Thủ tướng Trung Quốc đối mặt với sức ép tại Ấn Độ

19/05/2013 17:07

Hôm nay 19-5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ trong thời điểm quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi đang xấu đi nghiêm trọng do vụ lính Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ tháng trước.

Theo báo India Express, ngay trong hôm nay ông Lý Khắc Cường sẽ có cuộc hội kiến với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin tuyên bố New Delhi “đánh giá cao” việc ông Lý Khắc Cường chọn Ấn Độ là địa điểm công du nước ngoài đầu tiên.



Tuy nhiên, cùng lúc một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Ấn Độ là Gautam Bambawale khẳng định Thủ tướng Singh sẽ thẳng thắn đề cập với ông Lý “mọi vấn đề” giữa Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay. Trọng tâm của cuộc thảo luận sẽ là vụ lính Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ hồi tháng trước.

Quyết ngăn chặn sự xâm nhập tái diễn

Hồi giữa tháng 4, một nhóm binh sĩ Trung Quốc đã vượt qua đường biên giới Trung - Ấn (LAC), tiến sâu vào 20km trong lãnh thổ Ấn Độ và dựng lều trại tại đây. Địa điểm quân Trung Quốc xâm phạm là vùng Ladakh thuộc khu vực phía tây Himalaya. Sau nhiều cuộc đàm phán giữa hai bên, mãi đến ngày 5-5 nhóm quân Trung Quốc mới rút về nước.

Bất chấp sự phản đối của New Delhi, Bắc Kinh khăng khăng tuyên bố nhóm quân Trung Quốc “không hề vượt qua đường LAC”. Dư luận Ấn Độ chỉ trích chính quyền New Delhi đã phản ứng quá yếu ớt trước sự xâm lấn của Trung Quốc. Hôm qua, Hãng tin Press Trust of India dẫn lời một số quan chức chính quyền Ấn Độ khẳng định New Delhi quyết gây sức ép với chính quyền Bắc Kinh để ngăn chặn những cuộc xâm nhập tương tự tái diễn.

Chưa hết, báo Hindustan Times cho biết mới đây Bộ Quốc phòng Ấn Độ công bố báo cáo cảnh báo “nguy cơ lớn” của việc Trung Quốc tăng cường triển khai sức mạnh hải quân ở Ấn Độ Dương, ngay gần khu vực cửa ngõ đi vào Ấn Độ. Báo cáo khẳng định hải quân Trung Quốc muốn kiểm soát “những tuyến đường biển nhạy cảm” trên Ấn Độ Dương.

Báo Daily News & Analysis cho biết ngoài vấn đề tranh chấp lãnh thổ, Thủ tướng Manmohan Singh và Thủ tướng Lý Khắc Cường còn sẽ phải đối thoại về một vấn đề nóng nữa trong quan hệ hai nước. Đó là cán cân thương mại đang ngả hẳn về phía Trung Quốc. Ấn Độ cũng sẽ đòi Trung Quốc phải đảm bảo rằng việc Bắc Kinh xây thêm ba đập thủy điện lớn trên sông Brahmaputra (Trung Quốc gọi là sông Yarrlung Tsangpo) sẽ không ảnh hưởng đến nguồn nước ở hạ lưu thuộc lãnh thổ Ấn Độ.

Độc chiêu “tạo tranh chấp để đòi chủ quyền”

Canh bạc nguy hiểm

Trên tạp chí The Diplomat, chuyên gia Yaping Wang thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) nhận định chiến thuật “thay đổi hiện trạng” của Trung Quốc sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ cho chính Bắc Kinh. Đó là nguy cơ xung đột trên biển, tâm lý chống Trung Quốc ở các nước dâng cao, và cộng đồng quốc tế hiểu rõ “kẻ bắt nạt” chính là Trung Quốc. Do đó, môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc sẽ trở nên xấu đi. “Trung Quốc đang chơi một canh bạc nguy hiểm” - chuyên gia Yaping Wang nhận định.

Mới đây, Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) công bố báo cáo chỉ trích Trung Quốc đang sử dụng chiêu “tạo ra tranh chấp để đòi chủ quyền” trên biển Hoa Đông và biển Đông. Báo cáo Dangerous waters (Các vùng biển nguy hiểm) cho biết Bắc Kinh đang áp dụng một chiến thuật chung trên hai vùng biển. Đó là coi những động thái bảo vệ chủ quyền của quốc gia khác là “hành vi gây hấn”, rồi áp dụng biện pháp mạnh để trả đũa nhằm mục tiêu “thay đổi hiện trạng” theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9-2012, Trung Quốc lập tức tuyên bố vùng biển quanh Senkaku là “đường cơ sở lãnh hải”. Theo luật riêng của Trung Quốc, “đường cơ sở” bao quanh Senkaku đồng nghĩa với việc quần đảo này thuộc chủ quyền Trung Quốc. Từ đó, Bắc Kinh liên tục triển khai tàu tuần tra ra vùng biển quanh quần đảo Senkaku. ICG cho biết đây thực tế là hành vi “thiết lập sự kiểm soát chồng chéo” tại vùng biển Senkaku nhằm buộc Nhật phải thừa nhận đây là vùng tranh chấp.

Trung Quốc cũng từng nhiều lần áp dụng chiến thuật này trên biển Đông. Mượn cớ việc Philippines triển khai tàu chiến tới bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép tại bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh đã chiếm cứ bãi cạn này. Như vậy, Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng bãi cạn Scarborough theo hướng có lợi cho mình trong khi vẫn đổ tội cho Philippines là “gây hấn”.

Để che mắt dư luận quốc tế, Bắc Kinh mô tả hành động của các quốc gia khu vực là “nước nhỏ bắt nạt nước lớn”. ICG cho biết mục tiêu của chiến thuật này là thay đổi vĩnh viễn hiện trạng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Và mới đây nhất Trung Quốc đã lặp lại chiến thuật này ở biên giới Ấn Độ.


Theo Tuoitre - ĐT

Mới nhất
x
Thủ tướng Trung Quốc đối mặt với sức ép tại Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO