"Thu xe của người say rượu"?

12/03/2015 10:36

(Baonghean) - Có thể nói, trong những ngày qua, dự thảo quy định về “thu xe của người say xỉn” (Kiến nghị tịch thu phương tiện nếu người điều khiển có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/ml khí thở của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) đã tạo nên một “cơn sốt nói lý” trên các diễn đàn với những quan điểm có khi ngược chiều nhau đến 180o.

Lâu nay, khi một chính sách mới nào đó đụng chạm đến dân sinh ngấp nghé ra đời thì dư luận xã hội lại được phen “trổ tài”... quan điểm. Thiệt thà mà nói, dù nhìn từ góc độ nào chúng ta cũng không quá nhọc nhằn để nhận ra cái tinh thần dân chủ thông qua câu chuyện “góp ý vào dự thảo văn bản” đang ngày càng được mở rộng. Trí tuệ, trách nhiệm, thậm chí cả quan điểm từng cá nhân cũng như cộng đồng được khơi dậy một cách đa chiều và khá mạnh mẽ. Có cả những chính sách ra đời từ “cold room ideas” (ý tưởng phòng lạnh) kiểu như “ngực lép chạy xe” hay “thịt quá tám tiếng” đã không kịp “chẵn tháng” buộc phải chấp nhận số phận chết yểu bởi tính ứng dụng thực tiễn của văn bản bị trống rỗng. Phát hiện và làm nên cuộc khai tử cho thứ văn bản này đều bắt nguồn từ trong dư luận.

Trở lại với dự thảo chủ trương tịch thu phương tiện đang gây tranh cãi trong dư luận. Phải nói rằng, ít khi có một chiến dịch tuyên truyền nào về tác hại của rượu lại được “phổ biến” hiệu quả như thế. Tác dụng bên lề của cái quy định còn thai nghén này lan nhanh hơn cả mong đợi. Người ta mặc nhiên thừa nhận rượu là tác nhân số một của hiện tượng vi phạm luật giao thông. Dư luận đang phân tích, mổ xẻ từng chi tiết của vấn đề theo nhiều hướng, tất nhiên trong đó không loại trừ cả xu hướng “bới lông tìm sẹo”. Một tờ báo nổi tiếng vừa giật tít “Cái xe có biết uống rượu bia đâu mà bị tịch thu?”. “Ga lăng” hơn, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội còn cá cược Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông Khuất Việt Hùng rằng, nếu đề xuất “tịch thu xe” làm giảm được 50% số vụ tai nạn giao thông thì ông ý sẽ bỏ tiền túi thưởng một tháng lương những... 7 triệu đồng!

Tuy nhiên, tiếng nói “phía bên kia” có vẻ bình tĩnh hơn: Ông Nguyễn Sỹ Cương (Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) bộc bạch: “Ở nước ta, việc vượt đèn đỏ và đi vào đường cấm dường như không phải phổ biến nữa mà nói hơi nặng nề là nó thành “quốc nạn” rồi. Chỉ cần đứng ngã tư mà đếm thì thấy vi phạm quá nhiều, chừng nào việc xử phạt còn thấp và hiện trạng vi phạm tràn lan như thế vẫn tồn tại thì các giải pháp khác đưa ra đều không giải quyết được vấn đề”. Vị này cũng không ngại ngần chia sẻ “Riêng với đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia, theo tôi việc tịch thu phương tiện nên áp dụng đối với những trường hợp tái phạm, còn đối với vi phạm lần đầu thì chưa nên áp dụng ngay.

Để thực hiện đề xuất này, nếu cần thiết thì phải sửa luật, vì pháp luật của ta ban hành ra trong thời điểm chưa xuất hiện những tình huống điển hình. Giờ trong xã hội có tình huống phát sinh, nếu cần thiết thì phải sửa đổi cho phù hợp, có những khi vừa sửa xong nhưng cần thiết thì vẫn phải sửa đổi tiếp”. Trên các diễn đàn còn xuất hiện thêm một bộ phận ý kiến “bỏ phiếu ủng hộ” nhưng băn khoăn về tính khả thi. Họ sợ hình phạt nặng này sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát sinh trong lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ. Phương tiện giao thông thường là một tài sản lớn, việc thu giữ cả chiếc xe chắc chắn sẽ làm cho người vi phạm vì tiếc của mà “chạy” bằng được. Rồi hết “gọi điện thoại cho người thân” lại chọn “phương án năm mươi năm mươi” thì sao? Chúng tôi không bác bỏ đấy là những lo lắng có cơ sở.

Theo kết quả khảo sát của một tờ báo điện tử có uy tín vừa được công bố thì tính đến chiều ngày 7/3, có 17% bạn đọc đồng tình với giải pháp nên tịch thu phương tiện vì tính mạng con người là trên hết. 29% bạn đọc cho rằng không nên tịch thu vì đó là tài sản quá lớn và nhiều khi không phải là của người vi phạm. Phương án chỉ nên xử phạt thật nặng và tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 năm được độc giả ủng hộ cao nhất: 54%.

Chúng tôi nghĩ rằng, phản biện không có nghĩa là cãi lấy được. Tịch thu hay không tịch thu xe của người say rượu là vấn đề quá nghiêm túc chứ không phải thích thì “cá cược một tháng lương” tựa như “thể thao chiều tà” thế được. Trước hết, về quan điểm, chúng tôi cho rằng cần phải ủng hộ Ủy ban ATGT quốc gia trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp mạnh. Có thể phương án tịch thu sẽ không được người đứng đầu Chính phủ chấp thuận, nhưng nó đã là thông điệp có độ “cứng” nhất từ trước tới nay. “Chúng ta không thể để một đất nước hòa bình mà mỗi năm có 9.000 người chết vì tai nạn giao thông” (Lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng). Bao nhiêu năm rồi, thường trực đầu lưỡi mọi người đều là “chế tài không đủ mạnh”. Ấy vậy mà, khi chế tài đủ mạnh chưa kịp hé lộ đã gặp phải những “bắt bẻ” không hề nhỏ.

Thôi, nếu cái chữ “tịch thu” nó làm khó cơ quan chức năng quá thì không tịch thu nữa mà “tạm giữ”, bao giờ người vi phạm có đủ tiền nộp phạt thì kính mời “chuộc” về. Thế đã được chưa, hay vẫn còn băn khoăn theo kiểu “chiếc xe nó có biết uống rượu đâu mà tạm giữ nó???”. Còn chuyện xe mượn, ồ, xe mượn, thì đã sao? Xe mượn không gây tai nạn chắc? Đã cho mượn xe thì coi như đồng ý chấp nhận mọi rủi ro (thậm chí kể cả bị tai nạn) chứ. Ai sợ liên lụy thì tốt nhất là, “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Nói gì thì nói xin đừng mượn xe”, nhỉ?

Nhân đây cũng nói luôn, giữ phương tiện của người say xỉn không chỉ mang lại sự chuyển biến tích cực cho vấn đề giao thông mà muôn trùng tai tệ nạn khác nữa cơ. Hầu hết các vụ đánh nhau, hãm hiếp có sự hiển diện của rượu cả đấy. Mọi tranh luận có lẽ cũng hướng đến sự an toàn. Mà an toàn là một trong những thước đo văn minh của xã hội. Khi chúng ta đang rôm rả bàn cãi chuyện tịch thu xe thì đây đó tai nạn giao thông vẫn đang đều đặn “tịch thu” mỗi ngày mấy chục mạng người. Xót lắm!

Quan điểm của người viết bài này là ai say xỉn mà vẫn điều khiển xe thì “hốt liền, không nói nhiều”, kiên quyết tạm giữ phương tiện, bước tiếp theo là công khai, rồi phạt, phạt thật nặng. Phạt gần như là tịch thu xe ấy! Không có biện pháp đáng kể thì khó mà hy vọng kết quả đáng kể. Đừng sợ, vì mạng sống của mình và bao người khác các “bợm nhậu” phải chấp nhận “hy sinh” rượu, bia thôi. Còn biết thế mà vẫn không “cai” được rượu thì “chết” xe là đúng rồi!

Nguyễn Khắc An

"Thu xe của người say rượu"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO