Thủ tướng Nhật Bản lâm vào "thế khó" với dự luật an ninh gây tranh cãi

16/06/2015 08:14

(Baonghean) - Hàng nghìn người dân Nhật Bản vừa qua đã tiến hành biểu tình phản đối dự luật an ninh mới của Thủ tướng Shinzo Abe, trong đó tăng cường vai trò và mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng quân đội nước này ra nước ngoài.

Biểu tình diễn ra trong bối cảnh, Thủ tướng Abe đang tìm cách hối thúc quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật an ninh - vốn đã gây tranh cãi ngay từ khi được nội các chính phủ thông qua hồi giữa tháng trước. Dù đã tuyên bố quyết tâm thông qua dự luật này, nhưng Thủ tướng Nhật Bản rõ ràng đang lâm vào thế khó, khi vừa phải quyết liệt thay đổi chính sách quốc phòng vừa phải xoa dịu dư luận đang chia rẽ trong nước.

Được nội các chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe thông qua hôm 14 tháng trước, dự luật an ninh sửa đổi Nhật Bản cho phép mở rộng đáng kể quy mô các hoạt động ở nước ngoài của lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), trong đó có việc thực thi quyền phòng vệ tập thể. Cụ thể hơn, nếu được Quốc hội thông qua thì lực lượng phòng vệ Nhật Bản lần đầu tiên sẽ được hoạt động tại nước ngoài kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Theo lộ trình, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe đã trình Quốc hội xem xét và hiện dự luật này đang là tâm điểm của kỳ họp Quốc hội Nhật Bản. Nhiệm vụ của Thủ tướng Nhật Bản là giải thích cặn kẽ và thuyết phục toàn thể Quốc hội thông qua dự luật an ninh nội trong phiên họp lần này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: japantimes.co.jp)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: japantimes.co.jp)

Thế nhưng, bất chấp Thủ tướng Abe tuyên bố rằng, Nhật Bản không thể tiếp tục trốn tránh trách nhiệm hỗ trợ ổn định khu vực và việc thông qua các dự luật mà chính phủ đề xuất là “cần thiết” để đảm bảo an ninh quốc gia trong một môi trường an ninh phức tạp và diễn biến khó lường hiện nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thì dư luận trong dân, trong giới chuyên gia và các quan chức Nhật Bản vẫn đang chia rẽ sâu sắc. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất, 46% người dân ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong khi cũng có tới 42,1% phản đối. Hay một cuộc khảo sát khác do Đài NHK thực hiện cũng cho thấy, 49% số người dân được hỏi không hiểu rõ những thay đổi của chính sách quốc phòng mà Thủ tướng Abe đưa ra, và 50% số người được hỏi không ủng hộ việc mở rộng vai trò của lực lượng quân sự ở nước ngoài.

Những người ủng hộ cho rằng, đây là chính sách an ninh “tích cực hơn” mà chính phủ cần thực thiện. Trong khi đó, những người phản đối và các nghị sỹ đối lập lại cáo buộc Thủ tướng Abe đang cố đưa nước Nhật rời xa chủ nghĩa hòa bình. Một số học giả thì cho rằng, dự luật mà Thủ tướng đề xuất là vi hiến. Trước cuộc biểu tình lần này, hồi cuối tháng trước, gần 1.000 người trong đó có các nghị sỹ đối lập cũng đã tụ tập bên ngoài trụ sở Hạ viện Nhật Bản nhằm ngăn cản các phiên thảo luận về dự luật an ninh mới mà Thủ tướng Abe đề xuất. Thực ra có thể hiểu được suy nghĩ của người dân Nhật Bản lúc này, bởi trong vòng 70 năm qua, họ đã ăn sâu một hình ảnh nước Nhật ổn định và hòa bình, vốn được thực hiện bởi Điều 9 Hiến pháp. Theo đó, “người Nhật Bản sẽ mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền tối cao của quốc gia và từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Có lẽ đây cũng là điều người dân Nhật Bản mong muốn duy trì sau sự thất bại và những lỗi lầm mà nước Nhật đã gây ra hồi chiến tranh thế giới thứ 2.

Thế nhưng ở vị trí của mình, Thủ tướng Shinzo Abe khó có thể ngồi yên trước những diễn biến an ninh mới trong khu vực châu Á, đặc là sự trỗi dậy và những hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Điều 9 Hiến pháp có thể khiến kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh do không phải đầu tư phát triển quân sự, quốc phòng trong một thời gian dài. Thế nhưng, theo Thủ tướng Abe, nếu không sẵn sàng chuẩn bị mà chỉ “ngồi yên” nhận sự bảo hộ của Mỹ như 70 năm qua, thì thực sự không đủ để đảm bảo cho an ninh Nhật Bản trước những mối nguy an ninh mới.

Bởi thế mà vào tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Abe đã có một bước đi lịch sử, khi nội các của ông đã thông qua một nghị quyết nhằm diễn giải lại Hiến pháp hòa bình, trong đó dỡ bỏ lệnh cấm Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể, bao gồm việc hỗ trợ một nước đồng minh của Nhật Bản trong trường hợp nước này bị tấn công. Không chỉ vậy, nhằm ủng hộ chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, việc từng bước điều chỉnh chính sách quốc phòng như hiện nay cũng là nhằm tăng cường sức mạnh cho liên minh Mỹ - Nhật, một “gọng kìm” mà Trung Quốc phải đề phòng. Dự luật an ninh mới theo Thủ tướng Abe cũng nhằm gia tăng vị thế và vai trò quốc tế lớn hơn cho Nhật Bản trong khu vực và trên toàn thế giới.

Vào lúc này, Thủ tướng Abe đã khẳng định quyết tâm để các dự luật này được thông qua trong kỳ họp Hạ viện Nhật đang diễn ra. Dự kiến kỳ họp sẽ kéo dài đến ngày 24/6, thế nhưng theo các nghị sỹ, thời gian có thể được kéo dài thêm 1 tháng hoặc hơn để Quốc hội có thêm thời gian xem xét và cuối cùng sẽ được thông qua. Trong một tuyên bố, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ sẽ nỗ lực bằng mọi giá để có thể ban hành dự luật an ninh trong phiên họp lần này của Quốc hội. Trước đó, trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 29/4, Thủ tướng Abe cũng đã hứa rằng, dự luật sẽ được ban hành ngay trong mùa hè này. Theo giới phân tích, khả năng dự luật an ninh được Quốc hội Nhật Bản thông qua lần này là khá cao, bởi đảng cầm quyền hiện vẫn chiếm đa số tại đây. Tuy nhiên, cái khó lúc này của Thủ tướng Abe là phải đưa ra những giải thích cặn kẽ, thuyết phục Quốc hội cũng như xoa dịu người dân trước những điều chỉnh quốc phòng mới. Bởi rõ ràng, một dự luật hay một chính sách mới ở bất cứ quốc gia nào sẽ dễ dàng thực hiện và mang lại hiệu quả hơn nếu có sự đồng thuận của đa số người dân.

Phương Hoa

Thủ tướng Nhật Bản lâm vào "thế khó" với dự luật an ninh gây tranh cãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO