Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp nhà nước phải thể hiện vai trò động lực, dẫn dắt nền kinh tế
(Baonghean.vn) - Sáng 14/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
HOẠT ĐỘNG CỦA KHU VỰC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CÓ NHIỀU ĐIỂM SÁNG
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tại các điểm cầu đã dành phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân tử vong trong vụ cháy tại Hà Nội và 7 nạn nhân tử vong do lũ quét tại Lào Cai vào đêm 12/9, rạng sáng 13/9.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Trong đó, có 77 doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, bao gồm 6 tập đoàn kinh tế, 53 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con.
Năm 2022, tổng tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước là hơn 3,8 triệu tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu là hơn 1,8 triệu tỷ đồng; Tổng giá trị vốn Nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước hơn 1,6 triệu tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu là 689.534 tỷ đồng; lãi phát sinh trước thuế là 67,403 tỷ đồng; nộp ngân sách 67.233 tỷ đồng. Ước tính cả năm 2023, tổng doanh thu đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, lãi suất trước thuế ước đạt 117.388 tỷ đồng; nộp ngân sách ước đạt 128.821 tỷ đồng.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chi phối, chủ động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Năm 2022, tổng doanh thu của doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng, lãi phát sinh trước thuế 241.165 tỷ đồng, nộp ngân sách 382.904 tỷ đồng. Các doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 28% thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước có nhiều điểm sáng. Cơ bản, các doanh nghiệp nhà nước hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách... tăng lên; thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần đảm bảo một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước tiếp tục bảo toàn và phát triển vốn, tài sản, áp dụng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt, cùng với doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia.
Tuy nhiên, hoạt động của một số doanh nghiệp nhà nước vẫn còn thua lỗ, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh. Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; tiến độ phê duyệt Đề án tái cơ cấu, Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực.
Mặt khác, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn còn hạn chế. Hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Vai trò trong hỗ trợ và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội... chưa nổi bật. Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm; việc xử lý các dự án thua lỗ kém hiệu quả, chưa triệt để...
Tại hội nghị, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã báo cáo cụ thể tình hình sản xuất kinh doanh; nêu lên các vướng mắc, khó khăn và đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung quan trọng. Lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đã báo cáo các nội dung liên quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Tại Nghệ An, hiện có 26 doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh làm chủ sở hữu hoặc đại diện phần vốn Nhà nước. Các doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực thiết yếu, phục vụ an sinh xã hội hoặc các lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không đầu tư. Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2022, có 21/26 doanh nghiệp nhà nước báo lãi.
Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước về cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao. Năm 2022, tổng doanh thu khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 749 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm gần 3,7 tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 51 tỷ đồng. Ước 8 tháng năm 2023, tổng doanh thu khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 471 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm hơn 31 tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 30 tỷ đồng.
DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC PHẢI TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC, DẪN DẮT NỀN KINH TẾ
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp: Chung sức đồng lòng, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng cho rằng, quan điểm chung thời gian tới là phải tháo gỡ các khó khăn mới phát sinh và các khó khăn, vướng mắc đã tích tụ nhiều năm, kịp thời đưa ra các chính sách giải quyết hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt, mở đường để thúc đẩy tăng trưởng nên phải huy động được nguồn lực này. Doanh nghiệp nhà nước cần đầu tư trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Mặt khác, Chính phủ, các ngành, địa phương, chủ sở hữu phải đồng hành, kề vai sát cánh với doanh nghiệp. Phát huy tinh thần đoàn kết, bản sắc văn hoá dân tộc, đạo đức kinh doanh, nỗ lực, tự vươn lên bằng nội lực. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đồng thuận của nhân dân, xây dựng doanh nghiệp nhà nước trở thành tiên phong, với vai trò dẫn dắt; tập trung đổi mới tổ chức công tác đảng, đổi mới sắp xếp cán bộ.
Nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục góp phần hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực trên tinh thần phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp phải tăng cường đóng góp xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu doanh nghiệp sát với tình hình thực tế, tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn. Các doanh nghiệp phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược. Các doanh nghiệp kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc để được giải quyết, tháo gỡ kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng mong các doanh nghiệp tích cực góp phần xây dựng hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách; đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ, khuyến khích, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đề cao đạo đức doanh nhân, có trách nhiệm với xã hội, đặc biệt là vùng sâu, vùng khó khăn, những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn; chăm lo cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân, người lao động.
Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Khai thác hiệu quả các FTA, quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp của Việt Nam với các nước trên thế giới. Cùng nhau chia sẻ các khó khăn, kinh nghiệm, đoàn kết thống nhất, cạnh tranh lành mạnh để cùng nhau phát triển; tập trung đào tạo nguồn nhân lực các ngành mới nổi như chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tăng trưởng xanh...
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới.