(Baonghean) - 68 năm đã trôi qua, sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám, cùng với cả nước, lịch sử phát triển của thành phố Vinh đã bước sang một trang mới: Vinh trở thành đô thị loại 1 với những bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Thế nhưng, để có ngày hôm nay, chúng ta không thể nào quên Vinh của những ngày trước khi có Đảng soi đường.
Ký ức xưa
Một ngày đầu tháng Tám, chúng tôi tìm về đền Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết, đứng trên độ cao 97m so với mực nước biển, nhìn ra bốn phía thấy Vinh dài, rộng và thênh thang lạ thường. Phía Bắc, con đường Thiên Lý 1A hiện ra xa xa dài tít tắp như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ Nam chí Bắc, và Vinh của chúng ta nằm giữa hai trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của cả nước… Mới thấy, trách chi năm 1788 Quang Trung Nguyễn Huệ đã chọn Vinh để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Mặc dù chưa hoàn chỉnh vì năm 1792, Vua Quang Trung đột ngột băng hà nhưng Phượng Hoàng Trung Đô có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Vinh sau này.
Trong “Thành phố Vinh - quá trình hình thành và phát triển” của Nguyễn Quang Hồng có đoạn: “Cho đến khi Quang Trung xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô, lỵ sở của Nghệ An vẫn đóng ở Lam Thành. Tháng 5/1804, Vua Gia Long xuống chiếu cho Tả quân Lê Văn Duyệt đốc thúc việc xây thành đắp lũy để chuyển dời lỵ sở Nghệ An từ Lam Thành - Phù Thạch về Vinh ngày nay. Đây là mốc quan trọng đánh dấu chính thức việc Vinh trở thành trung tâm hành chính của Nghệ An, trở thành 1 trong 29 doanh trấn của cả nước ta thời kỳ đó”. Vào năm cuối của thế kỷ 19, Vinh được mô tả như một đô thị đã định hình.
Năm 1901, sách “Tổng quát An Nam” đã viết: “Vinh cách Huế 400 cây số, cách Hà Nội 296 cây số, có 40 người Âu, 161 người Hoa, 12.000 người Việt, là tỉnh lỵ Nghệ An. Cách đây 2 năm Vinh đã trở thành một thành phố thực sự có những con đường rải đá thẳng xinh đẹp, những đường phố có nhiều hiệu buôn của người Trung Hoa và người Việt, những hiệu làm nghề thủ công như đồ sắt, đồ thêu, làm lọng, đồ mã, buôn gỗ nứa. Khu vực người Hoa kiều ở có nhiều nhà gác cao đẹp, sân xây bằng đá san sát đều nhau”.
![]() |
Thị xã Vinh năm 1958.
Để hiểu hơn về kinh tế - đời sống - xã hội - con người Vinh lúc bấy giờ, chúng tôi đã tìm đến nhà một số người dân, lão thành cách mạng từng sống, hoạt động thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, và được nghe kể rằng: Sau khi chiếm được Nghệ An, thực dân Pháp với chủ trương “khai thác bằng từng gói nhỏ”, nên chúng tập trung chú ý vào vùng Bến Thủy. Bến Thủy từ một đồn binh, một bến sông dần dần mang tầm vóc một bến cảng, một cửa ngõ của một khu công nghiệp.
Để khai thác giao thông vận tải, thực dân Pháp cho khôi phục lại một số tỉnh lộ quan trọng: Đường Thiên Lý cũ, lúc này lấy tên là Quốc lộ 1 xuyên Việt, đường sắt xuyên Đông Dương; đường sông từ Bến Thủy ra Cửa Hội được nạo vét, mở rộng để trở thành một bến cảng rộng lớn (năm 1927, tổng sản lượng hàng xuất khẩu qua cảng là 14.741 tấn). Đến lúc này các tuyến Quốc lộ 8 xuất phát từ Vinh và Quốc lộ 7 chính thức bắt đầu từ ngã ba Phủ Diễn đã được thăm dò, khai thông để nối với nước bạn Lào… Các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy mọc lên càng nhiều: Công ty Lào bán hàng lâm thổ sản và thu mua hàng công nghiệp; Công ty Diêm Đông Dương, Công ty Lâm nghiệp thương mại Trung Kỳ, Công ty Vận tải ô tô Bắc Kỳ và Lào…
Đặc biệt, Công ty vô danh đường sắt Đông Dương SACFI đặt ở Vinh một xưởng sửa chữa đầu máy xe lửa và làm toa xe gọi là Nhà máy Trường Thi - là xưởng sửa chữa xe lửa lớn thứ hai Đông Dương (sau Nhà máy xe lửa Gia Lâm). Chính nhà máy xe lửa là nơi nổ ra các cuộc biểu tình cách mạng của công nhân Vinh sau này. Về sau công ty này còn lập ra một nơi lưu giữ và sửa chữa nhỏ các đầu máy xe ở gần nhà ga, gọi là Đề - pô Vinh.
Năm 1927, toàn quyền Đông Dương cho thành lập Thành phố Vinh - Bến Thủy trên cơ sở sáp nhập ba trung tâm đô thị là Vinh, Trường Thi, Bến Thủy. Vinh được phân chia thành 10 khu phố từ Đệ Nhất đến Đệ Thập. Lúc này Vinh đã được định hướng không chỉ trung tâm của tỉnh Nghệ An mà là một đô thị lớn của Trung Kỳ, trung tâm của cả vùng Bắc Trung bộ. Nhà máy điện Vinh đã ra đời đặt tại Bến Thủy. Sản lượng tiêu thụ điện của Vinh năm 1936 bằng 1/4 sản lượng tiêu thụ điện ở Trung Kỳ, gấp đôi Đà Nẵng, gấp 5 lần Quy Nhơn và gấp 10 lần Hội An.
Mạng lưới điện kích thích sự mở rộng thêm các xưởng máy, hiệu buôn, các công ty tư bản như: Xưởng in Vương Đình Châu (đường Ma - se - san Phốc), nhà băng Đông Dương, nhà băng Canh Nông (phố Đệ Nhất), nhà máy cưa Lơ - giơn ở cầu Cửa Tiền, hãng buôn cao su Đờ Coóc - nuy, hiệu buôn lâm sản Măng - giơ (Bến Thủy) cùng các hiệu buôn ngũ kim Đuy - pê, Bi - sô - pê, E - dơ - lốt… và các Công ty dầu hỏa Pháp - Á, Công ty nhập khẩu Stăng - đa... Các hiệu buôn người Hoa thì hầu như nắm độc quyền về thuốc Bắc, hương liệu và thực phẩm cao cấp. Họ cùng với người Ấn nắm nguồn hàng bông vải sợi như Vĩnh Hương Tường, Vĩnh Hưng Long, Vĩnh Ký...
Sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã kéo theo sự phát triển không kém về đời sống văn hóa: Đây cũng là thời điểm giao thời giữa lối học và thi cử cũ với cách thức giáo dục mới. Trường Quốc học Vinh ra đời làm nhiệm vụ đào tạo học sinh trung học cho cả các tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình. Một số tờ báo như Sao Mai, Thanh Nghệ Tĩnh… các Hội âm nhạc, diễn xướng dân ca, văn hóa nghệ thuật… cũng đã ra đời đáp ứng nhu cầu của giới thượng lưu và một bộ phận tầng lớp tiểu tư sản, trí thức…
Hàng loạt các thiết chế văn hóa cũng ra đời: có tới 3 rạp chiếu bóng, riêng rạp An Nam xi nê có sức chứa 800 chỗ ngồi. Ngoài phật giáo, nho giáo, công giáo cũng đã xâm nhập vào một bộ phận quần chúng nhân dân, nhà thờ cầu Rầm đã là một địa danh gắn với đời sống văn hóa người Vinh. Thời kỳ này, sân bóng đá, bóng chuyền, ten nít, bể bơi… được xây dựng. Các hiệu sách, hiệu ảnh, hiệu cắt tóc mọc lên ngày càng nhiều. Đã có hẳn một phố tập trung nhiều nhà thổ mà dân ta vẫn thường gọi là “phố cô đầu”.
Thời đó đã có những đội bóng đá nổi tiếng như Lam thành túc cầu, ASZAT, Poolit, đặc biệt là đội ASNA. Màu vàng của đội bóng ASNA lừng lẫy một thời nay vẫn còn lưu lại trong màu áo của Sông Lam Nghệ An. Đến những năm cuối thập kỷ XX của thế kỷ trước dân số Vinh đã tăng lên gần 2 vạn người, riêng phu xe có tới trên dưới 400 người, trong số đó có tới trên dưới 8 nghìn công nhân làm việc trong các nhà máy Trường Thi, Bến Thủy và Đê -pô xe lửa Vinh.
Để quản lý chặt chẽ, bộ máy hành chính ở Nghệ An được Pháp sử dụng để quản lý Thành phố Vinh - Bến Thủy chứ không quản lý riêng biệt. Chúng đặt ra nhiều quy định về việc thu các loại thuế: từ thuế mổ trâu, bò, thuế đấu thầu cho đến thuế bán gia súc, thuế thuyền đậu lại ở cảng…
Sục sôi cách mạng
Trước Cách mạng tháng Tám, bên cạnh lối sống khá giả của các nhà buôn, các tầng lớp kinh doanh thì có khá đông người dân Vinh và các vùng phụ cận có cuộc sống khổ cực. Một bộ phận làm việc với tiền công rẻ mạt trong các nhà máy do người Pháp làm chủ lại thường xuyên bị đánh đập, tra hỏi. Các cư dân lao động làm các nghề phu xe, bốc vác… cũng luôn thiếu việc làm, không đủ ăn. Tình cảnh đó cùng với lòng yêu nước nồng nàn, nên nhiều cuộc biểu tình đã nổi dậy: Từ khởi nghĩa Phan Đình Phùng đến phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, rồi phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh…
Mặc dù những cuộc nổi dậy tự phát này không thành công nhưng đánh dấu phong trào đấu tranh chống ách áp bức của người dân xứ Nghệ. Sau sự kiện thành lập Đảng ngày 3/2/1930, đến cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, rồi tiếp sau đó là cuộc biểu tình của công nhân Đê - pô xe lửa Vinh, công nhân Trường Thi - Bến Thủy đòi tăng lương, giảm giờ làm. Tiêu điểm là cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Để dẫn đến cuộc khởi nghĩa này, trước đó năm 1941, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Hội Việt Nam cách mạng đồng minh có tuyên ngôn, chương trình và điều lệ hoạt động cụ thể. Cũng năm này ở Vinh, các tổ chức cơ sở đảng sau khi phục hồi đã tích cực chỉ đạo phong trào cách mạng trên địa bàn. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, giành quyền lực, chúng vơ vét lương thực đã gây ra nạn đói giết chết hơn 2 triệu người Việt Nam. Trên các đường phố của Vinh, của cả tỉnh, cả nước, người chết và ăn xin nằm la liệt.
Trước tình cảnh đó, các hội cứu quốc cũng được thành lập trong các nhà máy, nhiều người dân tham gia tự vệ đường phố. Ngày 13/8/1945 Nhật đầu hàng đồng minh. Thời cơ đã đến, từ ngày 13 đến 15/8/1945 Đảng ta họp tại Tân Trào thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa. Sau khi có lệnh của Trung ương, Việt Minh liên minh Nghệ - Tĩnh đã phát động khởi nghĩa trên toàn tỉnh. Mở đầu là nhân dân xã Thanh Thủy - Nam Đàn (ngày 16/8/1945), tiếp sau đó là ở Vinh như Yên Dũng - Lộc Đa (17/8/1945), Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên ngày 18/8/1945. Đặc biệt cuộc khởi nghĩa ở Vinh - Bến Thủy vào sáng ngày 21/8/1945 với hàng vạn nhân dân trong thành phố và ngoại thành, bao gồm mọi tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, từ già đến trẻ với gậy gộc, giáo mác… đã giương cao cờ đỏ sao vàng rầm rập biểu tình, tuần hành thị uy dọc các đường phố.
Trước khí thế hùng hồn của cách mạng Việt Nam, bọn Nhật đã phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Đúng 12h trưa ngày 21/8/1945, quần chúng đã kéo đến bao vây dinh tỉnh trưởng Nghệ An. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập, rồi Ủy ban công nhân cách mạng lâm thời cũng thành lập ở Nhà máy Trường Thi và các nhà máy khác. Cuộc khởi nghĩa ở Vinh đã kết thúc thắng lợi nhanh gọn chỉ trong 1 ngày và không hề xảy ra đổ máu. Sau thắng lợi ở Vinh, các huyện Diễn Châu ngày 21/8, Thanh Chương, Anh Sơn ngày 23/8, Yên Thành ngày 25/8… cũng đã nổi dậy giành chính quyền.
Cùng hòa chung với khí thể sục sôi ấy, với ông Dương Xuân Tùy, xóm Mẫu Đơn, xã Hưng Lộc, TP Vinh năm nay 89 tuổi đời, 65 năm tuổi đảng không thể nào quên cảm giác tự hào khi được tham gia và chứng kiến ngày quân và dân Thành phố Vinh giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ngày ấy, ông là Tự vệ trưởng Đội Tự vệ đỏ xã Lộc Đa (tức xã Hưng Lộc ngày nay). Ông Tùy được Ủy ban mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ thông tin liên lạc. Ông nhớ lại: Ngày 21 tập duyệt ở các xã. Ngày 22 tập hợp quần chúng đi thành hàng 5, hàng 6 hô vang khẩu hiệu “đánh đổ phát xít Nhật”, “lập chính quyền nhân dân cách mạng”, “Việt minh muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm”…
Cuộc tổng khởi diễn ra từ thành phố, đồng bằng đến miền ngược diễn ra chỉ trong 9 ngày nhưng thành công rực rỡ. Đó là kết quả của cả một quá trình đấu tranh lâu dài đầy gian khổ của các tầng lớp nhân dân kể từ khi thực dân Pháp đặt chân đến Nghệ An. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cả nước, phá tan chế độ nô lệ, thực dân phong kiến, mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam như lời Bác kính yêu đã khẳng định trong tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945: “.. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa …”.
Ngày mới
Sáng nay (17/8) ra phố thấy lòng phơi phới lạ, trong cơn gió heo may báo hiệu Thu sang, Vinh như đẹp hơn, êm đềm trong sắc vàng của nắng mùa Thu, các con phố như rộng hơn, rực rỡ hơn bởi các băng rôn, khẩu hiệu Chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Chợt vẳng nghe lời bài hát “19 tháng 8” rộn ràng trên cụm loa ở góc phố Quang Trung (Đệ Nhất xưa), thì ra bà con khối 6 đang náo nức đón danh hiệu khối phố văn hóa. Trong lời phát biểu chào mừng của bác bí thư khối, nhấn mạnh đầy xúc động: Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám mở ra một trang sử mới cho đất nước, Vinh - trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh ta cũng nằm trong xu thế chung đó.
Cùng với các địa phương trong tỉnh, Quang Trung - một trong những phường trọng điểm của thành phố, nơi trước Cách mạng tháng Tám các nhà máy, cửa hiệu lớn của người Hoa, xưởng in, nhà hát… tập trung chủ yếu trên con phố này đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, vươn mình trỗi dậy. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng bộ phường Quang Trung, sự nhất trí, đoàn kết của bà con trong khối, hôm nay khối 6 vui mừng đón danh hiệu Khối Văn hóa trong không khí cả dân tộc đang hướng về ngày 19/8 và Quốc khánh 2/9. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu chặng đường phát triển của khối trong suốt thời gian qua. Sự kiện này góp một phần nhỏ vào phát triển chung của phường. Để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay, chúng ta không thể nào quên những cống hiến hy sinh của lớp cha anh đi trước…
Ông Nguyễn Xuân Đô – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường phấn khởi: Sau hơn 10 năm thành lập phường, Quang Trung đã đổi thay rất nhiều, kinh tế tập trung vào dịch vụ - thương mại; đời sống văn hóa của người dân ngày một phát triển, nhiều ngành nghề từ trước cách mạng nay vẫn được bà con duy trì như buôn bán nhỏ ở chợ Vinh, các cửa hàng sửa chữa xe máy, nghề chở xe ba gác, hiệu ảnh… Để khôi phục lại những dấu tích Vinh xưa, thời gian qua, tỉnh cũng đã cho xây dựng lại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai trên phố Đệ Nhất (trước đây gia đình bà Hàn Bình - mẹ chị Minh Khai ở nay là Nhà hàng Hoàng Tử bé), rạp 12/9 (Annam xinê xưa), riêng chùa Diệc cũng đang được lập dự án để từng bước khôi phục, trả lại vẻ đẹp cổ kính cho ngôi chùa to nhất ở Vinh lúc bấy giờ.
![]() |
Thành phố Vinh hôm nay. Ảnh:Xuân Nhường
Cùng với Quang Trung, Trường Thi - Bến Thủy, Vinh hôm nay đã mở rộng ra phía Bắc với 20 phường, xã hội tụ các ngành nghề khác nhau: Dịch vụ thương mại ở các xã, phường trọng điểm và sản xuất rau màu hàng hóa ở các xã vùng ven đô. Thời gian qua, Vinh đã trở thành điểm dừng chân của nhiều dự án trong nước và quốc tế bởi đường hàng không, đường biển, đường bộ đều rất thuận lợi. Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô, 45 năm Thành phố Vinh, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Vinh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An với nhiều thời cơ và thách thức mới.
Năm nay, năm 2013, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Vinh đang có nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 225 năm Phượng Hoàng Trung Đô, 50 năm TP Vinh và 5 năm Vinh trở thành đô thị loại I. Vinh đã và đang đổi mới, phát triển xứng đáng với với sự hy sinh của thế hệ cha anh, niềm kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân.