Thúc đẩy kinh tế thủy sản phát triển
(Baonghean) Hàng năm, tại các kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã thông qua các nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân. Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chúng ta thấy rất rõ điều đó.
(Baonghean) Hàng năm, tại các kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã thông qua các nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân. Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chúng ta thấy rất rõ điều đó.
Trong một chuyến công tác về Quỳnh Lưu, một nông dân nuôi tôm ở Quỳnh Bảng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về con tôm, con cá ở đây. Là một trong những hộ nông dân tham gia vào công việc nuôi tôm đầu tiên, anh cho biết: "Nuôi tôm nay đã khác hẳn rồi. Muốn có thu nhập người dân phải đầu tư máy móc, bỏ vốn liếng, khoa học kỹ thuật vào. Trong vòng hơn 10 năm qua, nghề nuôi tôm đã có bước tiến khá dài. Nuôi tôm là một nghề đòi hỏi vốn lớn, xây dựng cơ sở hạ tầng phải đồng bộ, phải được quy hoạch tập trung. Tính trung bình đầu tư hạ tầng cho nuôi tôm mỗi ha phải mất hàng trăm triệu đồng".
Được ngân sách hỗ trợ, bà con ngư dân mạnh dạn đầu tư phương tiện đánh bắt xa bờ.
Để phát triển nghề nuôi tôm, tỉnh đã có chính sách xây dựng hạ tầng cho vùng nuôi. Nhà nước hỗ trợ kinh phí khảo sát thiết kế, xây dựng hạ tầng như đường, mương cấp, mương tiêu, điện... Kết quả hàng loạt khu nuôi tôm công nghiệp ra đời như: Quỳnh Xuân, Quỳnh Bảng, Hưng Hòa, Nghi Thái, Diễn Kim... với hơn 1.000 hộ tham gia. Năm 2001, diện tích nuôi tôm công nghiệp trên toàn tỉnh chỉ mới có 150 ha, đến năm 2011 con số này đã vươn lên 1.700 ha, tăng hơn 10 lần. Kéo theo đó, sản lượng tôm nuôi tăng từ 350 tấn/năm lên hơn 8000 tấn/năm.
Hiện nay dự án nuôi trồng thủy sản đang được thực thi tại các địa phương với số vốn hơn 389 tỷ đồng cho hơn 3.000 ha. Sau khi các dự án này hoàn thành, sản lượng thủy sản nuôi trồng sẽ tăng lên một bước, là tiền đề để các hoạt động chế biến xuất khẩu lớn, mang về nguồn ngoại tệ cho tỉnh nhà.
Trong nuôi trồng thủy sản, giống được xem là một trong những yếu tố quyết định. Trước đây, khi chuyển hình thức nuôi tôm từ quảng canh, sang thâm canh, một trong những khó khăn gặp phải đó là con giống. Do không chủ động được nguồn giống nên có nhiều năm diện tích nuôi trồng không đạt kế hoạch, nguồn giống kém chất lượng nên hiệu quả nuôi không cao. Để chủ động nguồn giống, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất giống và đã thu được kết quả đáng ghi nhận.
Trong Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVI, kỳ họp thứ 3 hồi cuối năm ngoái thông qua, các chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản được cụ thể hóa như trong lĩnh vực sản xuất con giống sẽ hỗ trợ trại nuôi tôm phát triển, mua sắm thiết bị với mức 10 triệu đồng/1 triệu con giống, trại sản xuất cá rô phi đơn tính 45 triệu đồng/trại từ 1 triệu con giống trở lên. Hỗ trợ trại sản xuất của giống 5 vạn con trở lên 15 triệu đồng/trại... Tỉnh đang cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất giống để Nghệ An sẽ trở thành trung tâm sản xuất giống của khu vực Bắc Trung bộ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 64 trại sản xuất giống cấp 1, trong đó 7 trại sản xuất giống nước ngọt, 55 trại sản xuất tôm và các loài giống mặn lợ (tăng 53 trại so với 2001).
Hàng năm sản xuất ra 700 triệu tôm giống, tăng 70 lần so với 2001, 500 triệu cá bột; tăng 151 lần so với năm 2001. Ông Tô Huy Vấn là một chủ trại sản xuất giống ở Quỳnh Lưu, cho biết: Nghề sản xuất giống là nghề đầu tư vốn lớn, lại gặp rất nhiều rủi ro. Nhờ có cơ chế hỗ trợ nên những người sản xuất giống như ông mới dám mạnh dạn đầu tư vào sản xuất. Với nguồn kinh phí hỗ trợ đó, ngoài sản xuất tôm giống, ông còn mạnh dạn nghiên cứu để xuất một số loài giống thủy sản có giá trị kinh thế cao như tôm, cá vược...
Theo đánh giá của chương trình phát triển thủy sản Nghệ An thời kỳ 2011-2015 trong thời gian qua, hàng năm Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi giống 17 tỷ đồng, cùng với số đầu tư của người nuôi khoảng 20 tỷ đã tạo nên thu nhập hàng trăm tỷ đồng, giúp người nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nuôi trồng thủy sản.
Trong lĩnh vực khai thác, những năm qua với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư vào mua sắm trang thiết bị hiện đại, nâng công suất máy, vươn khơi đảm bảo tăng thu nhập.
Từ những năm 1988 - 1989, dự án đầu tư xa bờ của Nhà nước tuy không đem lại kết quả như mong đợi, nhưng nó đã tạo đà cho việc phát triển nghề đánh bắt xa bờ ở Nghệ An. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 4.000 phương tiện khai thác thủy hải sản, trong đó số phương tiện đánh bắt xa bờ lắp máy công suất 90 CV trở lên chiếm gần phần nửa. Xu hướng sắm tàu to máy lớn đang ngày càng tăng, trang bị ngày càng hiện đại.
Để phục vụ đánh bắt dài ngày trên biển, huyện Quỳnh Lưu là địa phương đang dẫn đầu về phong trào chuyển đổi sản xuất. Số lượng tàu đóng mới, hoán cải nâng công suất máy hàng năm ở đây lên đến hàng chục chiếc. Để hỗ trợ ngư dân trang bị tàu có công suất lớn, tỉnh đã có những chính sách cụ thể như hỗ trợ lãi suất 12 tháng đối với tàu đóng mới công suất 90 CV, hỗ trợ máy thông tin tầm xa, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên....
Ngoài ra trong năm qua tỉnh còn xuất 500 triệu đồng mua máy thông tin liên lạc cung cấp cho các phương tiện khai thác xa bờ. Đến nay, hơn 70% số phương tiện xa bờ đã có máy liên lạc...Tỉnh còn xây dựng được 3 khu tránh trú bão cho hơn 1.000 tàu thuyền neo đậu, với kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng mới 3 cảng cá, với tổng số vốn hơn 50 tỷ đồng... tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trao đổi sản phẩm, tăng thời gian sản xuất trên biển.
Trong những năm qua, với các cơ chế chính sách đúng đã giúp cho kinh tế thủy sản Nghệ An có một bước phát triển mạnh mẽ. Kinh tế thủy sản đã và đang đem lại tích cực cho nền kinh tế của tỉnh nhà và ngày một cải thiện đời sống của bà con nông dân, giúp họ xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu một cách chính đáng.
Công Sáng