Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh trên tôm, nhuyễn thể nuôi
(Công điện số 26/CĐ-UBND ngày 29/6/2012 của UBND tỉnh Nghệ An)
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ tháng 4/2012 đến nay, dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại 17 xã, phường thuộc 5 huyện, thành, thị: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò và Thành phố Vinh, tổng diện tích bị bệnh 179,23 ha. Phần lớn tôm bị hội chứng hoại tử gan tụy.
Bệnh đốm trắng đã xuất hiện tại 3 vùng nuôi thuộc xã Hưng Hòa - TP. Vinh, xã Quỳnh Xuân, xã Quỳnh Lương huyện Quỳnh Lưu. Đặc biệt, năm nay đã xuất hiện bệnh đầu vàng tại xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tôm, để chủ động phòng chống dịch bệnh tôm, hạn chế thiệt hại cho người nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện ven biển, các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương triển khai, chỉ đạo thực hiện cấp bách một số nội dung sau:
1. Giao chủ tịch UBND cấp huyện:
Chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm, thủy sản cấp huyện, xã; thực hiện chế độ họp giao ban định kỳ; giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong việc triển khai các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch tôm.
- Tổ chức lực lượng, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật lực, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây ra diện rộng. Riêng các xã có dịch, quản lý chặt chẽ các ổ dịch, quá trình thu tôm và xử lý ao, đầm theo quy định của cơ quan chuyên môn.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt các nội dung:
+ Có ý thức trong việc bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh. khuyến khích người nuôi thành lập các đội tự quản, tổ cộng đồng, tổ/nhóm hợp tác nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng trong sản xuất.
+ Phát triển nuôi tôm theo quy hoạch;
+ Tuân thủ khung, lịch mùa vụ nuôi;
+ Phát hiện dịch sớm, báo cáo dịch kịp thời để xử lý dịch trong diện hẹp;
+ Thực hiện nghiêm túc các quy định về chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản ban hành danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử đụng, hạn chế sử dụng.
Chỉ đạo phòng NN&PTNT, Trạm Thú y, các phường, xã, thị trấn hướng dẫn các cơ sở sản xuất, ương nuôi giống trên địa bàn thực hiện:
+ Các cơ sở sản xuất tôm giống an toàn dịch bệnh định kỳ thực hiện lấy mẫu giám sát và có kết quả âm tính với bệnh đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHD), hội chứng Taura (TSV), hoại tử gan tuỵ (NHP), hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), hoại tử cơ (IMNV), virút gan tụy (HPV) được phép kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trên cơ sở kết quả giám sát dịch bệnh, kết quả xét nghiệm phải được lưu tại cơ sở, tại cơ quan kiểm tra, truy xuất nguồn gốc. Đối với các cơ sở không đáp ứng yêu cầu trên, thực hiện lấy mẫu 100% lô hàng. Kiên quyết xử lý tiêu hủy tôm giống nhiễm các bệnh nêu trên;
+ Tôm giống lưu thông phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, được đóng gói ghi nhãn mác xuất xứ theo quy định, được kiểm dịch một lần tại nơi xuất bán đối với các bệnh nêu trên.
+ Kiểm tra chặt chẽ tôm giống nhập vào địa bàn huyện, tôm giống thả nuôi phải khỏe mạnh, kích thước tôm giống khi thả nuôi phải đảm bảo theo tiêu chuẩn, tôm sú từ PL15, tôm chân trắng từ PL12 trở lên; có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch tại nơi xuất phát đối với các bệnh: Đốm trắng, đầu vàng, hội chứng Taura, hoại tử gan tụy (NHP), vi rút gan tụy, hoại tử dưới vỏ, cơ quan tạo máu và hoại tử cơ (IMNV). Trường hợp nhập vào địa bàn chưa kiểm tra các bệnh nêu trên thì phải ương gièo, lấy mẫu kiểm tra (lấy mẫu theo tỷ lệ lưu hành bệnh ước tính là 10% theo số lượng từng lô hàng).
2. Giao Sở NN&PTNT:
- Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm.
- Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống địch bệnh tôm trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tôm (qua các lớp tập huấn khuyến nông, qua các phương tiện thông tin đại chúng, đài, báo). Lưu ý đối với nuôi thâm canh, bán thâm canh phải dành diện tích làm ao lắng để lọc sạch nước trước khi đưa vào ao nuôi. Thực hiện tốt các khâu chuẩn bị ao, dọn nền đáy, tẩy trùng diệt tạp bằng các sản phẩm an toàn có tên trong danh mục thuốc, hóa chất được phép lưu hành, đúng liều lượng, thời gian, không được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học hoặc thuốc chưa có tên trong danh mục được phép lưu hành. Chọn mua giống ở những cơ sở có uy tín, chăm sóc, vệ sinh, quản lý môi trường ao/đầm nuôi đảm bảo sự sinh trưởng và nâng cao sức đề kháng cho tôm.
- Chỉ đạo Chi cục Thú y thực hiện tốt công tác kiểm dịch theo Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 02/02/2010 của Bộ NN&PTNT.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, hoá chất, vật tư... chủ động phòng chống dịch. Triển khai kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở kinh doanh vật tư thủy sản (thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản) theo quy định tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ NN&PTNT. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm.
- Chỉ đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản phối hợp với Chi cục Thú y kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh; điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở sản xuất, ương nuôi tôm giống. Tăng cường công tác quản lý con giống và quản lý vùng nuôi trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản hướng dẫn, giám sát quá trình thu hoạch, chế biến tôm đã đạt kích cờ thương phẩm tại những ao/đầm bị bệnh.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT - TH tỉnh, Báo Nghệ An: Phối hợp chặt chẽ với ngành NN&PTNT tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch trên tôm nuôi, nhuyễn thể nuôi.
4. Sở Tài chính: Chủ động tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác phòng chống dịch thủy sản.
5. Ban chỉ đạo Phòng chống dịch các cấp tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch.
6. Công an tỉnh phối hợp với cơ quan Thú y cử lực lượng bổ sung cho các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông kiểm tra, ngăn chặn việc đưa giống thủy sản từ vùng đang có diều vào địa bàn tỉnh.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò, Thành phố Vinh; các sở, ban, ngành khẩn trương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, khó khăn các đơn vị báo cáo về Sở NN&PTNT để tổng hợp, trình UBND tỉnh giải quyết kịp thời.
KT. Chủ tịch
Phó Chủ tịch:
Đinh Viết Hồng