Thực hiện cắt giảm thuế quan: Thách thức nhiều hơn cơ hội!

28/01/2015 08:13

(Baonghean) - Ngày 14/11/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 05 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2015, có thêm 1.715 dòng thuế giảm về “không” giữa các quốc gia tham gia Hiệp định thương mại tự do giai đoạn 2015 - 2018. Đây là một thách thức lớn cho các nhà sản xuất lẫn thương mại trong nước, bởi các nhóm hàng cắt giảm thuế thuộc các ngành nông nghiệp, nông sản (thủy, hải sản, thịt gia súc), nguyên liệu chế biến phải chủ yếu nhập ngoại, như: chất dẻo, linh kiện điện tử, hàng may mặc…

Sản xuất linh kiện cầu thang máy tại Công ty TNHH Strongplus Việt - Hàn (xóm 15, Nghi Kim, TP. Vinh).
Sản xuất linh kiện cầu thang máy tại Công ty TNHH Strongplus Việt - Hàn (xóm 15, Nghi Kim, TP. Vinh).

Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN được ký ngày 26/2/2009 tại Hội nghị cấp cao lần thứ 14, tại Cha-am (Thái Lan) giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN). Theo đó, Việt Nam sẽ phải hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ thuế quan trong ASEAN vào năm 2015, chỉ có 7% dòng thuế được linh hoạt đến 2018.

Để thực hiện cam kết của Việt Nam cho giai đoạn tiếp theo, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN giai đoạn 2015 - 2018 cùng với một số thông tư quan trọng khác. Theo đó, cùng với 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng biểu thuế xuất nhập khẩu) theo ATIGA (hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối ASEAN) đã được cắt giảm về 0% từ năm 2012 đến năm 2014.

Ông Chu Quang Luân, Cục trưởng Cục Hải quan Nghệ An cho biết: Ngoài việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã tham gia các khu vực mậu dịch tự do gồm: Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), ASEAN – Úc – New Zealand (AANZFTA), ASEAN - Ấn Độ... Như vậy, tương ứng với những bước cắt giảm này của Việt Nam, các nước đối tác trong các Hiệp định thương mại hàng hóa trên (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Niu Dilân, Ấn Độ) sẽ xóa bỏ phần lớn thuế nhập khẩu cho hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào các thị trường này trong giai đoạn 2015 - 2018.

Trao đổi về những ảnh hưởng đến số thu thuế xuất, nhập khẩu của Nghệ An bắt đầu từ năm 2015 do thực hiện cắt giảm thuế quan, ông Nguyễn Văn Quang, Phó phòng Nghiệp vụ, Cục Hải quan Nghệ An khẳng định: Sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Nghệ An, bởi số hàng hóa nhập khẩu vào Nghệ An chủ yếu là xăng dầu, gỗ, linh kiện, trong đó thuế nhập khẩu xăng dầu do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nhập về qua Nghệ An có số thuế 490,47 tỷ đồng (2014), chiếm gần 50% số thuế XNK trong năm 2014 của Nghệ An. Vật liệu xây dựng, linh kiện, phụ tùng ô tô, giấy, vải may mặc, ô tô, .. vẫn có nghĩa vụ phải đóng thuế nhập khẩu và giảm về mức 20% vào năm 2017 và 2018. Bởi vậy, dự kiến số thu thuế XNK của Nghệ An năm 2015 sẽ không giảm. Tuy nhiên, đó là đối với Nghệ An, còn trong phạm vi cả nước việc cắt giảm thuế quan nội khối ASEAN và giữa ASEAN với một số nước khác đã ảnh hưởng đến số thu khá lớn, phụ thuộc vào nước nhập và mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam.

Cũng theo cam kết, riêng trong ASEAN, chỉ có 2 nhóm hàng được loại trừ nghĩa vụ xóa bỏ thuế quan gồm: Các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm như gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường được duy trì thuế suất 5% và nhóm các mặt hàng quốc phòng an ninh (vũ khí, đạn dược) hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe (cần sa, thuốc phiện)…

Trao đổi với một số doanh nghiệp, sau gần 1 tháng các thông tư của Bộ Tài chính về cắt giảm thuế quan có hiệu lực, một số doanh nghiệp vẫn chưa nắm bắt được thông tin. Công ty TNHH Strongplus Elevator Việt – Hàn là công ty của Nghệ An kinh doanh và sản xuất mặt hàng thang máy đóng tại xóm 15, Nghi Kim (TP. Vinh). Công ty hiện đang sản xuất một số linh kiện để xuất sang Hàn Quốc cho công ty mẹ sản xuất thang máy. Trao đổi về những tác động của việc cắt bỏ thuế quan đối với doanh nghiệp, ông Lê Lương Nguyên, Giám đốc công ty cho biết: Hiện công ty đang nhập khẩu sắt (chất lượng cao) của Trung Quốc nên cũng chưa biết có được giảm thuế XNK không, tôi sẽ bắt đầu tìm hiểu quy định. Nhà máy thực phẩm gia súc cao cấp “Con heo vàng” trực thuộc Công ty TNHH thương mại VIC ở Khu công nghiệp Nam Cấm thường xuyên nhập khẩu thức ăn chăn nuôi về chế biến, 1 tháng công ty nhập 300 tấn nguyên liệu gồm ngô, sắn, đậu tương từ các nước Lào, Braxin, Mỹ. Lãnh đạo công ty tỏ ra vui mừng khi hay tin nguyên liệu nhập từ ASEAN hoặc Trung Quốc sẽ được giảm thuế suất bằng 0%. Ông Nguyễn Văn Thắng – Giám đốc nhà máy cho hay, việc miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu chế biến sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, bởi giá thành có thể giảm xuống. Đại diện Công ty CP Royal food (Thái Lan) đang xây dựng nhà máy chế biến cá hộp ở Khu công nghiệp Nam Cấm dự kiến xuất khẩu sản phẩm cá hộp đi các nước ASEAN (vào tháng 7/2015) cũng sẽ thuận lợi khi thuế suất giảm xuống bằng “không”. Còn Công ty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương ở xóm 9, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương ngành nghề mua, bán, chăn nuôi lợn giống, lợn thịt, hiện mỗi tháng công ty này xuất bán 200 tấn sản phẩm thịt lợn và chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Trước thông tin cắt giảm thuế quan (khu vực ASEAN) 0% từ 1/1/2015, ông Lê Quang Thành – Tổng Giám đốc cho biết là đơn vị đang xuất khẩu nên công ty cũng chưa thấy rõ ảnh hưởng gì lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do đang xuất khẩu tiểu ngạch nên công ty và các nhà phân phối cũng chưa được hưởng chính sách.

Đóng gói sản phẩm ở Công ty  thức ăn gia súc cao cấp Con heo vàng.
Đóng gói sản phẩm ở Công ty thức ăn gia súc cao cấp Con heo vàng.

Mặc dù vậy, tìm hiểu được biết, trong những năm qua, Việt Nam chủ yếu xuất sang ASEAN các nhóm hàng chủ lực như: gạo, dầu thô, sắt thép, điện thoại các loại & linh kiện, máy móc thiết bị, phụ tùng, xăng dầu, máy vi tính,… Nhưng hàng hoá mà các doanh nghiệp của Việt Nam nhập khẩu từ khu vực ASEAN và Trung Quốc là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như: nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu… Trị giá của 4 nhóm hàng này chiếm hơn 46% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN. Việc cắt giảm 1.715 dòng thuế còn 0% từ 1/1/2015 chắc chắn sẽ làm tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam, đặc biệt hàng hóa từ một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc (thực hiện hiệp định ASEAN – Trung Quốc). Việc thay đổi Biểu thuế nhập khẩu chắc chắn dẫn tới khả năng hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường Việt Nam, cạnh tranh với hàng hóa trong nước do tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng hóa nước ngoài hầu hết tốt hơn Việt Nam. Đối với một số siêu thị ở Nghệ An, với lợi thế giá rẻ, đã thấy xuất hiện tình trạng nhập khẩu thịt bò, thịt gà (dai), chân gà, cánh gà… từ Hàn Quốc, Trung Quốc về. 2 nước này cũng gia nhập hiệp định với ASEAN. Các loại hàng này giá cạnh tranh so với hàng sản xuất nội địa. Mặc dù tâm lý tiêu dùng người Việt không mấy ưa thích các sản phẩm này, song ở các nhà hàng, các quán ăn nhanh vẫn tiêu thụ mạnh do được chế biến hấp dẫn, điều đó cũng làm giảm thị phần tiêu thụ của sản phẩm trong tỉnh, trong nước. Trên thị trường TP. Vinh đã xuất hiện một số cửa hàng bán hàng tiêu dùng Hàn Quốc và Thái Lan. Hàng linh kiện điện tử, máy tính là mặt hàng chịu sức ép nhiều nhất đối với sản xuất trong nước. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận với máy vi tính và các thiết bị điện tử giá rẻ hơn từ các nước tham gia hiệp định, điều đó cũng lý giải vì sao nhiều siêu thị điện tử, điện máy đang tung ra các chiêu khuyến mãi, giảm giá để giải quyết hàng tồn kho trước khi nhập khẩu hàng mới giá rẻ. Mặc dù người ta nhập được mình cũng xuất được, tuy nhiên, so năng lực sản xuất và chất lượng hàng công nghệ phẩm, công nghiệp của Việt Nam đang hạn chế do với nhiều nước bạn nên nguy cơ Việt Nam sẽ nhập siêu mạnh từ năm 2015.

Ngay cả thuế XNK ô tô và phụ tùng ô tô dù chưa giảm nhiều, hiện còn 50% vào năm 2014 (trước đây 150 - 100% thuế). Và đến năm 2018 người tiêu dùng Việt Nam được mua ô tô giá rẻ do thuế nhập khẩu về 0% sẽ là một thách thức lớn đối với ô tô sản xuất tại Việt Nam khi năng lực sản xuất của ngành này đang yếu.

Như vậy, việc cắt giảm thuế quan ngày càng sâu và sẽ có nhiều tác động tới doanh nghiệp. Doanh nghiệp thương mại nhỏ trong nước nếu không chú ý nắm bắt thông tin sẽ dễ bị thua lỗ do mua phải hàng giá cao, khó cạnh tranh, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cũng như chế biến các sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt khi theo thời gian các dòng thuế ngày càng bị cắt giảm. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp tiếp tục tuyên truyền cho DN, hỗ trợ cho DN hội nhập, đồng thời quy hoạch phát triển các ngành hàng sản xuất trong nước cũng cần tính tới thực trạng này.

Theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam, để thực hiện hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2015 - 2018 ban hành kèm theo Thông tư số 166/2014 của Bộ Tài chính ngày 14/11/2014, có các mặt hàng sau giảm thuế suất về 0% từ 1/1/2015: Lợn giống, cừu, dê sống, gà sống, vịt, ngan, thỏ, chim, vẹt, thịt trâu, bò tươi hoặc ướp lạnh, thịt cừu, dê đông lạnh, nội tạng của lợn, trâu, bò, cá chép, cá vàng, cá rồng, cá bơn, cá ngừ vây dài, cá rô phi, cá chình, cá đuối, cá chim trắng, cá hồng bạc, cá trích nước lạnh, cá chẽm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng…

Châu Lan

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Thực hiện cắt giảm thuế quan: Thách thức nhiều hơn cơ hội!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO