đã đi qua Đường ranh giới quân sự (MDL) để trở về Bình Nhưỡng vào khoảng 16h53' giờ địa phương (khoảng 14h53' giờ Việt Nam).
Trước đó, sáng cùng ngày, Hàn Quốc cũng đã cử 11 nhóm, mỗi nhóm gồm 7 thanh sát viên, tới kiểm chứng tại chỗ đối với việc dỡ bỏ vũ khí và rút binh sĩ tại 11 trạm gác bên phía Triều Tiên. Các nhóm này đã qua MDL thông qua những con đường mới mở kết nối giữa các trạm gác của hai miền.
Bộ Công an Trung Quốc đứng sau vụ bắt giữ công dân Canada?
Michael Kovrig bị bắt giữ tại Trung Quốc sau khi Canada bắt giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu - Ảnh: AFP |
Tổ chức phi chính phủ International Crisis Group cáo buộc an ninh nhà nước Trung Quốc đứng sau vụ bắt giữ cựu nhân viên ngoại giao Canada Michael Kovrig tối thứ hai tuần này tại Bắc Kinh. Theo Hãng tin Reuters, ông Michael Kovrig làm việc cho International Crisis Group (ICG) trong vai trò cố vấn cấp cao về Đông Bắc Á.
Cũng trong ngày 12/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông tin công dân Canada Michael Kovrig có thể đã vi phạm luật tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài của Trung Quốc vì làm việc cho ICG nhưng tổ chức này không đăng ký. Tuy nhiên, ông Kovrig "mất tích" chỉ 9 ngày sau vụ bắt giữ giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, tại Canada gây chấn động cả thế giới khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi. Có thể nói Canada, và đằng sau là Mỹ, đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Cuối tuần rồi, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng đã triệu tập đại sứ Canada John MacCallum để cảnh báo về "hậu quả nặng nề".
Hòa đàm Yemen đạt được ít tiến triển
Vòng đàm phán giữa chính phủ Yemen và phiến quân Huthi tại Thụy Điển kéo dài suốt tuần qua, nhưng rất ít tiến triển đạt được. Ảnh: Reuters |
Vòng đàm phán giữa chính phủ Yemen và phiến quân Houthi tại Thụy Điển kéo dài suốt tuần qua, nhưng đạt được rất ít tiến triển. Vòng đàm phán giữa chính phủ Yemen và phiến quân Houthi tại Thụy Điển tập trung vào việc trao đổi tù nhân, tham vấn về các vấn đề gai góc như quy chế thành phố cảng Hodeidah, tái mở cửa sân bay Sanaa, nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên tham chiến ở Yemen.
Đột phá lớn nhất tại cuộc hòa đàm là hai bên trao cho nhau danh sách gồm 15.000 tù nhân để tiến hành một cuộc trao đổi. Cuộc trao đổi tù nhân sẽ được tiến hành thông qua sân bay Sanaa do phiến quân Houthi kiểm soát tại miền Bắc Yemen và sân bay Sayun do chính phủ kiểm soát ở miền Nam nước này. Liên Hợp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế sẽ giám sát quá trình này. Bên cạnh điểm sáng duy nhất này, vòng hòa đàm Yemen vẫn chưa giải quyết được các vấn đề bế tắc chính như thỏa thuận ngừng bắn ở cảng Hodeidah, tái mở cửa sân bay Sanaa.
Philippines gia hạn lệnh thiết quân luật tại Mindanao
Binh sĩ Philippines tại khu vực Marawi, Mindanao. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Ngày 12/12, Quốc hội Philippines đã thông qua việc gia hạn tình trạng thiết quân luật tại đảo Mindanao thêm 12 tháng sau khi Tổng thống nước này Rodrigo Duterte đề xuất các biện pháp an ninh siết chặt nhằm ngăn chặn việc các nhóm Hồi giáo cực đoan quay trở lại khu vực miền Nam trên.
Với 235 phiếu thuận và 28 phiếu chống, các nghị sĩ Philippines đã thông qua việc duy trì lệnh thiết quân luật tại Midanao đến cuối năm 2019. Đây là lần thứ ba Philippines phải gia hạn tình trạng này tại Mindanao. Trước đó, tình trạng thiết quân luật được ban bố tại Mindanao vào ngày 23/5/2017, thời điểm các phần tử khủng bố thuộc nhóm Maute và Abu Sayyaf tấn công thành phố Marawi. Theo Hiến pháp 1987, lệnh thiết quân luật có hiệu lực trong 60 ngày, nhưng theo đề nghị của Tổng thống Duterte, Quốc hội đã gia hạn tình trạng thiết quân luật tới ngày 31/12/2017.
Thêm hai trường y Nhật Bản thừa nhận kỳ thị nữ sinh
Người biểu tình phản đối chính sách kỳ thị giới tại trường đại học y khoa Tokyo - Ảnh: SHUTTERSTOCK |
Nhiều tháng sau khi Đại học Y khoa Nhật Bản bị phanh phui chuyện sửa điểm thi để đánh trượt bớt thí sinh nữ, lại có thêm 2 trường đại học khác của nước này thừa nhận đã có sự kỳ thị giới tương tự. Theo báo Guardian (Anh), mới đây, đại học Juntendo và đại học Kitasato (cả hai trường đều ở Tokyo) thừa nhận đã đặt ra mức điểm chuẩn thấp hơn cho thí sinh nam so với nữ để có thể đảm bảo đạt đủ số nam sinh tốt nghiệp tiếp tục theo đuổi chuyên môn ngành y.
Thoạt đầu trường Juntendo và nhiều đại học khác một mực khẳng định họ không đặt ra chính sách kỳ thị với phụ nữ và không chịu thừa nhận chính sách tiếp nhận sinh viên của họ có vấn đề gì. Sau khi có những kết luận không thể chối cãi của các nhà điều tra độc lập, họ mới chịu nhận sai.